Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Kiểm toán Nhà nước: Định giá đất thấp là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản
Thị Hồng - 21/05/2019 22:19
 
Qua kiểm toán năm 2018, kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cũng như liệt kê một số dự án BT ảnh hưởng đến thất thoát ngân sách Nhà nước.
TIN LIÊN QUAN

Năm vụ việc đang được kiến nghị điều tra

Thứ nhất, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, Công ty MTV Dệt 19/5 Hà Nội (nay là CTCP Dệt 19/5 Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng.

Thứ ba, Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan để ngoài sổ sách số tiền trên 22 tỷ đồng.

Thứ tư, Sở Y tế tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017. 

Thứ năm, Dự án đầu tư xây dựng công trình Thủy lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2), huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng.

Thất thoát ngân sách do chọn nhà đầu tư thiếu năng lực cho dự án BT

Theo Kết quả kiểm toán 07 dự án BT của KTNN, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh hay đề xuất dự án không thông qua HĐND mà Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) là một ví dụ. Đây cũng là dự án được KTNN liệt vào danh mục hợp đồng ký sai quy định gây thất thoát ngân sách Nhà nước 282,92 tỷ đồng.

Ngoài ra, các dự án được bố trí vào lựa chọn cho Nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn, thương thảo, ký hợp đồng chưa đảm bảo quy định, điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ.

Nội dung Phụ lục Hợp đồng BT xác định giá trị quyết toán dự án BT Nhà đầu tư chuyển nhượng cho UBND TP. HCM không bao gồm thuế GTGT, chưa phù hợp với Điều 3, Điều 5, Luật thuế GTGT, dẫn đến thiếu số thuế GTGT đầu ra phải nộp vào NSNN đến 31/12/2017 là 282,9 tỷ đồng, trong khi Doanh nghiệp dự án đã đề xuất và được Cục Thuế TP. HCM thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT 267,7 tỷ đồng.

Định giá đất thấp là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản

KTNN cũng cho rằng, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật đất đai. Việc không quy định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT và có dự án BT đã hoàn thành nhưng chưa giao đất.

Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước, cụ thể là dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương.

Do giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất Nhà đầu tư phải nộp NSNN khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.

Ngoài ra, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường.

Kiểm toán Nhà nước gọi đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước và một lần nữa nhắc đến Dự án Khu đô thị mới Xuân Phương.

Mặc dù Hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết Hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng. 

Ngoài ra, các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện.

Tính lãi vay trên phần vốn không phải đi vay vào quyết toán không theo quy định hợp đồng như dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên 10,3 tỷ đồng.

Hai dự án xác định lãi vay chưa chính xác là dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên 3,7 tỷ đồng, và dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên 150,2 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70) với tổng kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng).

Được biết, từ năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng tại 30 dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư