Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Không chịu chi là bất lợi lớn của Mỹ trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc
Lê Quân - 11/09/2020 15:03
 
Washington cố gây sức ép lên Bắc Kinh bằng việc áp dụng các biện pháp cấm cản đối với doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, chứ chưa đầu tư mạnh tay trong cuộc đua công nghệ.
Sau Huawei, đến lượt hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Trung Quốc SIMC vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu. Ảnh: AFP
Sau Huawei, Mỹ đang "ủ" đòn nhằm vào những công ty công nghệ lõi của Trung Quốc như hãng sản xuất chất bán dẫn SMIC. Ảnh: AFP

Đưa Tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách "đen" bị cấm mua bộ phận và linh kiện từ Mỹ, hay động thái nóng nhất gần đây là buộc TikTok phải bán mình nếu không muốn bị đóng cửa ở thị trường Mỹ... cho thấy Washington cố gắng gây sức ép lên các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố cơ quan này đang thảo luận về việc đưa hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Trung Quốc SMIC vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu.

Tháng trước, trong động thái đầy dụng ý muốn "hất cẳng" các công ty niêm yết của Trung Quốc, trong đó có những tên tuổi công nghệ lớn, ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, nhóm công tác tài chính của Tổng thống Mỹ đã "báo động đỏ" tới các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ rằng họ cần thiết lập các quy định mới để kích hoạt việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc, sau khi xuất hiện lo ngại nhà đầu tư Mỹ có thể bị lừa đảo. Nhóm này yêu cầu, để giao dịch trên sàn giao dịch Mỹ, các công ty niêm yết phải cho phép các cơ quan quản lý truy cập vào các giấy tờ, hoạt động kiểm toán của doanh nghiệp.

Những động thái trên cho thấy Mỹ chưa sẵn lòng chi tiền trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc. Đây là bất lợi lớn của Mỹ trong cuộc đua này, theo ông James Andrew Lewis, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc chương trình chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

"So với Mỹ, mức chi mà Trung Quốc dành cho công nghệ bán dẫn như 1.000 chọi 1", ông Lewis - người từng có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ - đánh giá. Trong khi đó, dù Mỹ có sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với dự luật về nâng mức ưu đãi liên bang cho ngành công nghiệp chất bán dẫn, nhưng đến nay ưu đãi vẫn nằm trên giấy và "chưa thể thành tiền".

Phát triển ngành công nghệ lõi như chất bán dẫn là một trong những đường đua chính trong cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung, bên cạnh các đường đua giành ngôi vị thống trị về trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. "Họ (Mỹ) đang nhận thức được việc trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc, thì sẽ phải chi tiền nhiều hơn nữa", ông Lewis nói thêm.

SMIC là một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn có mặt trong một chương trình tham vọng của Trung Quốc về phát triển ngành chất bán dẫn riêng rẽ. Hiện hầu hết các chip sử dụng tại Trung Quốc đều được nhập khẩu và điều này bộc lộ yếu điểm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi phải phụ thuộc nguồn cung chất bán dẫn chất lượng cao từ nước ngoài. 

Chính phủ Trung Quốc đã bơm lượng tiền lớn của để phát triển ngành chất bán dẫn. Theo Reuters, Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia (CICF) của Trung Quốc đã chi 139 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20 tỷ USD) cho các dự án sản xuất chip trong năm 2014 và mạnh tay bổ sung thêm 204 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29,8 tỷ USD) vào năm 2019. Những khoản chi này đã tăng sức hút của ngành chất bán dẫn Trung Quốc đối với nhà đầu tư tư nhân.

Dù thế, Trung Quốc cũng phải mất ít nhất 1 thập niên nữa mới bắt kịp năng lực sản xuất chip chất lượng cao của Mỹ hiện nay - một lĩnh vực đòi hỏi tính chính xác và hàm lượng khoa học cao, theo Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Chuyên gia này đánh giá, những động thái của Washington nhằm vào doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc là nhằm kéo tụt đà phát triển của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn.

"Tuy có bất lợi, Trung Quốc vẫn có những lợi thế như sẵn sàng đầu tư mạnh tay vào công nghệ và sự quyết tâm cao của chính phủ", ông Lewis nhận xét.

Về phía Mỹ, trong động thái cứng rắn mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/9 tuyên bố thời hạn mà Công ty công nghệ internet ByteDance phải bán mảng kinh doanh TikTok ở thị trường Mỹ không được kéo dài. "TikTok sẽ phải đóng cửa hoặc họ (ByteDance) phải bán nó", ông Trump nói với các phóng viên.

Phía TikTok chưa đưa ra bình luận sau tuyên bố của ông Trump.

Tương lai nào cho TikTok sau khi 'cập bến xứ người'?
Trong khi Microsoft có thể sử dụng TikTok để tạo ấn tượng mạnh hơn với những người dùng trẻ tuổi thì đối với Walmart, TikTok mang đến cơ hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư