Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hỗ trợ lãi suất cho công nghiệp hỗ trợ
Thế Hải - 20/08/2023 10:19
 
Việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp hỗ trợ là “liều thuốc” cần thiết trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn khiêm tốn.

“Tăng lực” cho công nghiệp hỗ trợ

Theo tờ trình của Bộ Công thương gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, bộ này đề xuất nhiều chính sách ưu đãi mới cho công nghiệp hỗ trợ.                

Với khoảng 5.000 doanh nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ...

Về vốn, Bộ Công thương đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm.

Thời gian được Nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí - chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao (khuôn mẫu, cơ điện tử, cơ vi điện tử, điện tử y tế…).

Cú hích cho công nghiệp hỗ trợ

Động thái trên được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam đã đón một lượng lớn vốn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến lập nhà máy sản xuất, nhưng mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt vào các nhà máy của doanh nghiệp FDI còn rất hạn chế.

Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) thừa nhận, ngành công nghiệp Việt Nam phát triển sau các nước trong khu vực 2 - 3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh về giá với thị trường khác.

Riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp, nhưng có đến gần 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô 300 lao động trở xuống.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có doanh nghiệp công nghiệp có quy mô toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt để hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội thông tin, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm 15%, thấp hơn Thái Lan, Malaysia…

Doanh nghiệp Nhật đầu tư lớn tại Việt Nam, nhưng nhiều năm qua gặp khó khi khả năng cung ứng nguyên liệu, linh phụ kiện tại Việt Nam còn thấp, do chất lượng nhà cung ứng linh phụ kiện còn yếu, giá chưa cạnh tranh.

Để giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công thương đã chủ động kết nối với các “ông lớn” FDI để tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, kết nối với các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Chẳng hạn, Bộ đã “làm việc với Samsung về kết nối doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong các lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng/đào tạo chuyên gia khuôn mẫu, xây dựng nhà máy thông minh, phát triển nhà cung cấp…

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, sự hỗ trợ của Samsung thông qua nhiều chương trình cụ thể đối với doanh nghiệp Việt Nam đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu năm 2014, Việt Nam chỉ có 4 nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, thì con số này đã tăng lên 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh, dựa trên nền tảng là những thành quả đạt được khi hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong 7 năm qua, Samsung sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực sản xuất thông minh, giúp củng cố năng lực của doanh nghiệp Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các doanh nghiệp toàn cầu.

Hưng Yên tập trung phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ
Hưng Yên dự kiến đến năm 2030 quy hoạch phát triển 30 Khu công nghiệp (KCN) diện tích 9.540 ha và năm 2050 là 35 KCN diện tích 12.000 ha, đảm bảo mặt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư