Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ma trận giấy phép con và nền kinh tế sáng tạo (kỳ 3)
Khánh An - 18/10/2017 08:03
 
30-50% số điều kiện kinh doanh bất hợp lý phải được chính các bộ, ngành đề xuất cắt bỏ. Chính phủ đã chốt tỷ lệ này, chính thức phất cờ, bắt đầu trận chung kết của cuộc chiến kéo dài 20 năm với ma trận giấy phép con. Phần thắng không thể khác, phải thuộc về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng trận đấu đang vô cùng căng thẳng.

Bài 3: Trật tự mới của điều kiện kinh doanh

Thiệt hại to lớn từ rào cản kinh doanh với nền kinh tế không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh, mà xa hơn nó tạo ra những động lực ngược chiều giữa doanh nghiệp và bộ máy hành chính nhà nước. Nếu không thay đổi, niềm tin kinh doanh sẽ luôn ở thế bị động. 

Lấn cấn mang tên Bộ Công thương

Ngay trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tại Bộ Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Có thể là trùng hợp, nhưng việc người đứng đầu ngành đang sở hữu nhiều điều kiện kinh doanh nhất chọn ngày đặc biệt này để bàn cách gỡ đã gửi đi thông điệp tích cực.

Điều kiện kinh doanh nếu hợp lý sẽ góp phần bảo vệ những lợi ích chung của xã hội, nhưng ngược lại, sẽ tạo rào cản, gia tăng chi phí và rủi ro cho kinh doanh.
Điều kiện kinh doanh nếu hợp lý sẽ góp phần bảo vệ những lợi ích chung của xã hội, nhưng ngược lại, sẽ tạo rào cản, gia tăng chi phí và rủi ro cho kinh doanh.

Tuy nhiên, nỗ lực của người đứng đầu ngành công thương và những phần việc đã làm được của các bộ phận chuyên môn trong Bộ này vẫn chưa được đóng dấu đảm bảo. Ngay trong cuộc họp trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phải có câu trấn an rằng, đừng nhìn vào các con số mà nhìn vào thực tế.

“Con số có thể cao hơn hoặc cũng có thể thấp hơn, điều đó không quan trọng, mà quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không, có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp hay không. Cắt giảm là thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tái khẳng định quan điểm.

Trước đó, Bộ Công thương đã trở thành “ngôi sao cải cách mới” với việc ban hành Quyết định 3610a/2017/QĐ-BCT, công bố danh mục 675 điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ. Trong số này, có nhiều cái tên đang là nỗi kinh hoàng của doanh nghiệp nhiều năm nay, như điều kiện kinh doanh khí, xuất khẩu gạo, logistics...

Nhưng, viễn cảnh háo hức, chờ đón của giới kinh doanh với quyết định chưa từng có trong lịch sử ngành công thương đã không trùng khớp với những gì mà cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp đã nhắc lại những cam kết cũ của chính Bộ này từ trước, song chưa được thực hiện với hàm ý “chưa biết thế nào”. Thậm chí, đã có một bản danh sách “đếm lại” các điều kiện kinh doanh mà Bộ Công thương gạch đầu dòng, để nói  con số không nhiều như Bộ Công thương nói...

Thực ra, không quá khó hiểu về những phản ứng ngược chiều nhau như trên. Ngay cả ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ Bộ Công thương vì không dễ tự “vác đá ghè chân mình”, cũng thừa nhận, nỗ lực của ngành công thương là rất lớn, chưa từng có, nếu làm được sẽ tạo nên bước độ phá, nhưng sẽ khó lâu dài.

“Một mình Bộ Công thương sẽ không thay đổi được gì!”, ông Cung nói.

Ma trận điều kiện kinh doanh đến từ đâu?

Người đứng đầu Bộ Công thương thừa hiểu, gỡ khó cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là trách nhiệm của tất cả bộ, ngành thuộc mọi lĩnh vực và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo, không phải của riêng cá nhân hay bộ, ngành nào.

“Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành thì mục tiêu chung rất khó đặt được”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Nhưng, là người đi đầu, Bộ Công thương buộc phải đưa ra nguyên tắc riêng để công việc phải chạy, trong có yêu cầu số 1 là chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.

Có lẽ, mọi nguyên do lấn cấn về tính khả thi của Quyết định 3610a/2017/QĐ-BCT cũng như khả năng thực hiện của Bộ Công thương nằm ở nguyên tắc này.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh xuất hiện vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Nhưng, có quá nửa trong 4.284 điều kiện kinh doanh hiện tại không thỏa mãn yêu cầu này.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng của hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vào tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã buộc phải nhắc tới tình trạng một số trường hợp, các tiêu chí trên đã bị lạm dụng trong thuyết minh sự cần thiết phải quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, mà không có sự đánh giá, phân tích thêm về quy mô, mức độ rủi ro hay đánh giá đánh giá, so sánh các giải pháp khác nhau, từ đó chứng minh sự cần thiết phải can thiệp bằng quy định pháp luật.

“Quản lý nhà nước về kinh doanh vẫn theo lối mòn cũ, vẫn theo tư duy kiểm soát và tiền kiểm. Có sự nhầm lẫn giữa các quy định về quy mô, số lượng và hiệu quả quản lý nhà nước. Cơ quan tham mưu, soạn thảo chưa mạnh dạn tìm tòi, sáng kiến và chuyển sang áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội, khoa học, công nghệ để thay thế cho các quy định ‘truyền thống’ về điều kiện kinh doanh. Các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay về cơ bản cũng giống như các điều kiện kinh doanh đã được ban hành cách đây nhiều năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh là một công cụ quản lý nhà nước, tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Các quy định này nếu hợp lý sẽ góp phần bảo vệ được những lợi ích chung của xã hội, duy trì trật tự và cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, chúng sẽ tạo rào cản và gia tăng chi phí và rủi ro cho kinh doanh, gây cạnh tranh không lành mạnh và cản trở sự phát triển.

Nghĩa là, nếu không có gì thay đổi trong cách làm như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hay nếu như các nguyên tắc mà Bộ trưởng Bộ Công thương đặt ra không được quán triệt đến từng công chức,  thì rất có thể sẽ không có gì mới trong các phương án đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2017 tới đây.

Đương nhiên, lo ngại này không dừng ở Bộ Công thương.

Trật tự mới

Thêm một sự trùng hợp khá ấn tượng nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp Việt, khi cuộc họp thảo luận Dự thảo lần 1 Nghị định Kiểm soát các quy định về điều kiện kinh doanh của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào chiều 13/10 vừa rồi.

Song, người được giao phụ trách việc soạn thảo Nghị định này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM thì quan tâm đến giá trị thực tế hơn.

“Chính sách sai lầm từ phương pháp quản lý nhà nước sai lầm đã làm hao mòn sức khỏe và tinh thần và ý chí sáng tạo của người kinh doanh. Chính phủ cần công cụ pháp lý để sàng lọc điều kiện kinh doanh, càng sớm càng tốt, vì việc này đã được bắt đầu từ 17 năm trước”, ông Hiếu nói.

Phải nhắc lại kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) năm 2017 về Chỉ số niềm tin doanh nhân (CEO.CI). 44% doanh nghiệp cho biết từng lỡ cơ hội vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Với các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, tỷ lệ lỡ cơ hội vì lý do này là 47%; trong nông nghiệp là 46%...

Thậm chí, nhiều ngành, lĩnh vực gần như không còn cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân bởi các quy định pháp lý. Như quy định về ưu tiên doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương…

“Chúng ta không thể để các doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang Singapore thành lập doanh nghiệp chỉ vì không đáp ứng điều kiện về quy mô, kinh nghiệm… ”, ông Hiếu nói.

Điều kiện kinh doanh vô lý có thể chôn vùi hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh của người Việt.

Đây là lý do mà Dự thảo Nghị định Kiểm soát các quy định về điều kiện kinh doanh (do Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư soạn) đã thiết kế các nguyên tắc dành riêng cho việc rà soát, sửa đổi và soạn thảo quy định về điều kiện kinh doanh; làm rõ 5 tiêu chí quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và nội hàm của từng tiêu chí (sự cần thiết, hiệu lực; tính hợp lý; hiệu quả; tính cụ thể, rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, tính hợp pháp).

Đặc biệt, ngoài yêu cầu đánh giá tác động của chính sách theo quy định tại Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Dự thảo yêu cầu liệt kê đầy đủ biện pháp quản lý mà cơ quan soạn thảo đã cân nhắc, phân tích ngoài biện pháp quản lý là điều kiện kinh doanh.

Ông Hiếu cho rằng, việc đánh giá tác động trên cơ sở phân tích lợi ích và chi phí sẽ buộc cơ quan soạn thảo phải chứng minh đâu là biện pháp tốt nhất, rẻ nhất và ít tác động nhất đến doanh nghiệp nhất.

“Chúng ta cần bộ tiêu chí đủ chi tiết, đủ cụ thể để mọi bên dễ dàng áp dụng và đánh giá, xác định được ngay đâu là điều kiện kinh doanh không cần thiết. Sẽ không còn tình trạng tranh cãi mỗi khi có đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh như hiện tại”, ông Hiếu nói.

Cửa mở vào nền kinh tế sáng tạo

Đang có khá nhiều câu hỏi. Trong năm tới, CI. CEO sẽ có kết quả tích cực hơn không? CEO Phạm Minh Thiện của Cỏ May có khởi động được kế hoạch xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường Mỹ như dự kiến không? Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có trở về đúng vai đại diện thay vì áp đặt quyền lực vô đối với doanh nghiệp khác trong ngành không? Các doanh nghiệp sản xuất socola có cần tới 13 giấy phép hay không?...

Câu trả lời đang phụ thuộc vào kết quả thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Bộ Công thương, Bộ Y tế và các bộ, ngành khác...

20 năm trước, nếu tồn tại 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý, hàng chục ngàn doanh nghiệp có thể không được sinh ra. Còn hiện tại, 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý có thể chôn vùi hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh của người Việt.

Điều này không chỉ gây hệ luỵ lớn cho môi trường kinh doanh, làm cản trở quá trình đưa Việt Nam vươn lên tốp đầu ASEAN, mà còn làm chậm quá trình phát triển của cả nền kinh tế. Nền kinh tế đang cần một cộng đồng doanh nghiệp khoẻ mạnh, sẵn sàng sáng tạo với tinh thần kinh doanh vì một Việt Nam thịnh vượng.

Ma trận giấy phép con và nền kinh tế sáng tạo (kỳ 1)
30-50% số điều kiện kinh doanh bất hợp lý phải được chính các bộ, ngành đề xuất cắt bỏ. Chính phủ đã chốt tỷ lệ này, chính thức phất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư