Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lỗ nặng, nhà đầu tư vẫn gánh thêm tiền thuế chứng khoán
 
“Ức chế” là nguyên văn từ mà nhà đầu tư phản hồi tới Đầu tư Chứng khoán khi đề cập về bất cập của chính sách thuế hiện hành đánh vào nhà đầu tư cá nhân. Họ ức chế bởi một đạo lý sơ đẳng của nghiệp vụ thuế là đầu tư có lãi mới phải nộp thuế đang bị “đảo lộn”, khi đầu tư thua lỗ, nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế.

Cần ưu đãi thuế như ngành mũi nhọn

“Mình có mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở Thái Lan. Tại đây, mua bán cổ phiếu có lời cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Còn ở Việt Nam, lỗ cũng phải đóng thuế. Mua cổ phiếu tại Việt Nam ức chế tinh thần kinh khủng...”.

Đó là phản hồi của nhà đầu tư Hồ Văn Quý về bài viết phản ánh kinh nghiệm của Nhật Bản trong thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhằm hút vốn cho thị trường chứng khoán, được ĐTCK đăng tải mới đây. Ở Nhật Bản, nếu các gia đình đầu tư tối đa 1 triệu Yên/năm để mua cổ phiếu, đầu tư vào các quỹ tín thác và có thu lời từ cổ tức, thì được miễn thuế…

Ức chế, bức xúc của nhà đầu tư Hồ Văn Quý không mang tính cá biệt, mà với rất nhiều nhà đầu tư đang hàng giờ, hàng ngày giao dịch chứng khoán thua lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế. Chia sẻ với ĐTCK, một nhà đầu tư mở tài khoản tại một CTCK có thị phần môi giới lớn trên Sở GDCK Hà Nội cho biết, do thị trường biến động không thuận, nên có những ngày bà phải cắt lỗ danh mục cổ phiếu với giá trị giao dịch 1 - 2 tỷ đồng. Bị âm vốn do lỗ đã đành, lại còn bị khấu trừ hàng chục triệu đồng tiền thuế, nên đã lỗ lại càng lỗ, thật vô lý…

Cách so sánh mà nhà đầu tư Hồ Văn Quý đặt ra là đáng suy ngẫm, không chỉ cho nhà quản lý, mà cả với các CTCK trong việc làm cách nào để giữ chân nhà đầu tư, cũng như thu hút thêm nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thay vì lựa chọn thị trường chứng khoán Thái Lan, hoặc các thị trường lân cận có chính sách ưu đãi về thuế. Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có bị nhà đầu tư quay lưng, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào cuối năm nay đang cận kề, qua đó dòng vốn trong khu vực sẽ có nhiều cơ hội dịch chuyển thuận lợi, mạnh mẽ hơn?

Theo ý kiến của nhà đầu tư, để khắc phục bất cập của chính sách thuế kéo dài nhiều năm nay, cần áp dụng cách đánh thuế trên chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua như nhiều nước đang áp dụng. Đây là cách đơn giản và khá khả thi, vì CTCK quản lý được giá cổ phiếu khi nhà đầu tư mua cũng như bán. Ngay cả khi áp dụng cách đánh thuế này, nhà đầu tư đã phải gánh chịu thiệt thòi vì các loại chi phí liên quan đến tạo ra thu nhập như: phí giao dịch, chi phí vay vốn… đã không được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế.

Với cách đánh thuế hiện hành, theo nhìn nhận của nhà đầu tư, chẳng khác nào tận thu, không khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Điều này trái ngược với thông điệp mà nhà quản lý nhiều lần đề cập: khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, để góp phần cải thiện kênh huy động vốn cho DN, nền kinh tế, qua đó, giảm thiểu những rủi ro do quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy, giữa nói và hành động đang có khoảng cách khá lớn?

Từng nhiều lần đề xuất, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ, đây là cơ hội tốt để “tái cơ cấu” hệ thống chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế, DN vào vốn ngân hàng bằng cách thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng mà Việt Nam cần triển khai là áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho lĩnh vực chứng khoán tương tự như những ngành mũi nhọn trong nền kinh tế.

Nếu vẫn giữ định kiến những người đầu tư vào chứng khoán là “con nhà giàu”, nên cần đánh thuế nặng (ngay cả khi thua lỗ), thì thị trường chứng khoán sẽ còn khó phát triển, còn lâu mới trở thành kênh tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế và DN.

Bộ Tài chính nói gì?

Một thông tin khá bất ngờ vừa được Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng cho biết tại hội thảo vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế, do HOSE tổ chức là, Việt Nam nằm trong số ít nước đánh thuế tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhưng lại duy trì lãi suất thực dương và không đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Đã đến lúc các nhà làm tài chính kiến nghị Chính phủ cần thay đổi chính sách này để thị trường chứng khoán phát triển.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, do việc xác định thu nhập trong hoạt động đầu tư chứng khoán rất khó khăn, nên phải đánh thuế trên giá chứng khoán chuyển nhượng từng lần.

Trả lời câu hỏi, Bộ Tài chính có ủng hộ việc giảm, miễn thuế, để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh cần tăng sức cầu cho thị trường chứng khoán, nhằm hỗ trợ Chính phủ hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa gần 300 DN trong năm nay, ông Thi chia sẻ: thuế suất 0,1% trên giá chứng khoán chuyển nhượng từng lần là rất thấp, nên nếu giảm hơn mức này, thì có lẽ không nên đánh thuế. Có nên miễn, giảm thuế hay không, thì phải nghiên cứu rất nhiều yếu tố. Điều này trong trước mắt là không dễ thực hiện.

Chứng khoán “lỳ đòn” trước biến động tỷ giá
Gần 1 tuần sau quyết định tăng tỷ giá thêm 1% của Ngân hàng Nhà nước, thị trường chứng khoán không có dấu hiệu đột biến cho thấy, không có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư