Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
M&A - đường tắt để mở rộng quy mô ngân hàng
Thùy Vinh - 12/06/2018 08:02
 
Mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là con đường tắt để mở rộng quy mô hoạt động nếu các ngân hàng biết nắm bắt cơ hội từ sự cộng hưởng. Song bên cạnh những cái được, vẫn đâu đó có những mất mát...

Tích hợp hệ thống

Nhờ tích hợp hệ thống mạng lưới từ 3 định chế tài chính HDBank, DaiABank và SGVF, lũy kế đến cuối quý I/2018, HDBank có 285 điểm ngân hàng và 13.000 điểm giao dịch tài chính trên cả nước, vốn điều lệ hơn 9.000 tỷ đồng. Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, M&A được xem là chiến lược quan trọng để Ngân hàng tăng trưởng nhanh quy mô, mở rộng hệ thống mạng lưới, cơ sở dữ liệu khách hàng… 

Nhờ M&A, HDBank tăng trưởng nhanh về quy mô, hệ thống mạng lưới, cơ sở dữ liệu khách hàng. Ảnh: Đ.T
Nhờ M&A, HDBank tăng trưởng nhanh về quy mô, hệ thống mạng lưới, cơ sở dữ liệu khách hàng. Ảnh: Đ.T

Đó cũng chính là lý do để HDBank tiếp tục đẩy mạnh chiến lược M&A khi sáp nhập thêm PGBank. Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, việc sáp nhập PGBank sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho HDBank. Sau sáp nhập, mạng lưới HDBank tăng từ 240 lên 365 chi nhánh/phòng giao dịch và HDBank trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2 trong các ngân hàng tư nhân.  

Cùng với đó, PGBank đang cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền, dịch vụ thu hộ tiền mặt cho Petrolimex và hơn 2.100 trạm xăng trên toàn quốc. Tính đến cuối năm 2017, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) của PGBank là 24,3%, trong khi của HDBank chỉ 12,9%. Việc sáp nhập có thể cải thiện CASA của HDBank từ 12,9% lên 14,7%, do đó giảm chi phí huy động vốn của HDBank.

Chính thức sáp nhập thêm MHB vào giữa năm 2015, BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo nhận diện của BIDV chỉ trong vài ngày. Sau sáp nhập, tổng tài sản BIDV đã lên tới 700.000 tỷ đồng, đứng thứ tư trong hệ thống ngân hàng thương mại nội địa về quy mô tài sản. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên trên 34.000 tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm trên cả nước, với tổng số gần 24.000 cán bộ, nhân viên.  

Tương tự, con số chi nhánh, phòng giao dịch của Maritime Bank cũng được nâng từ 221 lên gần 300, đưa ngân hàng này vào top 5 về mạng lưới, top 3 về vốn điều lệ trong khối ngân hàng thương mại cổ phần sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập thêm Mekong Bank vào năm 2015. Với thương vụ M&A này, vốn chủ sở hữu của Maritime Bank tăng 44% so với trước sáp nhập, đạt 13.621 tỷ đồng... 

Mất sức vì nợ xấu

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng thừa nhận, M&A là cơ hội và là con đường tắt để mở rộng quy mô hoạt động ngân hàng nếu tích hợp tốt sự cộng hưởng. Tuy nhiên, M&A ngân hàng trong giai đoạn qua chủ yếu do ngành này phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu, còn thực tế, chưa có thương vụ M&A nào mang tính chất tự nguyện hoàn toàn và đã có không ít thương vụ thất bại.

Thực tế cho thấy, sau M&A, các ngân hàng phải gồng mình xử lý khối nợ xấu “khổng lồ” do đơn vị bị sáp nhập để lại. BIDV, Sacombank, MaritimeBank, PVCombank… đã mất nhiều thời gian và công sức, nhưng chưa xử lý được triệt để các khoản nợ xấu do sáp nhập thêm từ MHB, SouthernBank, Mekongbank, WesternBank… 

Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong nhiều thương vụ M&A, ngân hàng lớn phải “ôm” ngân hàng bé. Họ chỉ làm theo chỉ định, vì không muốn ôm các ngân hàng nhỏ, yếu kém, nợ xấu cao. Sau sáp nhập, họ phải xử lý khối lượng nợ xấu lớn từ các nhà băng nhỏ, kéo lợi nhuận đi xuống, do phải dành lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro. 

Đơn cử tại BIDV, cuối năm 2015, sau sáp nhập MHB, với nợ xấu ở mức gần 9.600 tỷ đồng, ngân hàng này có khối lượng nợ xấu thuộc hàng cao nhất hệ thống thời điểm đó. Tính đến cuối quý 1/2018, nợ xấu tại BIDV chiếm 1,62% tổng dư nợ cho vay, nhưng tổng nợ xấu tuyệt đối đạt hơn 14.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước dự phòng trong quý đầu năm 2018 tăng đến 85% so với cùng kỳ năm trước, nhưng gánh nặng chi phí dự phòng rủi ro quá lớn, đến 6.000 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ, đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 10 - năm 2018
Do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM), vào ngày 8/8/2018.
Với chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”, Diễn đàn sẽ nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động M&A tại
Việt Nam và trao đổi những cơ hội và chiến lược M&A tại Việt Nam trong một kỷ nguyên mới.
Diễn đàn gồm các hoạt động chính: Hội thảo M&A với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Gala Diner vinh danh Thương vụ M&A tiêu biểu 2017 - 2018 và Thương vụ của thập kỷ, phát hành Đặc san “Một thập kỷ M&A tại Việt Nam & cơ hội M&A 2018-2019”, Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.
Sáp nhập ngân hàng: Quyền lợi cổ đông nhỏ bị thiệt
Trong các thương vụ sáp nhập, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu luôn được xem là vấn đề quan trọng nhất. Thế nhưng, với một số thương vụ sáp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư