Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội:
Khai mạc Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam và Triển lãm OVOP 2018
Thanh Nga - 22/11/2018 09:32
 
Tối 21/11, tại Trung tâm thương mại Mega Mall, Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội tổ chức lễ khai mạc Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam và Triển lãm Mỗi làng một sản phẩm – OVOP 2018.

Đây là lần thứ 5 chương trình được tổ chức, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ 6 quốc gia trên thế giới, trưng bày sản phẩm tại hơn 300 gian hàng. Điểm mới của Hội chợ năm nay là sự kết hợp với Triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm - OVOP" quy tụ gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu của TP. Hà Nội.

Lễ cắt băng Khai mạc
Lễ cắt băng Khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, sự kiện góp phần đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành trong cả nước, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, tiêu biểu, có thế mạnh của các địa phương, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.

Với ý tưởng xây dựng một không gian mang đậm bản sắc văn hóa, Hội chợ được thiết kế, dàn dựng mô phỏng hình ảnh các vùng miền, khu vực và tổ chức thành các khu chuyên biệt: Khu gian hàng đặc sản thương hiệu vùng miền, khu nghệ thuật thực phẩm, khu chợ quê, khu không gian chè và cà phê, khu giao thương của các doanh nghiệp...

Không gian trưng bày đậm màu sắc văn hóa
Không gian trưng bày các sản phẩm làng nghề
Không gian triển lãm được thiết kế độc đáo
Không gian triển lãm được thiết kế độc đáo

Hội chợ đã quy tụ những sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền trên cả nước gồm: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, hoa quả tươi, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản, nhóm sản phẩm gia vị… Riêng Hà Nội sẽ giới thiệu một số sản phẩm đặc sản như: Cốm làng Vòng, bánh cốm, giò chả Ước Lễ, nem Phùng, mứt hạt sen trần, kẹo lạc Sơn Tây, chè lam Thạch Thất, Bánh cuốn Thanh Trì …

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của Hội chợ, Ban tổ chức sự kiện đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Ban tổ chức đã yêu cầu doanh nghiệp tham gia hội chợ phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương; Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Công thương các tỉnh, thành xác nhận; Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa.

Nhiều đặc sản vùng miền có mặt tại Hội chợ
Nhiều đặc sản vùng miền có mặt tại Hội chợ

Ngoài ra, sản phẩm bày bán tại hội chợ phải được đóng gói kín hoặc đựng trong lọ, hộp có nắp đậy, có phương tiện che đậy, tránh bụi, côn trùng gây mất vệ sinh thực phẩm. Hàng hóa phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, sản phẩm đóng gói phải ghi rõ định lượng, định tính...

Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm còn kiểm tra, ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp đưa vào hội chợ sản phẩm không rõ nguồn gốc sản xuất, hàng nhái nhãn mác. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm", người xem được tham quan và trải nghiệm các không gian trưng bày sản phẩm đến từ các làng nghề tiêu biểu của Hà Nội. Đó là Khu không gian Gốm sứ (nghệ nhân, làng nghề Bát Tràng, Giang Cao...); Khu không gian Sừng (nghệ nhân, làng nghề Thụy Ứng...); Khu không gian Lụa (nghệ nhân, làng nghề Vạn Phúc, Mỹ Đức…); Khu không gian Đan móc (nghệ nhân, làng nghề Thường Tín); Khu không gian sơn mài (nghệ nhân, làng nghề Bối Khê, Duyên Thái, Phú Xuyên…); Khu không gian đồ gỗ, chạm khắc gỗ (nghệ nhân, làng nghề Du Dự, Sơn Đồng, Nhị Khê, Thanh Oai, Sơn Đồng, Hoài Đức, Thường Tín …); Khu không gian túi xách (nghệ nhân, làng nghề Đình Tổ, Ninh Sở…). Ngoài ra, Triển lãm dành riêng một không gian sản phẩm OCOP quốc gia trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của các địa phương trên toàn quốc đã và đang thực hiện chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm HPA cho biết, Hội chợ "Đặc sản vùng miền Việt Nam" 2018 và Triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm", cùng Hội nghị kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố diễn ra cùng ngày là chuỗi sự kiện nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp, làng nghề tăng cường và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn quan trọng góp phần quảng bá, thu hút người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước đến Thủ đô. Đây là hoạt động quan trọng nhằm triển khai các chương trình hợp tác giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, cung ứng sản phẩm của các địa phương với Hà Nội.

Hà Nội sẽ đầu tư lắp đặt thiết bị cảnh báo tại các ngầm tràn
Đó là một trong những hạng mục đầu tư được đề cập trong kế hoạch của UBND TP. Hà Nội vừa ban hành về công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư