Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam: Cỗ xe chạy một động cơ
Khánh An - 20/10/2013 09:58
 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vẫn còn đó những nét trầm trong bức tranh tổng quan về doanh nghiệp - doanh nhân. Cỗ xe kinh tế Việt Nam đang chạy chỉ với một động cơ là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cho tới thời điểm này, cộng đồng doanh nhân Việt Nam vẫn nói về những khó khăn, thưa ông?

Có 2 con số trong bức tranh doanh nghiệp mà tôi rất muốn nhắc tới. Một là, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lên tới khoảng 43.000 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2013. Hai là, tỷ lệ 66% doanh nghiệp báo lỗ trong quý II/2013, với tổng số lỗ tăng lên so với cùng kỳ năm 2012.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Tuy nhiên, cũng phải nhắc tới những điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2013 như lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá hợp lý…, nhờ đó, chi phí vốn cho sản xuất - kinh doanh giảm xuống.

Với doanh nghiệp, đây là những tín hiệu đáng mừng, bởi sự ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ quyết định các kế hoạch đầu tư kinh doanh tiếp theo của từng doanh nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp có chiều hướng cải thiện dần qua những tháng đầu năm 2013, từ 4,6% của quý I tăng lên 6,8% trong quý III, là chỉ báo cho sự phục hồi dần của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo…

Tuy nhiên, những điểm sáng chưa nhiều và chưa đủ mạnh, nếu so với những nguy cơ mà doanh nghiệp đang lo ngại, trong đó nổi lên nguy cơ tái lạm phát khi những yêu cầu về giữ tăng trưởng ở mức phù hợp nhằm đảm bảo khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp, việc làm cho lao động, đang được đặt ra.

Đã có nghiên cứu cho rằng, cỗ xe kinh tế Việt Nam đang chạy chỉ với một động cơ là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 3 cỗ máy còn lại là khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp đều đang có vấn đề. Ông bình luận thế nào về điều này?

Rất tiếc, bức tranh về hoạt động của doanh nghiệp đang cho thấy tình trạng này. Phân tích kỹ hơn các số liệu về doanh nghiệp, có thể thấy, nếu những doanh nghiệp ngừng hoạt động, lỗ trong 2 năm trước chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì năm nay, số doanh nghiệp lớn nhiều hơn, với số lỗ lớn hơn. Có thể thấy thực trạng này qua số doanh nghiệp báo lỗ thấp hơn năm ngoái, 66% so với 69%, song tổng số lỗ lại cao hơn.

Hơn thế, thách thức mà các doanh nghiệp quy mô lớn, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, phải đối mặt lớn hơn, khi phải chịu áp lực từ số lượng lao động lớn, đòi hỏi chi phí tái cơ cấu lớn hơn, thời gian dài hơn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp tư nhân tiếp tục ở tình thế co cụm, chờ đợi, khi tiềm lực dần bị bào mòn sau một thời gian khá dài gồng mình chịu đựng các áp lực từ lãi suất cao, cầu thị trường giảm và đặc biệt là niềm tin kinh doanh trở nên bấp bênh…

Hiện tại, chỉ còn khu vực FDI ghi nhận những khởi sắc đáng kể. Chỉ tính riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu, khu vực này đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu, với kim ngạch 9 tháng đầu năm (bao gồm dầu thô) chiếm tới 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước…

Giá như các doanh nghiệp bình tĩnh hơn trước các cơ hội đầu tư, giá như các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện tốt hơn, giá như các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ quyết liệt hơn…

Không thể nói giá như, nhưng khi nhìn vào các bước tiến của các nền kinh tế trong khu vực, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… trong 30 năm, khoảng thời gian mà nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đổi mới, hội nhập, thì có thể hiểu rằng, chúng ta đang đi chậm.

Trong bối cảnh hiện tại, với độ mở lớn, khả năng đi nhanh hơn của nền kinh tế Việt Nam vẫn được nhắc tới. Vấn đề là tư duy kinh tế thị trường phải có từ Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội, để có thể thay đổi căn bản và mang tính đột phá về thể chế, từ đó tạo thay đổi về chất trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Trong cộng đồng doanh nghiệp, một bộ phận doanh nhân đã có được những thay đổi lớn về tư duy. Họ âm thầm, kiên định với hoạt động kinh doanh cốt lõi, không sa đà vào các hoạt động đầu cơ bong bóng, nỗ lực tái cấu trúc theo yêu cầu của hội nhập kể từ năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tôi biết, vẫn có doanh nghiệp có mức tăng trưởng 30-40% trong 9 tháng đầu năm nay và đang sẵn sàng cho các bước chân tiếp theo vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015, hay chuẩn bị cho sự có mặt của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Tuy nhiên, số doanh nghiệp chờ đợi sự cứu trợ từ chính sách, không muốn dứt điểm với các kế hoạch tái cơ cấu vẫn còn nhiều. Chính vì vậy, thông điệp về quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô cần phải được đưa ra mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, để doanh nghiệp hiểu rằng, tái cơ cấu là yêu cầu không thể từ chối.

Có thể hiểu là, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn hơn khi năng lực cạnh tranh đang giảm, cùng với những yếu kém nội tại về vốn, quản trị… , thưa ông?

Phải thẳng thắn, điểm yếu về quản trị vẫn đang níu chân nhiều doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi hội nhập. Điều này cũng có nghĩa, khả năng hội nhập của từng doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Nói vậy là bởi, các điều kiện thị trường giờ đã rất khác. Năm 2015, với tiến độ thực hiện cam kết về thuế quan trong ASEAN, thị trường nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không giới hạn trong biên giới với 90 triệu dân, mà là thị trường ASEAN với 600 triệu dân.

Tương tự, mục tiêu hướng tới trong xây dựng năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu nội địa sẽ không chỉ là doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu sản phẩm Việt Nam, mà phải là sản phẩm, thương hiệu ASEAN…

Với quan điểm này, doanh nghiệp Việt Nam cần có tư duy hội nhập để có chiến lược tái cơ cấu, cũng như các bước đi rõ ràng. Có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội…

Tôi rất muốn nhấn mạnh tới một trợ lực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng khi tận dụng dư địa trong giai đoạn kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn. Đó là sự liên kết với các doanh nghiệp FDI để cùng bước vào thị trường ASEAN, tận dụng thế mạnh về quản trị, về thị trường của các doanh nghiệp này. Khi đó, mục tiêu trở thành cửa ngõ của ASEAN mới thực sự đạt được.

Niềm vui đồng hành cùng “chuyến đi lịch sử”
Không chỉ nền kinh tế, mà quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển trong 20 năm qua đã không ngừng lớn mạnh. >>> 20...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư