Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 09 năm 2024,
Khi nền kinh tế trao quyền cho phụ nữ
Bảo Duy - 08/03/2018 09:06
 
Việt Nam sẽ có thêm những tỷ phú đô-la được ghi danh là tin mừng sau một giai đoạn kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đáng tiếc là vẫn chưa có thêm một nữ tỷ phú đứng cùng với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air trong danh sách này.

Song, điều này không ảnh hưởng gì đến vị trí của Việt Nam đang nằm trong top đầu những nền kinh tế có tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp cao nhất thế giới, với 31,5%. Thậm chí, Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên trên 35% vào năm 2020.

.
.

Sẽ không quá khó để đạt được mục tiêu trên, khi khảo sát mới đây của Facebook tại Việt Nam cho thấy, cứ 5 người phụ nữ thì 4 người muốn thành lập doanh nghiệp riêng. Chỉ cần một nửa trong số này thực hiện được mong muốn đó và bắt đầu kinh doanh ngay từ bây giờ, thì bóng dáng của những người phụ nữ trong 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2020 sẽ thêm rõ nét.    

Hơn thế, số doanh nhân nữ Việt Nam quyền lực đang tăng lên, bên cạnh những gương mặt quen thuộc của thế hệ những doanh nhân đầu tiên, như bà Nguyễn Thị Nga của BRG, bà Mai Kiều Liên của Vinamilk, bà Thái Hương của TH True milk, bà Mai Thanh của REE…, giới khởi nghiệp đã bắt đầu ghi danh những nữ doanh nhân trẻ, những thế hệ thứ hai của doanh nghiệp Việt. Có thể kể tới Đặng Huỳnh Ức My, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa; Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát; Lê Thu Thủy, Phó chủ  tịch SEABank…

Nhưng, nền kinh tế Việt Nam không chỉ có những doanh nhân nữ.

Trong hơn 4 triệu hộ kinh doanh, đa phần người đứng đầu là phụ nữ. Đằng sau rất nhiều ông chủ doanh nghiệp thành công, là những người người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển, mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, sự phát triển của Internet, của thương mại điện tử, của nền kinh tế số đang mở sân chơi cho những người mẹ trẻ vừa chăm con, vừa kinh doanh.

Những người phụ nữ này dù không định danh rõ ràng, nhưng lại là chủ thể của những xu hướng kinh doanh, xu hướng tiêu dùng mới…

Tất nhiên, cũng không phải mọi việc đều đã thuận lợi với những người phụ nữ muốn làm kinh tế. Tại Việt Nam, hai yếu tố chính cản trở phụ nữ khởi nghiệp là sự lo lắng về an toàn tài chính cá nhân (35%) và thiếu định hướng (35%). Nghiên cứu của Facebook cũng thấy rằng, thiếu tiếp cận tài chính (34%) và chưa cảm thấy sẵn sàng để khởi nghiệp (32%) cũng là những rào cản lớn khác.

Có lẽ phải nhắc lại lời của một trong những nữ tỷ phú quyền lực nhất thế giới hiện nay - bà Sheryl Sandberg, COO của Facebook khi trao đổi với Cộng đồng Doanh nhân APEC tại APEC CEO Summit 2017 rằng, nếu đầu tư vào phụ nữ thì họ sẽ đầu tư lại cho gia đình, họ sẽ làm được rất nhiều điều kỳ diệu.

Khi người phụ nữ được tạo cơ hội để kinh doanh, tham gia vào làm kinh tế, thì sự thịnh vượng của nền kinh tế, chắn chắn, sẽ mang bóng dáng nhân văn, bao dung của họ.

Phó chủ tịch 8X của SeABank được vinh danh là "Doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN"
Trong khuôn khổ Hội nghị Doanh nhân nữ ASEAN do Mạng lưới Doanh nhân Nữ ASEAN (AWEN) tổ chức tại Thủ đô Manila (Philippines), bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư