Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Không chủ quan với "dịch chồng dịch"
Dương Ngân - 11/08/2022 07:52
 
Dịch cúm A, sốt xuất huyết đang tăng cao, Covid-19 với sự đe dọa của các biến thể mới, dịch đậu mùa có nguy cơ xâm nhập. Đây là lúc không được lơi lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Nếu lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể tái bùng phát trở lại trên diện rộng.

Dịch chồng dịch

Về diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới, hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó, thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Trong nước, tại các tỉnh phía Nam, thêm nhiều địa phương ghi nhận ca bệnh nhiễm các biến thể này.

Thực tế cho thấy, xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng chống đại dịch, người dân hầu như bỏ thói quen đeo khẩu trang. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, trong tháng 7/2022, có trên 33.000 ca mắc (tăng 22,4% so với tháng trước), 6 ca tử vong, khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày được ghi nhận.

Bà Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đang gia tăng trở lại, có xu hướng tiếp tục tăng. Điều này có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...) có khả năng xâm nhập.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ 1/8 đến 7/8, số mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội đều tăng so với tuần trước đó. Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Ba Đình, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Oai… Cộng dồn năm 2022, Hà Nội ghi nhận 608 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 359 ca mắc so với cùng kỳ năm 2021. 

Với bệnh tay chân miệng, theo CDC Hà Nội, trong tuần đầu tháng 8, TP. Hà Nội ghi nhận 32 trường hợp, tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó. Cộng dồn năm 2022, Thành phố có 1.183 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ 2021.

Dịch cúm A tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố cũng đang gia tăng chóng mặt. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em.

Không thể chủ quan

Dịch Covid-19 đã tạm qua giai đoạn khó khăn nhất, song nếu lơ là, chủ quan, cơn “đại hồng thủy” dịch bệnh có thể tái bùng phát trở lại trên diện rộng, cuốn trôi tất cả thành quả mà chúng ta đã nỗ lực trong suốt hơn 2 năm qua.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, Covid-19 vẫn là đại dịch toàn cầu và các nước được khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm vắc-xin. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này, bởi khi các quốc gia đồng loạt mở cửa cho các hoạt động giao thương, du lịch, kết nối…, thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi.

PGS-TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Khoa y tế công cộng (Trường Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng, nguy cơ bùng phát Covid-19 tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng của người dân. Hiện tồn tại quan niệm sai lầm là từng mắc Covid-19 và có triệu chứng nhẹ, thì khi mắc lại, tình trạng bệnh cũng không nặng.

Theo PGS-TS. Đỗ Văn Dũng, trước đây, những người mắc Covid-19 do mới tiêm vắc-xin được 2-3 tháng, kháng thể vẫn còn, nên nếu có mắc bệnh cũng nhẹ. Giờ nếu không tiêm lại, kháng thể đã giảm dần, khi mắc bệnh, thì với biến chủng mới và sức khỏe khác trước, nguy cơ tăng nặng có thể xảy ra.

Do đó, PGS-TS. Đỗ Văn Dũng khuyến cáo, những người trẻ tuổi nên tiêm nhắc lại vắc-xin (mũi 3). Người có bệnh nền và người cao tuổi, gia đình có nhân viên y tế nên tiêm nhắc lại vắc-xin mũi 3 và mũi 4 để tăng kháng thể bảo vệ và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Một số chuyên gia cũng dự báo, tháng 9, tháng 10 năm nay có khả năng sẽ xảy ra đợt nhiễm Covid-19 cao trở lại. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các địa phương phải đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học.

Với bệnh cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo, người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Ngoài ra, có thể chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm.

Với dịch sốt xuất huyết, các cơ sở cần tăng cường giám sát, phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp, để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh; phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng...

Trước nguy cơ rình rập của đậu mùa khỉ, với tinh thần “Sớm một bước, cao hơn một mức”, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu (nếu có) trên địa bàn, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, ngay trong tháng 8, phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng cần tiêm, mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương để dịch bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm.
Khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng cúm A
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư