Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiến nghị bỏ thời hạn giấy phép kinh doanh
Bảo Duy - 02/06/2016 07:43
 
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài lo rằng, nhiều điều kiện kinh doanh dù mang tính kỹ thuật, nhưng lại là rào cản chính ngăn các quyết định đầu tư - kinh doanh của họ tại Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã chuẩn bị những ý kiến rất công phu dài 28 trang về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các kiến nghị đã được gửi tới Bộ Công thương, với hy vọng sẽ được xử lý sớm.

“Các hồ sơ xin lập doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang rất khó khăn. Chúng tôi đã có hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp triển lãm thương mại, trình các bộ hơn một năm nay, nhưng chưa xong vì Bộ Công thương nói chờ sửa Nghị định 23/2007/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) rồi sẽ xử lý”, ông Fred Burke, Giám đốc điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam, đồng thời là Trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại của VBF cho biết.

doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang lo ngại về thời hạn kinh doanh theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa. Ảnh: Đức Thanh
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang lo ngại về thời hạn kinh doanh theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa. Ảnh: Đức Thanh

Lý do là, theo Luật Đầu tư, công ty này sẽ chỉ cần làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư, chứ không cần lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành. Thủ tục cấp giấy phép đủ điều kiện đầu tư sẽ được thực hiện vào giai đoạn sau, khi doanh nghiệp chính thức bắt tay vào kinh doanh.

Nhưng Nghị định 23/2007/NĐ-CP lại quy định, cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Công thương và chỉ được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản.

Vì vậy, VBF muốn dự thảo Nghị định này phải làm rõ quy định này, kể cả quy trình và điều kiện được được cấp phép kinh doanh.

“Dự thảo đang quy định để được cấp giấy phép, nhà đầu tư phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền nơi nhà đầu tư đăng ký quốc tịch; phải có nguồn tài chính, phải có năng lực kinh nghiệm. Chúng tôi đề nghị bỏ các quy định này vì đó là những rào cản vô lý”, ông Fred Burke đề xuất.

Đặc biệt, VBF kiến nghị bỏ thời hạn của giấy phép kinh doanh. Theo dự thảo Nghị định này, giấy phép kinh doanh có thời hạn 5 năm. Bộ Công thương sẽ xem xét quyết định cho phép dài hạn tùy từng trường hợp. Thời hạn của giấy phép này khi được cấp lại sẽ bằng thời gian của lần trước đó.

“Nếu như vậy, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chỉ có thời hạn là 5 năm? Trong khi các nhà đầu tư cần thời gian dài để xây dựng chiến lược kinh doanh ổn định, thì quy định như vậy sẽ khiến doanh nghiệp không an tâm đầu tư, họ ngại có thể bị dừng hoặc chỉ riêng việc kiểm tra tuân thủ điều kiện về thời gian trong các thời điểm điều chỉnh giấy phép cũng có thể sẽ làm khó cho doanh nghiệp”, VBF phân tích và kiến nghị, nếu vẫn giữ thời hạn này thì phải dựa trên thời gian của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương, ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ quan điểm, cần phải có điều kiện về năng lực tài chính và thời hạn.

“Thực tiễn mấy năm qua cho thấy, một doanh nghiệp chỉ có 5.000 USD thì không thể kinh doanh bán lẻ được, nên cần phải có năng lực tài chính thì mới đủ điều kiện để hoạt động. Ngoài ra, thời hạn 5 năm của giấy phép kinh doanh để kiểm soát những doanh nghiệp không chân chính”, ông Phú giải thích.

Tuy nhiên, lời giải thích của ông Phú không nhận được sự đồng thuận của VBF. “Tôi cho rằng, quy định về thời hạn của giấy phép mang ý nghĩa thủ tục hành chính hơn”, ông Trần Anh Đức, luật sư thành viên Công ty Luật Allen & Overy Việt Nam, đồng Trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại của VBF thẳng thắn nói.

Cũng phải nói thêm, năm nay, VBF sẽ không tổ chức diễn đàn đối thoại giữa kỳ như mọi năm, nên các hoạt động của các Nhóm công tác của VBF rất quan trọng.

“Với các cơ quan quản lý nhà nước, điều kiện kinh doanh, đầu tư nhiều khi chỉ mang tính kỹ thuật, nhưng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đó chính là rào cản kinh doanh. Chúng tôi rất quan ngại khi mọi việc chưa tiến triển như mong muốn của doanh nghiệp”, ông Phạm Mạnh Dũng, Luật sư, Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật Rajah & Tann LCT bình luận.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư