-
Thừa Thiên Huế: Thành lập mới doanh nghiệp không mất chi phí -
Thuan Thanh Eco-Smart IP Viglacera ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư -
Sau 30 năm phát triển, giá trị tổng tài sản của TKV tăng hơn 67 lần -
Doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình: Lực lượng nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương -
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình thăm nhà máy ô tô đầu tiên của Quảng Ninh -
Công bố gói hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho 5.100 doanh nghiệp nhỏ và vừa
Năm 2022, Kido đặt mục tiêu cán mốc 400 điểm bán Chuk Chuk, tương ứng doanh số 500 tỷ đồng. |
Liên tiếp bắt tay “ông lớn” bán lẻ
Cuối năm 2021, Kido liên tiếp bắt tay “ông lớn” bán lẻ để đẩy nhanh tốc độ cán mốc 1.000 điểm bán Chuk Chuk. Đây là tân binh trong ngành F&B và được coi là “con bài” chiến lược của Kido theo kiểu xoay chuyển tình thế để sống sót thời đại dịch vào giữa năm 2020.
Cũng giống các doanh nghiệp F&B khác, Chuk Chuk không nằm ngoài vòng xoáy tác động của Covid-19 khi phải thay đổi các mục tiêu phát triển, cập nhật và bổ sung các loại hình kinh doanh mới để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Thay vì sẽ phát triển mở rộng mô hình cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy tại TP.HCM trong tháng 6, tháng 7 như kế hoạch trước đó, Kido chuyển sang bắt tay với các đối tác.
Theo dự đoán của lãnh đạo Kido trước đó, trước Tết Nguyên đán sẽ mở cửa lại toàn bộ các ngành nghề kinh doanh. Để nhanh chóng bắt kịp tốc độ này, Kido đã bắt tay với Central Retail Việt Nam đưa chuỗi Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại GO!, Big C và Tops Market. Dự kiến trước Tết Nguyên đán, Kido khai trương hơn 10 cửa hàng Chuk Chuk trong các trung tâm thương mại thuộc hệ thống của Central Retail. Trong năm 2022, Chuk Chuk được nhân rộng và có mặt tại tất cả các trung tâm thương mại của Central Retail tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Fortune Business Insights, quy mô thị trường trà sữa được định giá 2,2 tỷ USD vào năm 2019 cùng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ước tính 7,2% trong giai đoạn 2020 - 2027. Tổng giá trị thị trường đến cuối năm 2027 được kỳ vọng sẽ đạt 3,39 tỷ USD.
Mức giá trung bình của các nguyên liệu làm trà sữa đều tăng từ 25 đến 40%. Nguyên nhân là sự ảnh hưởng của chính sách đóng cửa và cấm vận khiến chuỗi cung ứng từ các quốc gia trồng và xuất khẩu trà lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… bị gián đoạn. Việc các nhà máy sản xuất bị đóng cửa và giới hạn quy mô hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội cũng làm đình trệ việc kinh doanh trà sữa.
Trong các giai đoạn tiếp theo của hợp tác, hai bên sẽ đồng hành với triển vọng mở rộng, đưa Chuk Chuk cũng như các sản phẩm thiết yếu của Kido qua thị trường Thái Lan và các nước khác trong khu vực.
Trước đó, Kido đã cùng với Sơn Kim Group hợp tác toàn diện đầu tư phát triển mảng bán lẻ; sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu và xuất khẩu thực phẩm cùng bất động sản. Ở giai đoạn đầu tiên, hai bên bắt đầu triển khai kế hoạch hợp tác tập trung vào phát triển chuỗi bán lẻ. Cụ thể, các sản phẩm của chuỗi Chuk Chuk sẽ có mặt trong hệ thống cửa hàng của GS25. Dự kiến đến cuối 2022, Chuk Chuk có mặt tại tất cả các cửa hàng của GS25 thông qua trưng bày sản phẩm quầy kệ Chuk Chuk. Trong giai đoạn 2023-2026, hai bên từng bước đưa thương hiệu Chuk Chuk mở rộng khắp toàn quốc và ra thị trường quốc tế.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Kido cho rằng, không chỉ Sơn Kim và Central Retail, Tập đoàn sẽ hợp tác với nhiều đối tác khác để cán mốc 1.000 điểm bán Chuk Chuk tại Việt Nam trong vòng 3 năm, sớm hơn so với mục tiêu ban đầu là đến năm 2025. Với năm 2022, Kido đặt mục tiêu cán mốc 400 điểm bán Chuk Chuk, tương ứng doanh số 500 tỷ đồng. Chuk Chuk là chuỗi kết hợp cả 4 phân khúc trên thị trường ngành nước hiện nay, gồm cà phê, trà sữa, trà trái cây và bánh tươi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Sơn Kim Group cho biết, việc hợp tác với Kido giúp Tập đoàn phát triển chuỗi cung ứng, đặc biệt là lĩnh vực thực phẩm. Hợp tác với GS Retail, Sơn Kim đã đưa hàng Việt Nam vào hệ thống GS25 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm cao, nên sản lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang còn thấp. Lãnh đạo Sơn Kim kỳ vọng, hợp tác với Kido - tập đoàn có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm - sẽ tạo ra sự bứt phá.
Ngoài ra, Sơn Kim không chỉ phát triển mảng bán lẻ, mà cũng là nhà phát triển bất động sản trong phân khúc cao cấp qua Sơn Kim Land. Sau phát triển mảng bán lẻ, hai bên sẽ có những hợp tác đầu tư lâu dài trong mảng bất động sản, dựa trên quỹ đất sẵn có.
Trong khi đó, GS25 của Sơn Kim Land cùng chuỗi 7-Eleven, Pharmacity cũng bắt tay với Tập đoàn An Gia thuê mặt bằng nhằm mở nhanh chuỗi cửa hàng.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, hàng loạt tên tuổi ngành F&B, hệ thống bán lẻ và cửa hàng tiện lợi sẽ có mặt tại các dự án nhà ở, khu phức hợp của An Gia tại TP.HCM, Vũng Tàu và Bình Dương.
Trong tháng 11/2021, đã có 7 cửa hàng tiện lợi GS25 tại khu căn hộ Skyline (quận 7, TP.HCM) của An Gia được khai trương. Dự kiến, sau Skyline, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 sẽ có mặt tại các dự án The Sóng (Vũng Tàu), The Standard (Bình Dương) và Westgate (Bình Chánh, TP.HCM).
Trong khi đó, cửa hàng tiện lợi đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa An Gia và 7-Eleven sẽ được triển khai tại Khu phức hợp Westgate (Bình Chánh). Đây là dự án có quy mô 3,1 ha, gồm 4 tòa tháp cao 20 tầng, cung cấp ra thị trường gần 2.000 căn hộ và shophouse.
Bước đi khôn ngoan?
Hiện các cửa hàng tiện lợi được xem là “cuộc cách mạng” thay đổi thói quen và giúp đời sống của người tiêu dùng dễ dàng hơn khi mở cửa 24/7, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm, đồ ăn đóng hộp hoặc thanh toán nhanh các hoá đơn sinh hoạt.
Bên cạnh chiến lược tự mở cửa hàng, quầy kệ, ki-ốt, Kido có cách đi giống thương hiệu trà sữa Phúc Long của Masan Consumer. Sau khi chi 15 triệu USD mua lại 20% cổ phần Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - đơn vị sở hữu thương hiệu Phúc Long, Masan đã phát triển mô hình “ki-ốt Phúc Long” thông qua mạng lưới hàng ngàn cửa hàng VinMart trên cả nước. Tập đoàn dự kiến mở 1.000 ki-ốt tương tự trong vòng một năm.
Mô hình mở các ki-ốt trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi được xem là bước đi khôn ngoan của Phúc Long, Chuk Chuk, khi thương hiệu đồ uống này có thể tận dụng mạng lưới hàng ngàn siêu thị để phủ sóng, ở mọi phân khúc, thị trường các tỉnh, thành phố. Ngược lại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng thu hút được thêm lượng khách hàng trẻ tuổi.
Dự kiến các ki-ốt của Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart. Dựa vào kết quả kinh doanh thí điểm, Ban lãnh đạo Masan dự đoán, hợp tác này góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống VinMart thêm 4% so với hiện tại. Các cửa hàng VinMart đang lần lượt được đổi tên thương hiệu thành WinMart. Việc chuyển đổi thương hiệu này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Việc đầu tư vào chuỗi F&B Chuk Chuk được ông Trần Lệ Nguyên coi là phương cách duy nhất để Kido tiếp tục đà tăng trưởng lớn trong vài năm tới. Hiện dư địa phát triển của mảng kem và dầu ăn tại Việt Nam vẫn còn, nhưng sắp bão hòa. Dù vậy, Kido sốt ruột trước động thái của các “ông lớn” khác, khi trong năm 2020, rất nhiều chuỗi F&B được hậu thuẫn bởi các tập đoàn lớn là E-Coffee (Trung Nguyên), Ông Bầu (NutiFood - Hoàng Anh Gia Lai - Đồng Tâm).
Vậy nên, vào tháng 6/2020, bất chấp Covid-19 đang hết sức căng thẳng, Kido vẫn quyết tâm ra mắt cho bằng được thương hiệu mới Chuk Chuk. Song phải gần cuối tháng 9/2021, những cửa hàng đầu tiên của Chuk Chuk mới chính thức khai trương và khách hàng mới có thể thưởng thức được các sản phẩm của “tân binh” này.
Cảm hứng từ start-up trà sữa của Trung Quốc
Trên thế giới, đang có phong trào dịch chuyển từ các sản phẩm có gas như coke sang trà trái cây hoặc trà sữa tốt cho sức khỏe. Mô hình chuỗi trà sữa Heytea (Trung Quốc) được cho là phép so sánh với Chuk Chuk ở thì tương lai. Thậm chí, không loại trừ nguồn cảm hứng gây dựng thương hiệu trở thành đối thủ với Starbucks của Heytea.
Hiện Heytea có khoảng 700 cửa hàng, đang có ý định IPO và được định giá tới 9 tỷ USD. Trong thị trường cạnh tranh cao, Heytea vẫn đang củng cố vững chắc vị trí của mình. Tính đến thời điểm này, Heytea tung ra gần 300 sản phẩm mới, ngoài đồ uống theo mùa, còn có bánh mì, kem, cà phê và các loại khác. Để đảm bảo chất lượng, nhà sáng lập thương hiệu 31 tuổi của Heytea chưa từng mở cửa hàng nhượng quyền nào, chỉ mở cửa hàng liên kết trực tiếp, mỗi cửa hàng đều có đặc điểm riêng biệt.
Trong tương lai, Kido khẳng định, các sản phẩm của Chuk Chuk sẽ phong phú hơn Heytea. Trước mắt, Chuk Chuk có ý định ra mắt thức uống Kompucha hay nước nhân sâm.
Việc điều chỉnh sản phẩm chuẩn gu từng vùng miền, địa phương được coi là bài toán sống còn với các thương hiệu F&B. Để có thể thâm nhập các thị trường nước ngoài, Kido phải sẵn sàng điều chỉnh sản phẩm - dịch vụ theo khẩu vị của nước sở tại. Sắp tới, khi mang chuỗi Chuk Chuk ra miền Bắc bằng cách tự mở hoặc nhượng quyền, Kido cũng sẽ điều chỉnh khẩu vị.
Theo giới chuyên môn, thị trường trà sữa, với các sản phẩm mới, luôn được sao chép rất nhanh. Mỗi khi có một công thức thành công, những người khác bắt đầu làm những thứ tương tự. Chuk Chuk có thể nhanh chóng tung ra sản phẩm mới, nhưng những loại đồ uống tương tự cũng ra đời không lâu sau đó, khiến việc cạnh tranh ngày càng khó khăn.
Nếu không quan tâm đến những gì đối thủ làm, Chuk Chuk phải dành phần lớn thời gian để phát triển các sản phẩm mới, cố gắng tìm kiếm các thành phần có thể kết hợp với trà truyền thống để có hương vị tươi mới.
Cùng với đó, để thu hút phân khúc giới trẻ, Chuk Chuk cũng phải kết hợp phong cách “zen”, tối giản và thẩm mỹ trẻ trung để làm phong phú các giác quan của khách hàng ở các khía cạnh khác nhau, nhằm nâng cao trải nghiệm tổng thể và khiến họ thích thú hơn khi thưởng thức đồ uống.
Thị trường trà sữa đã có những bước tăng trưởng chậm và sụt giảm so với những năm trước đây. Tuy nhiên, với sự đổi mới và ý thức về sức khỏe trong việc lựa chọn đồ uống của người tiêu dùng được nâng cao, đây vẫn là lĩnh vực đầy tiềm năng của thị trường F&B.
-
Doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình: Lực lượng nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương -
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình thăm nhà máy ô tô đầu tiên của Quảng Ninh -
Công bố gói hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho 5.100 doanh nghiệp nhỏ và vừa -
Hoà Phát đã nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 65% cùng kỳ năm ngoái -
Bamboo Airways xin hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và xử lý nợ thuế -
Vietjet và CFM International ký kết thỏa thuận cho hơn 400 động cơ LEAP-1B -
Tập đoàn SOVICO và UNESCO ký kết văn kiện hợp tác chiến lược 2025-2035
-
1 Chính sách tiền lương với nhà giáo sẽ có đột phá? -
2 Chuỗi phòng tập Fit24 cầu cứu Chủ tịch VNDirect Phạm Minh Hương giải cứu, nhưng không thành -
3 Việt Nam hướng đến mục tiêu thu hút 39 - 40 tỷ USD vốn FDI -
4 Rà soát bộ máy quản lý cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vốn 25.500 tỷ đồng -
5 Tin vắn Đầu tư Online ngày 9/10
- Dược Nam Hà: Vươn tầm quốc tế với giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á 2024
- BMB Steel được vinh danh tại giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á 2024
- Kiểm toán nhà nước Việt Nam và ACCA tăng cường hợp tác cùng phát triển bền vững
- GroupM Việt Nam lần đầu tiên vinh dự nhận giải thưởng HR Asia danh giá
- FPT Software giành giải Kiến tạo việc làm tại ESG Business Awards 2024
- Finest Future mang cơ hội học tập tại Phần Lan đến học sinh Việt Nam