Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kế hoạch thoái lui của 'doanh nhân bất đắc dĩ" Kiều Công Thanh
Minh Duyên - 05/07/2015 08:40
 
Ông Kiều Công Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Cơ khí Tân Thanh, người đã đưa Tân Thanh trở thành công ty sản xuất rơ-moóc container lớn nhất Việt Nam đang tính tới bước lui chân…

1.
Không ai nghĩ rằng, vị thuyền trưởng của doanh nghiệp số 1 Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại  container, sơ-mi rơ-moóc lại kêu, làm doanh nhân rất khổ. Rồi ông đề nghị Chính phủ xem xét, trao cho doanh nhân một huy chương bạc nếu doanh nghiệp của họ tồn tại 10 năm, thêm 10 năm nữa thì thành vàng, kim cương…

Nghe ông liệt kê, thì đúng là hiếm nghề nào khổ như nghề này khi nỗi lo không có thời gian biểu. Lo điều hành công ty, lo lương thưởng cho người lao động, lo an toàn sản xuất, lo giá điện nước, xăng dầu, rồi lo chính sách thay đổi... Đó là chưa kể nỗi khổ của người quản lý khi quy trình quản lý chưa thực sự chuẩn khiến nhân viên có thể lợi dụng làm ăn phi pháp, khiến doanh nghiệp mất cả triệu USD, còn nhân viên rơi vào cảnh tù tội...

Rồi ông kể, vài năm trước, Tân Thanh đã nghiên cứu và rất muốn sản xuất sơ-mi rơ-moóc, vì nghiên cứu, thăm dò nhiều, thấy rõ công dụng và thị trường của sản phẩm đặc thù này, nhưng khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có quy chuẩn chính thức, nên đành chịu.

“Mãi đến năm 2008, tiêu chuẩn nhà nước về sơ-mi rơ-moóc mới được ban hành, lúc đó, Tân Thanh mới được cấp phép sản xuất sơ mi rơ-moóc đạt chuẩn trọng tải quốc tế 30 tấn, thay vì 23-25 tấn. Nhưng khi mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được, thì thuế nhập khẩu sơ-mi rơ-moóc nguyên chiếc chỉ còn 0%...”, ông Thanh nhớ lại hành trình của Cơ khí Tân Thanh trong lĩnh vực kinh doanh khá đặc thù này.

Nhưng đến giờ, sơ-mi rơ-moóc của Tân Thanh cũng đã xuất được sang các thị trường như Nhật Bản, Phần Lan, Campuchia, Myanmar, Arab Saudi... Tại thị trường Việt Nam, sơ-mi rơ-moóc của Tân Thanh cũng chiếm 50% thị phần.

Nhưng nỗi khổ chưa giảm đi. “Chiếc áo Tân Thanh đang mặc te tua rồi, phải thay thôi. Khoảng 2 năm nữa, tôi sẽ chuyển giao quyền quản lý cho con trai. Chúng có tuổi trẻ, có kiến thức, nhanh nhạy trong nắm bắt và khai thác thông tin, cũng như sử dụng công nghệ thông tin... Tôi tin là, chúng sẽ xây dựng được hệ thống quản lý hiện đại hơn, chuyên nghiệp hơn cho Tân Thanh”, ông không ngần ngại chia sẻ kế hoạch lui chân để cho Tân Thanh lớn lên.

2.
Việc trở thành doanh nhân của ông Thanh bắt nguồn từ một... tai nạn - theo đúng nghĩa đen của nó. Đang phục vụ trong ngành công an, ông bị tai nạn. Sức khỏe kém đi nhiều, không còn phù hợp với công việc cũ. “Cùng lúc, vợ tôi sinh con, tôi cảm thấy cần làm việc nhiều hơn để nuôi vợ con. Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, mọi thứ còn rất khó khăn, cả nước đang trong bước xoay chuyển lớn, nhất là tư duy làm kinh tế. Tôi quyết định phải làm thêm”, ông nhớ lại thời điểm bước vào nghiệp kinh doanh.

“Cũng vì đói mà phải bò thôi. Tôi mở cơ sở sản xuất kẽm, đinh để kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng không khá hơn, thậm chí thất thoát nhiều vì không có kinh nghiệm. Tôi lại tiếp tục xoay, tìm sang các mối thu mua phế liệu”, ông Thanh kể. Khi đó, ông vẫn trong ngành, còn vợ ông lãnh trách nhiệm quản lý cơ sở thu mua phế liệu của gia đình.

Nền móng cho Tân Thanh bắt đầu từ chính thời gian này. Trong quá trình tìm nguồn thu mua phế liệu, thấy một công ty rao bán container, ông thử thời vận bằng cách mua hết đem về bán. Cứ mỗi khách hàng đến mua, ông lại dò hỏi mục đích sử dụng container. Có người mua để chở hàng xuất nhập khẩu, có người dùng làm nhà chứa bụi xưởng gỗ, có đơn vị dùng làm kho, nhiều nơi mua về làm văn phòng nơi công trường xây dựng…

“Tôi cứ ngẫm, với chiều dài bờ biển Việt Nam, việc vận chuyển bằng container sẽ thuận lợi và cần thiết khi nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, lúc đó, các công ty nước ngoài đang đổ về Việt Nam, chắc chắn, nhu cầu container sẽ ngày càng lớn. Đây sẽ là thị trường vô cùng tiềm năng khi các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa tham gia mảng việc này”, ông nói.

Năm 1994, Công ty cổ phần Thương mại Cơ khí Tân Thanh ra đời. Ông Kiều Công Thanh chính thức trở thành doanh nhân.

3.
Khoảng thời gian mày mò tìm hướng kinh doanh đã dạy ông bài học lớn về quản lý và tận dụng kinh nghiệm của chính khách hàng. Những thua thiệt, mất mát trong kinh doanh chủ yếu từ sự non yếu trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp, do sự kém kinh nghiệm của người đứng đầu.

“Người đứng đầu phải có tâm và bản lĩnh kiên định, nhưng phải chịu khó học hỏi, tìm tòi nghiên cứu để chỉnh sửa cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất, kỹ thuật và dịch vụ. Không tự mãn, tự kiêu, mà phải biết cầu thị, sửa mình, biết lắng nghe khách hàng. Thời của chúng tôi, hầu hết là vừa học, vừa làm, nên những thành công đều được đặt nền móng từ những thất bại”, ông chia sẻ.

Công ty Tân Thanh có điểm lợi rất lớn khi là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này, nên có được đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề. Nhưng để giữ chân đội ngũ này trong cạnh tranh không hề đơn giản. Ông Thanh kể, lo cả ngày cả đêm làm sao để đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên. Nếu cứ ngồi chờ có khách đặt hàng mới sản xuất, thì áp lực tiền vốn ít hơn, nhưng công nhân sẽ không có việc và không có thu nhập, hơn thế nhiều khi không kịp tiến độ giao hàng cho khách.

“Tôi quyết định vay tiền ngân hàng, đầu tư sản xuất container dự trữ. Để thu hồi vốn, Tân Thanh cho áp dụng các phương thức linh hoạt, như cho thuê container, bán container trả góp… Với triết lý kinh doanh ‘luôn dẫn đầu chất lượng’, sản phẩm của Tân Thanh từng bước nhận được tín nhiệm và lòng tin của khách hàng. Đây cũng chính là bí quyết thành công của chúng tôi”, ông Thanh nói.

Thực tế, để làm được theo triết lý đó không dễ chút nào, khi hiện nay, áp lực cạnh tranh thương trường đang áp đảo người làm kinh doanh từ nhiều phía. Đơn cử, vào thời điểm kinh tế khó khăn, sản phẩm khó bán, nên có lúc nhân viên cũng yêu cầu ông giảm giá để cạnh tranh, nhưng ông không đồng ý, bởi hạ giá bán đồng nghĩa với việc phải giảm chất lượng và kéo theo đó là hạ uy tín doanh nghiệp, đi ngược triết lý kinh doanh của Công ty.

“Khách muốn giảm chi phí, chúng tôi chọn giải pháp tái chế container cũ. Kinh nghiệm sản xuất giúp chúng tôi biết được container yếu, khỏe nhất, phải sửa chữa bao nhiêu để tăng tuổi thọ và độ bền mà không cần nhiều chi phí. Cũng qua tái chế container cũ, Tân Thanh còn giúp môi trường xanh và sạch”, ông Thanh nói.

Quyết định sản xuất sơ-mi rơ-moóc của Tân Thanh cũng đến từ những kinh nghiệm của khách hàng. Khách mua container thì cần sơ-mi rơ-moóc để kéo. Vậy là Tân Thanh mở rộng sang sản xuất mặt hàng này. Hiện nay, công suất nhà máy của Tân Thanh khoảng 280 - 300 chiếc mỗi năm.

Cho tới thời điểm này, sau 19 năm hoạt động, Tân Thanh đã trở thành công ty sản xuất rơ-moóc container lớn nhất Việt Nam với nhiều lĩnh vực mua bán cho thuê các loại container, kho lạnh di động, thiết kế và thi công nhà container, vận chuyển hàng hóa nội địa, cho thuê kho bãi và dịch vụ nâng hạ hàng hóa… Ngoài việc cung cấp container truyền thống, Tân Thanh còn có sản phẩm ứng dụng cao như nhà container, văn phòng container, lớp học container di động…

4.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Doanh nghiệp Thủ Đức mới đây, khi Ban tổ chức mời ông Thanh lên nhận hoa cảm ơn việc tài trợ xây cầu và tặng xe cứu thương cho bệnh viện, ông đã nhường vinh dự này cho con trai với lời chia sẻ: “Tôi muốn con tôi, người chuẩn bị kế thừa Tân Thanh, sẽ đón nhận vinh dự này và tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng xã hội”. Ông muốn thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Tân Thanh sớm cảm nhận được giá trị của phương châm sống có trách nhiệm mà ông đã đúc rút được.

Doanh nhân bất đắc dĩ Kiều Công Thanh đang nhìn thấy cơ hội lớn hơn của Tân Thanh trong những người con trai của mình và sẵn sàng lui chân vì sự phát triển mới của Công ty.

“Tôi vẫn theo đúng phương châm của mình trong kinh doanh, đó là sống có trách nhiệm, đó là không tự mãn, tự kiêu, mà phải biết cầu thị, sửa mình, biết lắng nghe khách hàng. Có thể, cả cuộc đời doanh nhân của tôi vất vả, khổ cực để đạt được mục tiêu này, nhưng tôi sẽ tiếp tục chịu khổ, truyền lửa cho con để giữ được điều này”, ông nói.

Trò chuyện với Chủ tịch HĐQT Kiều Công Thanh

Bài học trải nghiệm nào trong kinh doanh mà ông tâm đắc nhất?
Phải xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ, không xuề xòa, qua loa mà phải cương quyết, nếu người lãnh đạo lơ là, dẫn đến nhân viên phạm lỗi thì mình sẽ là người có lỗi trước.
Là doanh nghiệp tiên phong, ông có chịu áp lực gì không?
Không. Tôi không sợ bị doanh nghiệp khác qua mặt. Tôi chỉ nhận những đơn hàng phù hợp năng lực của mình có thể đáp ứng. Khách hàng bây giờ khắt khe lắm, họ không cho mình cơ hội sửa sai.
Điều gì khiến ông vui nhất trong sự nghiệp doanh nhân của mình?
Tôi vui vì Tân Thanh đang lớn lên và khỏe mạnh.
Khi chuyển giao, điều gì khiến ông yên tâm nhất?
Các con tôi có tuổi trẻ, có kiến thức.
Doanh nhân 8x Phạm Văn Tam 'phổ cập' tivi về nông thôn
Trong năm 2014, Asanzo đã bán được hơn 122.000 chiếc tivi. Sang 5 tháng đầu năm 2015, con số đó tăng lên 255.000 chiếc, phần lớn ở thị trường nông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư