Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Mười điểm nhấn trong hoạt động xuất khẩu năm 2020
Minh Nhung - 31/01/2021 09:11
 
Một trong những thành công của kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là tiếp tục duy trì tăng trưởng dương kim ngạch xuất khẩu và 10 điểm nhấn của công tác này sẽ là những bài học kinh nghiệm.

1- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay. So với kỷ lục đã đạt được trong năm trước đã tăng gần 18,4 tỷ USD - một mức tăng khá cao so với con số tương ứng của nhiều năm trước đó.

2- Tăng trưởng xuất khẩu 2020 so với năm 2019 đạt 7%- một tốc độ tăng khá cao, trong khi tính chung toàn cầu và nhiều nước mang dấu âm.

3- Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP đạt 103,5%, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ này thể hiện độ mở khá cao của kinh tế Việt Nam - thuộc loại cao nhất trên thế giới

4- Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2020 đạt xấp xỉ 2.897 USD, cao nhất từ trước đến nay.

5- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu (72,3%) và tăng khá cao (tăng 10,7%, kể cả dầu thô tăng 10,3% - cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung). Khu vực này có nhiều mặt hàng có quy mô lớn (chiếm tỷ trọng cao hơn tỷ trọng chung) và có kỹ thuật - công nghệ khá. 

6- Trong 46 mặt hàng, có 27 mặt hàng có kim ngạch tăng, trong đó có 17 mặt hàng tăng cao hơn tốc độ tăng chung, có một số mặt hàng có mức tăng khá (từ 200 triệu USD trở lên), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 8,891 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử tăng 8,657 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,720 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 1,054 tỷ USD; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 0,947 tỷ USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 0,596 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 0,585 tỷ USD; dây điện và cáp điện tăng 0,458 tỷ USD; gạo tăng 0,314 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo tăng 0,218 tỷ USD. 

7- Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng từ 50% năm 2019 lên 54,2% năm 2020; hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm từ 38,8% xuống còn 35,6%; hàng nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 11,2% xuống còn 10,2%. Hàng thô hoặc mới sơ chế giảm từ 13,99% xuống còn khoảng 13,4%, hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng từ 86% lên 86,6%.

8- Năm 2020 có 31 tỉnh/thành phố chiếm gần 50% tổng số, đạt 1 tỷ USD trở lên, trong đó 8 địa bàn đạt 10 tỷ USD (TP.HCM 44,35 tỷ USD, Bắc Ninh 39,11 tỷ USD, Bình Dương 27,76 tỷ USD, Thái Nguyên 24,41 tỷ USD, Hải Phòng 18,87 tỷ USD, Đồng Nai 18,8 tỷ USD, Hà Nội 15,17 tỷ USD, Bắc Giang 10,79 tỷ USD). 

9- So với năm 2019, trong số 86 thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng tại 34 thị trường, trong đó có 4 thị trường có mức tăng cao (trên 500 triệu USD) là Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Hungary.

10- Xuất siêu là điểm nổi bật của năm 2020 với nhiều điểm nhấn. Trước hết, Việt Nam đã ở vị thế xuất siêu trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, cùng với sự chuyển đổi tư duy về xuất/nhập siêu. Đây là năm thứ năm liên tiếp, Việt Nam ở vị thế này, với mức xuất siêu và tỷ lệ xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Kết quả năm 2020 là tín hiệu khả quan, đồng thời cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm cho năm 2021.

Năm 2020 khó khăn như thế, nhưng xuất khẩu vẫn tăng 7%; năm 2021 trong điều kiện “bình thường mới” cũng có thể tăng cao hơn và quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ vượt qua mốc 300 tỷ USD và sẽ tiếp tục xuất siêu. Nhiều bài học kinh nghiệm của năm 2020 sẽ được rút ra cho năm 2021, trong đó có một số bài học quan trọng. Coi xuất khẩu là định hướng, là lối ra. Coi việc tiếp tục ký và thực hiện các FTA là quan trọng, nhưng tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc và Mỹ. Khu vực kinh tế trong nước cần tranh thủ các FTA để tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Thị trường xuất khẩu rộng mở với RCEP
Hiệp định RCEP khi thực thi không chỉ mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn, mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư