Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành thép
Việt Dũng - 10/11/2022 17:22
 
Chi phí đầu vào tăng cao, sản lượng bán hàng thấp, lượng hàng tồn kho lớn, cộng thêm sức ép từ lãi suất vay vốn và chênh lệch tỷ giá dâng cao… đang là những thách thức bủa vây doanh nghiệp ngành thép.
Tiêu thụ thép đang giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn 	Ảnh: Đức Thanh
Tiêu thụ thép đang giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn         Ảnh: Đức Thanh

Lợi nhuận bốc hơi

Sau một năm thăng hoa nhờ giá bán liên tiếp lập đỉnh, lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép dần thoái trào khi diễn biến giá thép xấu đi. Chỉ tính từ giữa tháng 5/2022 đến cuối tháng 8/2022 đã có 15 lần giảm giá liên tiếp, từ quanh mức 19 triệu đồng/tấn, xuống còn 14,5-15 triệu đồng/tấn. Sau đó, tuy có tăng nhẹ vào đầu tháng 9, nhưng giá thép lại quay đầu giảm 2 lần liên tiếp, về quanh 14 triệu đồng/tấn, tương đương giai đoạn cuối năm 2020. Giá bán đi xuống, trong khi tình hình tiêu thụ kém khả quan đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn “bốc hơi”.

Đơn cử, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) trong quý III/2022 là âm 1.786 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp, doanh thu của đại gia ngành thép này đi lùi, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó.

Đứng ngay phía sau là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) với mức lỗ khoảng 887 tỷ đồng vào quý III vừa qua, doanh thu cũng sụt giảm phân nửa. Đây là lần thua lỗ trở lại kể từ giai đoạn khó khăn cuối niên độ 2017-2018.

Thép Pomina cũng trải qua quý hoạt động đầy thách thức khi phải kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính cao. Công ty lỗ kỷ lục gần 716 tỷ đồng, chỉ xếp sau hai tập đoàn hàng đầu kể trên.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty cổ phần Thép Nam Kim cũng báo lỗ hơn 400 tỷ đồng với doanh thu giảm gần 1,7 lần so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận âm kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2010.

Giá bán đi xuống, trong khi tình hình tiêu thụ kém khả quan đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép bốc hơi.

Nhóm các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) kỳ này cũng đồng loạt báo lỗ hoặc chỉ lãi nhỏ giọt. Lợi nhuận sau thuế của Thép Thủ Đức (mã chứng khoán TDS) âm 22 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ. Mức lỗ tương tự cũng xuất hiện tại Thép Vicasa (mã chứng khoán VCA), trong khi cùng kỳ công ty này lãi khoảng 2 tỷ đồng. Đây trở thành kỳ kinh doanh thua lỗ lớn nhất của Vicasa kể từ quý III/2020.

Không chỉ nhóm doanh nghiệp sản xuất, mà đơn vị phân phối và kinh doanh thép cũng có kết quả kinh doanh đi lùi. Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC kỳ này lỗ gần 220 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 130 tỷ đồng. Đây là quý mà SMC lỗ cao nhất kể từ khi bắt đầu công bố thông tin vào quý IV/2004.

“Mây mù” vẫn che phủ

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép “bốc hơi” đã được dự đoán từ trước. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức hồi giữa năm 2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, khi lên kế hoạch năm 2022, Ban lãnh đạo Hòa Phát đã tính toán đến nhiều yếu tố. Trong đó, xác định năm nay hoạt động của ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn. Thứ hai là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid” khiến nhu cầu thép tại thị trường này giảm, trong khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát.

Bên cạnh đó, ngân hàng siết “room” tín dụng cho bất động sản cũng làm giảm nhu cầu sử dụng thép. Ngoài ra, một số đơn vị còn chịu thêm sức ép từ lãi suất vay vốn và chênh lệch tỷ giá dâng cao. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay, không ít doanh nghiệp đã phải tiết giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam -   VNsteel đã phải gửi thông báo đến cán bộ, nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2022.

Tương tự, Nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh Công ty cổ phần Thép Pomina đã ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ, công nhân viên của các bộ phận. Nhà máy sẽ hỗ trợ 2 tháng tiền lương cơ bản theo hợp đồng lao động cho những trường hợp này và các quyền lợi khác theo quy định của Luật Lao động.

“Trong tình cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu với mức độ ngày càng trầm trọng, Nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất của lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022. Do đó, Nhà máy không còn lựa chọn nào khác, nên buộc phải cho thôi việc cán bộ, công nhân viên của các bộ phận. Nhà máy rất mong nhận được sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia khó khăn và đồng thuận của tất cả cán bộ, công nhân viên”, văn bản thông báo do ông Đỗ Văn Khánh, Giám đốc Nhà máy ký.

Khi phân tích về triển vọng ngành thép trong những tháng cuối năm, các công ty nghiên cứu thị trường và chuyên gia trong ngành đều cho rằng, đây là giai đoạn khó khăn với các doanh nghiệp ngành thép khi mà giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng giá bán trong nước lại liên tục giảm và giá thế giới cũng giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu… Vì vậy, “mây mù” vẫn chưa thể tan trong thời gian ngắn.

Xuất khẩu tăng, ngành thép “hứng” kiện tụng
Xuất khẩu sắt thép tăng mạnh thời gian qua, vượt mốc 10 tỷ USD, nhưng cùng với đó, các vụ kiện từ nhà nhập khẩu cũng tăng đáng kể.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư