Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Luật DN (sửa đổi): 10 vấn đề cần làm rõ
Bảo Duy - 28/05/2014 09:04
 
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), có 10 vấn đề cần phải tập trung, thảo luận làm rõ.
TIN LIÊN QUAN

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, mục tiêu cao nhất của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN) là làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

  Luật DN (sửa đổi): 10 vấn đề cần làm rõ  
  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh  

Tại Tờ trình về Dự án Luật DN (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tại Quốc hội, các nội dung sửa đổi đều nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN và cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

“Đó là giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh, tổ chức lại và giải thể DN. Giảm đáng kể rủi ro thương mại và rủi ro pháp lý cho hoạt động kinh doanh của DN, nâng cao quyền tự chủ, tính linh hoạt và mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh. Qua đó, giúp DN tận dụng tối đa năng lực, tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển, nâng cao hiệu lực giám sát nội bộ của chủ sở hữu và giám sát thị trường đối với hoạt động kinh doanh, cũng như áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DN nhà nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.

Cùng với đó, các nội dung sửa đổi sẽ tạo cho môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn. “Riêng về chất lượng môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số gia nhập thị trường dự báo sẽ tăng khoảng 50 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 60 trên 189 quốc gia; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư dự báo tăng khoảng 30 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 120 trên 189 quốc gia”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

* Lời Tòa soạn:
Hôm nay (28/5), tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trước đó, vào sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh đã đọc tờ trình trước Quốc hội Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Tờ trình nêu rõ, qua 8 năm thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ những bất cập, cần sớm được sửa đổi, bổ sung, tạo bước chuyển biến rõ rệt về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, bắt đầu từ số báo này, Ban Biên tập Báo Đầu tư mở Chuyên mục Góp ý Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trên Báo Đầu tư số ra thứ Tư hàng tuần và liên tục cập nhật trên Báo Đầu tư điện tử tại địa chỉ www.Baodautu.vn.

Chuyên mục nhằm tạo một diễn đàn, ghi nhận các góp ý, đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia kinh tế, luật sư và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), với mong muốn các nội dung của Luật ngày càng hoàn thiện, thực sự tạo bước chuyển mới về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Mọi ý kiến, đề xuất vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected]; [email protected];

Ban Biên tập Báo Đầu tư trân trọng ghi nhận ý kiến đóng góp của quý vị.

Trong công tác quản lý nhà nước, các nội dung nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Lý do là, số liệu thống kê về DN sẽ chính xác hơn, sát với thực tế hơn, đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn cho các bên có liên quan. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước nói riêng và xã hội nói chung tham gia giám sát DN, phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của DN.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra Dự án Luật DN (sửa đổi), còn 10 vấn đề cần phải tập trung, thảo luận làm rõ.

Một là, có nên có chương hoặc mục riêng quy định về DN nhà nước trong Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về DN nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật DN là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động DN, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. “Do vậy, đối với những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý DN nhà nước cần được chuyển hóa vào các phần tương ứng trong Dự án Luật DN (sửa đổi)”, báo cáo thẩm tra viết.

Hai là, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hộ kinh doanh để tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của loại hình tổ chức kinh doanh này.

Ba là, làm rõ nguyên tắc áp dụng thống nhất Luật DN như là đạo luật chung về tổ chức quản lý DN. Nghĩa là, những nội dung về thành lập, tổ chức quản lý của từng loại hình DN có tính bắt buộc áp dụng chung được quy định thống nhất trong Luật DN, chỉ áp dụng quy định của luật chuyên ngành, nếu có sự khác biệt về nội dung tổ chức quản lý do tính chất thực sự đặc thù của DN, như đối với các tổ chức tín dụng, sở giao dịch chứng khoán…

Bốn là, đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Năm là, quy định về doanh nghiệp xã hội.

Sáu là, đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với DN để bảo đảm DN đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động.

Bảy là, có nên ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN. Theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến cho rằng, chỉ bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Giấy chứng nhận đăng ký DN.

Tám là, cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần (Điều 138) và cơ cấu, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT (Điều 155). Một số ý kiến đề nghị không nên quy định về hai mô hình quản trị công ty, nhưng đa số đồng tình với quy định này của dự án Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả và khả thi, các ý kiến được tập hợp tại Báo cáo thẩm tra đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường cơ chế giám sát của Ban Kiểm soát và HĐQT.

Chín là, nguyên tắc dồn phiếu trong bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát. Đa số ý kiến  tán thành việc dự án Luật cho phép Điều lệ công ty quy định về nguyên tắc bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát.

Mười là các quy định về Nhóm công ty. Có ý kiến cho rằng, Nhóm công ty không có tư cách pháp nhân, nên không phải đăng ký DN. Đa số ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quy định về Nhóm công ty trong Luật và nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về giới hạn hoạt động của các công ty trong Nhóm công ty, kiểm soát các giao dịch nội bộ, chuyển giá.
 

TIN LIÊN QUAN
Chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam sẽ tăng 50 bậc
Nhà nước có nhiệm vụ tạo cơ hội
Thay đổi cách đăng ký kinh doanh để có thông tin thực
Luật Doanh nghiệp: Rõ điều kiện để khỏi xin - cho
Ba bất cập trong Luật Doanh nghiệp hiện hành
Bỏ ghi ngành nghề kinh doanh theo điều kiện

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư