Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, ECB đau đầu tìm cách đối phó
Lan Chi - 10/03/2019 16:06
 
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa tiết lộ một gói cứu trợ kinh tế mới trước những dấu hiệu u ám của kinh tế toàn cầu khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, hệ lụy khó lường từ việc nước Anh rút khỏi EU (Brexit) và tác động nặng nề của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
 ECB, còn ít dư địa để đối phó với tình trạng suy giảm đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn
Kinh tế EU đang có nhiều dấu hiệu suy giảm, trong khi ECB không còn nhiều dư địa chính sách để đối phó

Các mối lo ngại chồng chất đã thúc ép ECB giảm 1/3 mức dự báo trước đó về tăng trưởng năm 2019, chỉ còn hơn 1%. Ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB cũng cho biết, ông muốn duy trì mức lãi suất thấp nhất cho đến hết năm nay, dài hơn vài tháng so với kế hoạch đưa ra trước đó, đồng thời tăng cường vốn tín dụng ngân hàng với hy vọng đẩy mạnh cho vay kinh doanh.

Dấu hiệu suy giảm kinh tế toàn cầu đã được một số nhà phân tích đưa ra cảnh báo. “Dấu hiệu suy giảm đang thể hiện rõ hơn”, Adam Tooze, nhà sử học thuộc Đại học Columbia nói.

Hiện tại, kinh tế Mỹ vẫn khá ổn định, mặc dù các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây có lên tiếng lo ngại rằng, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể gặp trở ngại.

Dù có nhiều tin không vui, song theo đánh giá chung, kinh tế toàn cầu có thể vẫn tăng trưởng trong năm nay. Mối lo ngại lớn nhất là các ngân hàng trung ương, như ECB, còn ít dư địa để đối phó với tình trạng suy giảm đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.

Lãi suất ở châu Âu hiện ở mức cực kỳ thấp.

Tại Mỹ, lãi suất cho vay cơ sở của Fed hiện thấp hơn 1/3 so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do vậy, Chủ tịch Fed Jerome H. Powell còn ít dư địa để cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng nếu suy thoái xảy ra.

Ông Adam Posen, cựu thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Anh cho rằng, điều đáng sợ là việc ECB phát tín hiệu cho thấy, họ đang cạn kiệt công cụ điều tiết. Với nguồn lực hạn chế, nếu sử dụng không hợp lý sẽ mất định hướng. Nếu mất định hướng, các cơ quan tiền tệ châu Âu sẽ phải đối mặt với khó khăn cực lớn.

Trong khi đó, cũng theo ông Adam Posen, so với ECB, Fed và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thuận lợi hơn trong hoạch định chính sách.

Các quan chức Fed đã thay đổi quan niệm về việc cần nâng lãi suất khi kinh tế tăng trưởng ở tốc độ lý tưởng. Nếu như trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Fed cho rằng, lãi suất “trung hòa” (neutral rate) điều chỉnh theo lạm phát là 3%, thì nay mức lãi suất này chỉ khoảng 1%.

Phát biểu tại Trường đại học Princeton (Mỹ) ngày 7/3, ông Lael Brainard, thành viên Hội đồng các Thống đốc của Fed nhận định rằng, rất có thể, lãi suất sẽ thấp hơn so với trước đây, ngay cả khi kinh tế tăng trưởng ở mức đúng tiềm năng. Việc này hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất (nhằm bù đắp cho những tác động tiêu cực đến nền kinh tế) khi diễn biến trái chiều.

Theo bà Lael Brainard, nếu cần thiết, Fed có thể tiếp tục mua vào trái phiếu - một động thái nới lỏng định lượng.

Cùng với các công cụ tiền tệ, Mỹ có thể tăng chi tiêu hoặc giảm thuế nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã giảm thuế tới 1.500 tỷ USD trong năm 2017.

Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang mạnh. Theo số liệu vừa công bố của Liên đoàn Doanh nghiệp quốc gia Mỹ, trong năm qua, mỗi tháng có thêm 240.000 việc làm tại Mỹ. Các doanh nghiệp nhỏ đã ghi nhận mức tạo việc làm cao nhất trong vòng 45 năm qua.

Bà Lael Brainard cho rằng, kinh tế Mỹ đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, như đơn hàng xuất khẩu giảm, sự bất ổn của thị trường tài chính, bởi hơn 40% doanh số bán hàng của các công ty trong danh sách Standard & Poor’s 500 đến từ các thị trường ngoài nước Mỹ.

Chia sẻ vấn đề này, ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank nhận định: “Nền kinh tế đang dễ bị tổn thương hơn nhiều so với mọi người nghĩ”.

Trên thực tế, giữa tuần này, bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã đưa ra đánh giá bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bà đã giảm mức dự báo tăng trưởng với nền kinh tế toàn cầu nói chung và của từng nước thành viên OECD.

“Xem ra không được tốt đẹp lắm. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu thực sự tốt trong năm 2017, nhưng sau đó đã giảm mạnh”, bà Boone nói.

Trong bài phát biểu tại Paris (Pháp) hôm giữa tuần, bà Boone đã cảnh báo: “Những khả năng tổn thương tại Trung Quốc, châu Âu và các thị trường tài chính có thể làm đoàn tàu kinh tế toàn cầu bị trật bánh”.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung, cùng sự chưa rõ ràng của việc nước Anh rút khỏi EU đã bào mòn niềm tin của người tiêu dùng và giới kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm rất mạnh.

Theo Phòng Phân tích chính sách kinh tế của Hà Lan, trong quý IV/2018, tổng kim ngạch thương mại toàn cầu giảm 0,9% - quý hoạt động tồi tệ nhất kể từ năm 2009.

Theo Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng thuộc High Frequency Economics, việc lo ngại của ECB cho thấy, các giới chức châu Âu dự báo kinh tế trì trệ ít nhất trong vòng 1 năm.

Chuyên gia Dan Alpert, đối tác điều hành của Westwood Capital nhận định, sự trì trệ kinh tế của châu Âu chắc chắn sẽ lan sang Mỹ và Trung Quốc. Khi đồng euro yếu, người tiêu dùng châu Âu sẽ phải hạn chế mua hàng nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc hơn. “Hết cách để điều hành nền kinh tế toàn cầu”, Alpert nói.

WB dự báo kinh tế toàn cầu đang mất đà tăng trưởng
WB đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong hai năm 2018 và 2019, xuống lần lượt còn 3% và 2,9%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư