Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lạm phát tại Italy ở mức cao nhất trong 36 năm
T.T - 02/07/2022 11:40
 
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT), tỷ lệ lạm phát trong tháng 6/2022 tại Italy đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Rome, Italy. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Mức tăng tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 6, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát 6,8% của tháng 5, mức tăng cao nhất kể từ khi Italy gia nhập đồng tiền chung euro năm 1999. Nhưng lần cuối cùng tỷ lệ lạm phát tăng 8% là vào tháng 1/1986, khi Italy vẫn sử dụng đồng lira.

ISTAT cho biết tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 đã tăng 1,2% so với tháng 5, do giá năng lượng tháng 6 đã tăng 48,7% so với một năm trước đó, cao hơn mức tăng 42,6% từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022. Yếu tố chính đẩy giá năng lượng lên cao là xung đột Nga - Ukraine.

Giá năng lượng cao hơn cũng đã đẩy giá thực phẩm chế biến lên cao với mức tăng 8,2% trong tháng 6, thực phẩm không chế biến tăng 9,6%, dịch vụ giải trí và chăm sóc cá nhân tăng 5,0%, vận tải tăng 7,2% và các dịch vụ chung tăng 3,4%.

Các yếu tố khác, chẳng hạn như mùa Hè khô nóng bất thường tại Italy, được cho là có thể làm giảm 30% sản lượng nông nghiệp của nước này trong năm nay, chưa được phản ánh đầy đủ trong số liệu lạm phát tháng 6/2022.

Cùng ngày, ISTAT cũng công bố rằng các khu vực phía Bắc Italy, nơi bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nhất hồi năm 2020, là động lực cho sự phục hồi kinh tế của nước này trong năm 2021. Cơ quan thống kê quốc gia cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Tây Bắc Italy đã tăng 7,4% trong năm 2021, trong khi khu vực Đông Bắc tăng 7%, so với mức trung bình của cả nước là 6,6%. Miền Trung Italy có mức tăng trưởng 6% trong khi miền Nam tăng 5,8%, mặc dù khu vực này hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực xây dựng (tăng 25,9%) và nông nghiệp (tăng 3,6%).

Châu Âu lo Nga "đóng sập" nguồn cung khí đốt
Châu Âu ngày càng lo ngại về nguy cơ Nga dừng hoàn bộ việc cung cấp khí đốt, trong bối cảnh đó Italia đã đề xuất triệu tập một cuộc họp cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư