Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lo ngại chất lượng thực phẩm nhập khẩu được bán online
D.Ngân - 04/10/2021 21:46
 
Thực phẩm nhập khẩu được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội với mức giá khá rẻ khiến nhiều người lo ngại về chất lượng sản phẩm.

Giá hoa quả nhập khẩu trên một số chợ cư dân được chào bán với giá rẻ giật mình. Chẳng hạn, trên chợ cư dân Xuân Mai, giá nho xanh Mỹ cuống xanh được quảng cáo là giòn, ngọt khé, giá chỉ 189.000 đồng/kg;

Nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các loại thực phẩm nhập khẩu.

Táo túi Nam Phi được chào với giá 139.000 đồng/3kg, nửa túi 77.000 đồng/kg, trung bình khoảng 40.000 đồng/kg.

Trong khi đó qua tìm hiểu phóng viên được biết, giá các sản phẩm này ở các cửa hàng hoa quả nhập khẩu, siêu thị, trung tâm thương mại, giá các sản phẩm cao hơn từ 50-70% giá cùng loại được chào bán trên các trang mạng xã hội.

Cùng với hoa quả, sản phẩm thịt nhập khẩu như bò Úc được rao bán tràn lan trên nhiều hội nhóm với giá từ 195.000 đồng tới 300.000 đồng/kg, tùy từng loại như ba chỉ, thăn, bắp hay lõi. 

Cá biệt, có nhiều sản phẩm rẻ sườn bò Úc được rao bán với giá khá rẻ, chỉ khoảng 80.000 đồng-100.000 đồng/kg.

Cùng đó sản phẩm thịt lợn Nga nhập khẩu cũng được rao bán với giá từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng trên một số trang mạng.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, nhiều tài khoản đăng bán thực phẩm nhập khẩu trên mạng xã hội đều là cá nhân, không ghi rõ địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi chung chung như Hà Đông (Hà Nội), Đống Đa (Hà Nội).

Cùng với đó, các sản phẩm thịt được đăng bán cũng không ghi rõ ràng nguồn gốc được nhập khẩu về Việt Nam qua công ty nào, thời gian nào mà người bán chỉ ghi là thịt bò Úc, thịt lợn Nga; Canada, Ba Lan...

Đưa ra lý giải về giá hoa quả nhập khẩu bán online giá khá rẻ, một chủ cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng nêu ý kiến, sản phẩm giá rẻ có thể được các đầu lậu dán tem và dập mác hàng nhập khẩu châu Âu, Mỹ. 

Bên cạnh đó, hiện các giống hoa quả có nguồn gốc châu Âu đã được trồng ở Trung Quốc, nhưng do thổ nhưỡng, cách chăm bón, bảo quản không đúng quy trình nên chất lượng không bằng, nhưng vẫn được đội lốt hàng chuẩn châu Âu. 

Lý giải ấy phần nào có cơ sở khi thời gian qua lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý các trường hợp nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chưa nói đến chất lượng các loại thực phẩm này vẫn còn nhiều dấu hỏi mà theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành như hiện nay, chất lượng thực phẩm nhập khẩu nếu không được kiểm soát chặt về nguồn gốc, dễ thành đường lây truyền dịch bệnh.

Trong “ma trận” các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hiện nay, theo một số chuyên gia, để lành mạnh hóa thị trường thực phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các loại thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là hoa quả nhập khẩu.

Theo đó, cần có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, sử dụng chất bảo quản, các lô hàng không rõ xuất xứ có hóa chất độc hại. 

Mặt khác, cần phát triển các vùng chuyên canh các loại cây đặc sản, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của người bán hàng, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo đảm cho sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng. 

"Trước khi quyết định mua và sử dụng các loại hoa quả nhập ngoại, người tiêu dùng nên tìm tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối để mua hoa quả bảo đảm chất lượng", bà Nga khuyến cáo.

Liên quan tới việc quản lý thực phẩm nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt “Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. 

Đề án nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đại diện Tổng cục Hải quan Kiểm cho hay, với thực phẩm nhập khẩu các cơ quan chức năng sẽ kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh (trên một số mặt hàng hoa quả sấy khô); thí điểm kiểm tra các chỉ tiêu kim loại nặng trên nền mẫu sữa bột, rau củ, quả...; kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật và kim loại nặng đối với các mẫu phụ gia thực phẩm. 

Loạn thực phẩm chức năng giả
Lợi dụng tâm lý lo lắng, bất an của người dân về Covid-19, nhiều đối tượng không từ thủ đoạn kinh doanh thuốc lậu, thực phẩm chức năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư