Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chuk Chuk - giấc mơ ấp ủ 20 năm và cuộc chơi lớn của doanh nhân Trần Lệ Nguyên
Anh Hoa - 22/06/2021 08:28
 
Tham vọng hình thành chuỗi cửa hàng cà phê, trà sữa, kem Chuk Chuk khiến Công ty cổ phần Tập đoàn Kido dốc toàn lực cho mảng thực phẩm và đồ uống (F&B).
Kido muốn tạo dựng Chuk Chuk trở thành thương hiệu quốc gia trong thị trường F&B.

Đánh động thị trường

Việc xây dựng chuỗi bán lẻ Chuk Chuk đến từ giấc mơ ấp ủ hơn 20 năm trước của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido. Đó là khoảnh khắc ông chứng kiến cảnh người dân  Mỹ xếp hàng 30-40 phút để thưởng thức cà phê ở các cửa hàng Starbucks, rồi việc các sản phẩm trà sữa trân châu của Đài Loan được toàn châu Á, nhất là giới trẻ, thích thú, ưa chuộng hàng thập kỷ nay.

Ngoài ra, năm 2012, chuỗi nhà hàng kem Häagen-Dazs (thương hiệu kem siêu cao cấp được sáng lập tại New York - Mỹ vào năm 1961, có mặt tại 50 quốc gia với hơn 900 cửa hàng trên thế giới) đã cập bến thị trường Việt Nam. Häagen-Dazs đã phát triển hệ thống cửa hàng chính nằm ở các vị trí đắc địa khu trung tâm TP.HCM.

Đó là những động lực để ông chủ Kido muốn tạo dựng Chuk Chuk thành thương hiệu quốc gia trong thị trường F&B, với tham vọng không chỉ bao phủ trong nước, mà phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế.

Sau gần một năm chuẩn bị, chuỗi Chuk Chuk sẽ hoạt động với 3 mô hình: cửa hàng outlet rộng 100-150 m2, số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, tọa lạc ở những trục đường chính và trung tâm thương mại; kios rộng 20 m2 có vốn đầu tư dưới 200 triệu đồng ở các trung tâm thương mại và xe đẩy chỉ khoảng 3 m2 đặt tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp...

Đáng chú ý, ông Nguyên để sân chơi này cho con gái Trần Tuyết Vân. Ái nữ 25 tuổi của ông sẽ được thử lửa khi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TTV (một thành viên của Kido) sở hữu và vận hành thương hiệu Chuk Chuk.

TTV có vốn 100 tỷ đồng, trong đó Kido sở hữu 61% và sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư để tăng cường quy mô trong tương lai. Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển sang các nước châu Á và Đông Nam Á thông qua mô hình quyền thương hiệu (franchise) theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ đối tác về mặt hình ảnh và chiến lược hoạt động.

Với tham vọng hoành tráng đó, dễ hiểu khi năm nay được coi là mấu chốt để Kido tập trung phát triển hệ thống cửa hàng, kios và xe đẩy bao phủ khu vực TP.HCM. Trong đó, cửa hàng đầu tiên xuất hiện từ tháng 6, hệ thống kios và xe đẩy dự kiến có mặt vào tháng 7.

Nếu đạt được mục tiêu là 58 cửa hàng, Chuk Chuk không kém cạnh với các thương hiệu lớn nhiều năm qua như Starbucks (70), Trung Nguyên Legend (77), Phúc Long (82)... Theo kế hoạch đến năm 2025, thương hiệu này sẽ đạt con số 1.000 cửa hàng trên khắp các tỉnh, thành phố, đạt doanh thu 7.800 tỷ đồng và trở thành thương hiệu quốc gia dẫn đầu thị trường F&B về độ phủ và độ yêu thích của khách hàng.

Điều khiến ông Nguyên tự tin về độ khả thi của tham vọng trên nằm ở vài yếu tố. Đầu tiên là lợi thế về khâu sản xuất. Các sản phẩm bán tại Chuk Chuk đều do Kido sản xuất với sản lượng lớn, trong khi các đơn vị khác phải nhập khẩu hay gặp khó khăn về kiểm soát chất lượng. Vì thế, giá thành sản phẩm hợp lý mà Chuk Chuk vẫn đảm bảo biên lợi nhuận. Đơn giá kem tươi, cà phê tại chuỗi cửa hàng này từ 29.000 đồng, trà và trà sữa sẽ từ 39.000 đồng.

Ngoài ra, hệ thống logistics của Kido đã phủ khắp cả nước, nên chi phí vận hành của chuỗi thấp hơn các thương hiệu khác. Ông Nguyên cho rằng, chuỗi này có lợi thế lớn về sự đa dạng sản phẩm, giúp các gia đình hiện đại với nhiều thế hệ thành viên đều có thể được đáp ứng nhu cầu.

Cần phải nhắc lại rằng, 4 năm trước, ông Trần Lệ Nguyên là người đưa thương hiệu trà sữa Tealive đang làm mưa, làm gió tại Malaysia và Đài Loan vào Việt Nam. Hiện thương hiệu này đã có hơn 400 cửa hàng tại Malaysia, Trung Quốc, Anh, Australia, Brunei và Myanmar, đang muốn dẫn đầu tại Việt Nam.

Tealive đánh dấu sự thâm nhập thị trường Việt Nam bằng việc mở hai tiệm ở Trung tâm thương mại Vincom tại quận 1 (TP.HCM). Những cửa hàng đầu tiên đã được địa phương hóa thương hiệu khi sử dụng biểu tượng nón lá đặc trưng của người Việt Nam. Thời điểm đó, Tealive có kế hoạch khai trương 5 cửa hàng tại các khu vực sầm uất ở TP.HCM, như các quận 5, 7 và 10 và mở rộng thêm 20 cửa hàng vào năm sau đó. Hiện chuỗi này đang đẩy mạnh franchise ở Việt Nam, với chi phí từ 465 triệu đồng trở nên.

Xuất thân là công ty trong ngành hàng thực phẩm, lợi thế hiện nay của Kido là công đoạn R&D sản phẩm, đón đầu được xu thế, khẩu vị tiêu dùng của giới trẻ.

Trước khi công bố các thông tin trên, trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, HĐQT Kido trình cổ đông xem xét việc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Theo đó, Tập đoàn sẽ đảm nhận thực hiện phân phối, bán sản phẩm dầu ăn, kem, bánh kẹo, cà phê và các sản phẩm thiết yếu khác ra thị trường qua tất cả các kênh bán hàng trong và ngoài nước. Các thành viên trong Tập đoàn chủ yếu thực hiện sản xuất và bán sản phẩm cho Kido.

Cùng với phương án này, HĐQT Kido trình cổ đông thông qua việc thực hiện tất cả giao dịch không giới hạn với các thành viên trong Tập đoàn gồm Dầu thực vật Tường An, Vocarimex, Thực phẩm đông lạnh Kido, Kido Nhà Bè, cùng các đơn vị thành viên, liên kết khác.

Những cái tên “hot” trên thị trường F&B

Chiến lược chuyển đổi của Kido gần giống “nước đi” đa ngành của nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng thiết yếu hiện nay. Theo đó, Masan vừa mua lại 20% vốn tại Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn nhất Việt Nam. Thương vụ có giá trị 15 triệu USD, tương đương mức định giá Phúc Long khoảng 75 triệu USD.

Giữa năm 2020, thương hiệu Cà phê Ông Bầu trở thành một cái tên “hot” trên thị trường. Thương hiệu này thu hút bởi 3 nhà sáng lập là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood. Đặc biệt, chỉ trong vài tháng, bất chấp dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn, thương hiệu đã có 100 điểm cà phê ra đời tại 15 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch vào cuối năm 2022, Cà phê Ông Bầu sẽ phủ khắp cả nước với 10.000 cửa hàng.

Trở lại với tham vọng của chuỗi cửa hàng cà phê, trà sữa, kem Chuk Chuk, CEO Kido khẳng định không mở nhiều cửa hàng để PR, nhưng kế hoạch đến năm 2025, sẽ bao phủ thương hiệu trên khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam, với hệ thống 1.000 cửa hàng.

Mục tiêu phủ sóng của các thương hiệu không có gì lạ khi đầu năm nay, chuỗi Café Amazon của Central Group bắt tay với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan gia nhập và tuyên bố sẽ phủ khắp Việt Nam từ năm 2021. Động thái này khiến thị trường chuỗi cà phê Việt thêm khốc liệt hậu đại dịch. Việt Nam là điểm đến thứ 10 trong kế hoạch mở rộng toàn cầu của thương hiệu đã có 5 cửa hàng tại Việt Nam, chủ yếu ở phía Nam này.

Café Amazon thành lập vào năm 2002, hiện sở hữu hơn 3.000 cửa hàng ở Thái Lan và 9 quốc gia khác trên thế giới. Sản phẩm của chuỗi này là dòng cà phê đặc trưng như Amazon Signature với hương thơm và mùi vị đậm đà. Cà phê được chọn lọc từ các trang trại đạt chuẩn và rang trong nhà máy rang độc quyền Amazon Inspiring Campus ở Thái Lan.

Ngoài ra, hàng loạt ông lớn ngoại đạo như Nova F&B cũng chớp thời cơ để mở hàng trăm chuỗi nhà hàng, cà phê khi có nhiều mặt bằng trống, chi phí thuê giảm, các đối thủ đóng cửa hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh.

Hiện các thương hiệu F&B trên thị trường đều tham gia cuộc đua mở rộng theo nhiều mô hình khác nhau. Đại diện đơn vị nhận franchise của chuỗi cửa hàng kem Häagen-Dazs cho rằng, mô hình cửa hàng kem Häagen-Dazs khác với mô hình cà phê khá nhiều. Khách hàng đến với họ cũng vì một lý do hoàn toàn khác khi đến với cà phê.

Do đó, các thương hiệu sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng, hướng đến giá trị thực mà khách hàng sẽ nhận được. Các thương hiệu cũng cần chú ý tới chất lượng sản phẩm, khi đó khả năng đổi mới và đáp ứng thị hiếu chính là lợi thế cạnh tranh chủ yếu của các thương hiệu toàn cầu và tại các thị trường địa phương nói riêng.

Theo Business Monitor International Ltd, 20% ngân sách chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình Việt Nam là dành cho ăn uống. Với tỷ trọng như vậy, thị trường thực phẩm và đồ uống không cồn được dự báo sẽ tăng trưởng 11,6% (giai đoạn 2018-2021), đạt 40 tỷ USD vào năm 2021. So với các ngành khác, con số này gần bằng tốc độ tăng của đồ uống có cồn và thuốc lá (11,7%), và cao hơn ngành sữa (9%).
KIDO lên kế hoạch doanh thu 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng
HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn KDIO (mã: KDC) dự tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 sẽ đạt khoảng 800 tỷ đồng, cao hơn 91,5% so với kết quả năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư