Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hoàng Tuấn Anh, “cha đẻ” ATM gạo: Ý tưởng hiệu quả và được ủng hộ là điều tuyệt vời nhất
Công Sang - 01/05/2020 10:29
 
Những cây ATM gạo không chỉ hỗ trợ, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh, mà còn lan tỏa sự ấm áp của tình người và ý nghĩa nhân văn cao cả trong cuộc sống. “Cha đẻ” của thiết bị thu hút sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước này là một doanh nhân trẻ thế hệ 8X, đang nỗ lực đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau thời gian chững lại bởi Covid-19.
.
PHGLock, cây ATM gạo, .

Thiết kế ATM gạo trong 8 tiếng

10 giờ sáng, dòng người xếp hàng nhận gạo miễn phí tại trụ sở Công ty Vũ Trụ Xanh trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn dài gần cây số, dù việc phát gạo đã bắt đầu từ 3 tiếng trước. Các anh, chị dân phòng và nhân viên Vũ Trụ Xanh áo ướt đẫm mồ hôi, di chuyển liên tục để hướng dẫn những người đến nhận gạo đứng theo hàng, giữ đúng khoảng cách để ngừa dịch bệnh.

Mấy tuần nay, đường chính vào văn phòng của Vũ Trụ Xanh tạm đóng để làm chỗ phát gạo, muốn vào trong phải đi vòng qua con hẻm nhỏ bên cạnh. Không khí tại khu vực này nhộn nhịp không kém khi có đến chục người đang cắt, hàn các thanh sắt để tạo thành khung đỡ cho ATM gạo, được “chế” từ bình trữ nước ngoài trời cỡ trung.

Các “cây ATM” đã định hình đang được đội ngũ kỹ thuật gắn thêm vi mạch để điều khiển việc ngắt/nhả gạo. Lúc cao điểm, có đến 30 người làm liên tục để kịp tiến độ đặt hàng của các nhà hảo tâm.

Văn phòng Vũ Trụ Xanh nằm ở tầng trệt, mới sửa sang lại khá khang trang, nhưng cũng bị phủ bụi bởi phải ngừng hoạt động gần hai tháng nay vì ảnh hưởng của Covid-19.

Hoàng Tuấn Anh, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Vũ Trụ Xanh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi với sự nhiệt tình thường thấy, nhưng sự mệt mỏi vẫn hiện rõ trên nét mặt. ATM gạo đầu tiên bắt đầu hoạt động hôm 6/4 và từ đó đến nay, mỗi ngày, Tuấn Anh chỉ ngủ khoảng 3 tiếng.

Ý tưởng hình thành ATM gạo của Tuấn Anh và anh em trong Công ty xuất phát từ việc muốn san sẻ phần nào khó khăn cùng người nghèo ở quận Tân Phú. Ban đầu, mọi người dự định đóng gói gạo sẵn để phát cho người dân, nhưng thời điểm đó bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, nếu làm theo cách này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho cả người phát và người nhận...

“Cần một giải pháp để có thể giao gạo từ xa và hạn chế phần nào tình trạng một người nhận nhiều phần, đảm bảo cho những người khó khăn khác có thể nhận hỗ trợ và chúng tôi đã nghĩ tới… băng chuyền”, Tuấn Anh kể.

Nếu dùng băng chuyền, có thể tránh được tiếp xúc gần, nhưng chi phí lại quá cao, thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng. Các máy đóng gói trên thị trường lại không có loại đóng gói 1,5 kg, tối thiểu phải 5 kg trở lên.

“ATM gạo, tại sao không?”, trong đầu Tuấn Anh lập tức hình thành ý tưởng về chiếc máy ATM gạo và chỉ sau 8 tiếng, bản thiết kế đã được hoàn thành. Sở dĩ có thể thiết kế nhanh như vậy là do Tuấn Anh sử dụng ngay các thiết bị mà Công ty đang kinh doanh, cải tạo lại để cấu thành chiếc máy như hệ thống nhận diện khuôn mặt, dùng mô-tơ của máy kiểm tra… khóa cửa để chạy van ngắt/thả gạo...

Rà đúng “đài” kỹ thuật, giọng ông chủ Vũ Trụ Xanh sôi nổi hẳn lên. Anh hào hứng kể về hành trình ra đời máy ATM gạo. Không chỉ hạn chế việc một người nhận nhiều lần thông qua theo dõi bằng camera, ATM gạo còn thiết kế để đảm bảo công suất phát được cho 3.000 người/ngày, hiệu chỉnh được số gạo nhả ra và chạy liên tục 24/24 giờ.

Tuy nhiên, điểm khó nhất không phải khâu thiết kế máy, mà là quy trình vận hành. Tuấn Anh và đội ngũ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có được quy trình chuẩn như hiện nay.

Tuấn Anh chia sẻ, điều may mắn nhất khi thực hiện ý tưởng ATM gạo chính là có được sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND quận Tân Phú. Khi nhận được lời đề nghị của Công ty Vũ Trụ Xanh, chính quyền địa phương đã hỗ trợ bố trí địa điểm, sắp xếp lực lượng dân phòng để đảm bảo trật tự và kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia. “Nếu không có sự tiếp sức đó, chúng tôi sẽ không thể thực hiện được”, Tuấn Anh nói.

Từ mô hình đầu tiên ở Tân Phú, ATM gạo được nhân rộng với tốc độ ngoài sức tưởng tượng của Tuấn Anh. Nhiều địa phương, doanh nghiệp liên hệ muốn dùng ATM gạo để hỗ trợ người dân và chỉ trong gần 20 ngày, đã có 60 điểm ATM gạo được lắp đặt trên toàn quốc. Có ngày, Tuấn Anh và đội ngũ của Công ty mở đến 4 - 5 điểm. Tiếng lành đồn xa, Đại sứ quán Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã liên hệ với Tuấn Anh. Công ty đang làm thủ tục để tặng máy cho họ.

Ước tính, với 60 điểm ATM gạo, hàng chục tấn gạo đã được phát miễn phí tới tay hơn 20.000 người dân mỗi ngày. Kinh phí để sản xuất các máy ATM gạo này hơn 1 tỷ đồng, Công ty Vũ Trụ Xanh đầu tư một nửa, phần còn lại do các “Mạnh Thường quân” tài trợ.

“Tuyệt vời nhất là khi ý tưởng của bạn hoạt động hiệu quả và được cộng đồng ủng hộ”, Tuấn Anh vui vẻ nói.

Trở lại đường đua

Khi chúng tôi gặp Tuấn Anh, việc giãn cách xã hội đã bắt đầu được nới lỏng. Các doanh nghiệp đang từng bước quay trở lại với công việc kinh doanh và Vũ Trụ Xanh cũng không ngoại lệ.

Vũ Trụ Xanh là đối tác độc quyền phân phối sản phẩm khóa thông minh của Hãng PHGLock (Australia) ở Việt Nam và thị trường Đông Nam Á từ năm 2010. Tuấn Anh ước tính, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 25.000 khóa điện tử/năm, trong đó, thương hiệu PHGLock đang chiếm khoảng 20% thị phần với tốc độ tăng trưởng doanh thu 100%/năm liên tục trong 5 năm trở lại đây.

Nguồn thu đồng đều đến từ ba nhóm khách sạn, dự án căn hộ và nhà phố là nền tảng phát triển vững chắc của Vũ Trụ Xanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, Covid-19 đang kéo lùi đà tăng trưởng của Công ty, doanh thu 3 tháng đầu năm sụt giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫu vậy, điều này không làm ông chủ Vũ Trụ Xanh quá lo lắng.

Tuấn Anh cho rằng, điều đáng sợ nhất trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm khóa thông minh không phải dịch bệnh, mà là không đủ vững chãi để chặn làn sóng sản phẩm thương hiệu mạnh từ châu Âu hoặc sản phẩm có giá thành cạnh tranh từ Trung Quốc.

Lợi thế duy nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi này là am hiểu sản phẩm. Vũ Trụ Xanh là đơn vị hiếm hoi trên thị trường đầu tư hệ thống kiểm tra khóa và phân loại theo tính năng sử dụng.

Hoàng Tuấn Anh sinh năm 1985, du học tại Australia từ khi 15 tuổi và tốt nghiệp kỹ sư ngành xây dựng. Trước khi về Việt Nam, anh đã nếm trải khá nhiều thăng trầm ở xứ người.

Ở tuổi 20, Tuấn Anh phất lên nhờ kinh doanh hàng điện tử đã qua sử dụng và tự thưởng cho mình chiếc xe trị giá 60.000 đô-la Australia (khoảng 1 tỷ đồng thời đó). Nhưng sau đó không lâu, thị trường bão hòa, Tuấn Anh gần như trắng tay. Hai năm sau, anh tiếp tục thua lỗ nặng, suýt tự tử vì thương vụ kinh doanh tấm cách nhiệt bị Chính phủ Australia ngừng đột ngột.

Từ hai bài học đắt giá này, Tuấn Anh nhận ra rằng, ngoài nhanh nhạy nắm bắt cơ hội trong kinh doanh, doanh nghiệp còn phải nhạy bén cả trong việc nhận diện và dự phòng rủi ro. Từ đây, Tuấn Anh đã sớm có những kế hoạch cụ thể cho Vũ Trụ Xanh.

Tuấn Anh đến với ngành kinh doanh khóa điện tử khá tình cờ. Trở về Việt Nam sau khoảng thời gian học tập và làm việc tại Australia, thấy việc quản lý phòng trọ của ba mẹ quá bất tiện, đi đâu cũng phải mang theo chùm chìa khóa nặng gần cả kilogram, anh chợt nghĩ đến sản phẩm khóa điện tử.

ATM gạo vẫn hữu ích sau dịch, bởi nhu cầu của các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp khá cao. Vì vậy, từ cái thứ hai, chúng tôi đã thiết kế ATM gạo có thể di động, đặt trong container xe tải chẳng hạn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đây sẽ là dòng sản phẩm có tính thương mại cao của Vũ Trụ Xanh, vì chúng tôi làm với mục đích từ thiện là chính”..

“Tôi quan niệm, khi kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào, dù lớn hay nhỏ, cũng cần phải làm hết sức mình để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đó. Nếu Việt Nam có nhiều doanh nghiệp như vậy, thì nền kinh tế sẽ có nhiều cơ hội phát triển”, Tuấn Anh nói.

Trong kế hoạch năm 2020, bên cạnh việc ra mắt dòng sản phẩm inox thích hợp với khí hậu nóng ẩm ở Đông Nam Á, Vũ Trụ Xanh sẽ mở rộng mạng lưới phân phối từ 600 điểm lên 2.000 điểm. Các đối tác này phần lớn là đơn vị kinh doanh camera giám sát trên thị trường.

Với mức giá từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng/sản phẩm, Vũ Trụ Xanh đang duy trì chiến lược bán giá thấp hơn các thương hiệu nổi tiếng khoảng 10% và có chính sách chiết khấu cạnh tranh.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi đang sôi nổi thì phải tạm dừng vì cuộc gọi của một người bạn cho Tuấn Anh hỏi thăm về sự cố ATM gạo vừa qua. Cách đây khoảng 10 ngày, trên mạng xã hội đăng tải clip nhân viên ATM gạo của Vũ Trụ Xanh không phục vụ một khách hàng, một tài khoản tự nhận là nhân viên Công ty còn có lời lẽ không hay về khách hàng đó trên mạng xã hội.

Điều này khiến ATM gạo bị nhiều lời chỉ trích, nhân viên Công ty bị nhắn tin đe dọa. Tuấn Anh đã đứng ra xin lỗi, dù tài khoản đó không phải là nhân viên của mình.

“Tôi không biết người ta làm vì mục đích gì và cũng không muốn tìm hiểu. Tôi nghĩ, hỗ trợ người nghèo trong giai đoạn khó khăn mới là điều quan trọng nhất”, Tuấn Anh nói.

Gần 12 giờ trưa, dòng người xếp hàng đến nhận gạo trước trụ sở Vũ Trụ Xanh vẫn còn rất dài. Sáu, bảy thanh niên mồ hôi nhễ nhại đang chuyển gạo ra băng chuyền để lấp đầy một chiếc xe tải nhỏ, dùng để chở đi tiếp tế các điểm ATM gạo khác.

Có lẽ, không nhiều người biết, mỗi ngày Tuấn Anh chi không dưới 10 triệu đồng cho việc khuân vác và điều hành điểm nhận gạo miễn phí này. Và có lẽ, càng ít người biết, “cha đẻ” của ATM gạo đã phải bán một phần tài sản để đầu tư và duy trì dự án này từ những ngày đầu.

TP.HCM: PHG Lock chế máy “ATM gạo” phát gạo miễn phí cho người dân nghèo
Chiếc máy phát gạo miễn phí đầu tiên của công ty PHGLock dành cho người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19 đặt tại đường Vườn Lài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư