Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Muôn nỗi gian truân đấu thầu kiếm việc
Tuấn Ngọc - 30/08/2018 07:15
 
Không ít nhà thầu Việt đã mang bộ mặt “hằn nỗi truân chuyên” khi bước ra từ cuộc thầu, bởi sân chơi thầu chưa bao giờ là cuộc dạo chơi trên thảm cỏ…

Lắm “ngón đòn” hạn chế nhà thầu

Trong cuộc “trà dư, tửu hậu” với phóng viên Báo Đầu tư cuối tuần qua, nhà thầu H. (đề nghị không nêu tên), một nhà thầu xây lắp danh tiếng một thời tại TP.HCM đã không giấu vẻ ngao ngán, thất vọng khi chia sẻ việc doanh nghiệp của ông đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở lĩnh vực mới và ông sẽ chuyển giao cơ ngơi bao năm dành tâm huyết gây dựng cho lớp trẻ để lui về hậu trường.

.

Không khó để lý giải nỗi thất vọng của nhà thầu H., bởi sau 2 năm nổi tiếng về sự bộc trực, thẳng thắn trong giới nhà thầu về đấu tranh chống sai phạm và sự phân biệt đối xử trong đấu thầu, ông đã gặp phải một bức tường vô hình ngăn chia ông với… “miếng bánh đấu thầu”. Kể từ ngày bức tường vô hình ấy được dựng nên, nhà thầu H. đã không thể giành phần thắng thêm bất kỳ gói thầu nào.

Tản mạn về tình hình đấu thầu, ông Nguyễn Tấn Vũ, đại diện nhà thầu TNE, một nhà thầu lĩnh vực thang máy Việt chia sẻ, thời gian qua, dù công tác thông tin mời thầu có cải thiện rõ nét và tốt hơn bằng việc đăng tải trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải tiến mạnh hơn.

Theo ông Vũ, việc đầu tiên cần phải cải thiện là kiểm soát chất lượng hồ sơ mời thầu, bởi có khá nhiều trường hợp vận dụng các tiêu chí phi thực tế, có tính chất riêng biệt trong hồ sơ mời thầu để nâng đỡ nhà thầu “cánh hẩu”.

Đồng cảm với những gian nan của các nhà thầu, ông Trần Thành Trọng, nhà thầu cung cấp máy phát điện thương hiệu Việt lớn nhất nước cho biết, khó khăn lớn nhất và được đặt lên hàng đầu chính là tư duy định hướng thầu đã ăn sâu vào tiềm thức của cả chủ đầu tư và tư vấn đấu thầu. Khi các vị “chủ xị” định hướng đến nhà thầu nào, thì hồ sơ mời thầu sẽ được viết hướng theo… mô tả đặc tính sản phẩm của nhà thầu đó. Ví dụ, trong gói thầu mua sắm máy phát điện, thay vì các tiêu chí về công suất, khí thải, hiệu suất, tiếng ồn…, hồ sơ mời thầu lại đưa ra tiêu chí “kích thước máy phát điện dài 2 m”  là… rất vớ vẩn!

“Khi biết rõ nhà thầu nào đó có đủ năng lực vượt qua vòng kỹ thuật và khả năng giá đề xuất trong hồ sơ tài chính cạnh tranh, thì tư vấn đấu thầu thường kiếm hàng ngàn lý do để loại họ từ vòng xét kỹ thuật. Hệ quả là, vòng tài chính chỉ là cuộc đua một mình của nhà thầu đã được định hướng và chủ đầu tư phải mua với giá cao ngất ngưởng là hệ quả không thể tránh”, ông Trọng nêu ý kiến.

Trước thực trạng trên, ông Trọng cho rằng, nếu cơ quan quản lý nhà nước còn ngại ngần khi sử dụng những biện pháp mạnh như rút giấy phép hành nghề đối với tư vấn đấu thầu vi phạm, thậm chí, sẽ xử lý hình sự nếu để xảy ra sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng… thì rất khó cải thiện tình hình.

Được biết, thời gian gần đây, ngoài những “chiêu thức” được thiết kế tỷ mỷ, tại một số cuộc thầu, chủ đầu tư tìm mọi lý do để “né” bán hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu, thậm chí, còn thuê côn đồ cướp hồ sơ dự thầu của nhà thầu ngay trước thời điểm đóng thầu…

Đối xử thiên lệch

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, nghi ngại lớn nhất của nhiều nhà thầu khi tham gia dự thầu vẫn là hiện tượng quây thầu, dàn xếp quân xanh - quân đỏ, tạo lợi thế cho nhà thầu thân hữu. 

Nghi ngại trên đây diễn biến phức tạp hơn ở cả loại gói thầu xây lắp và mua sắm theo hình thức đấu thầu trực tiếp. Điều này khiến nhiều nhà thầu nghi ngại về tính cạnh tranh, minh bạch tại các cuộc thầu dạng trên, không ít nhà thầu thẳng thừng đặt nghi vấn cuộc thầu đã bị dàn xếp, nhằm chiếm đoạt lợi ích cho một nhóm.

Biểu hiện rõ nhất hiện tượng này là sự đối xử thiên lệch từ chủ đầu tư, bên mời thầu. Theo lẽ thường, chủ đầu tư, bên mời thầu với vai trò là các vị chủ khảo phải công tâm, dựa trên quy định pháp luật và quy định hồ sơ mời thầu để đánh giá hồ sơ dự thầu, nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt nhất, song bất chấp các quy định của luật pháp, bằng mọi cách triệt hạ nhà thầu khác để dàn xếp cho nhà thầu “sân sau” thắng cuộc.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia đấu thầu Phạm Đại Hải cho biết thêm, hành vi đối xử thiên lệch thể hiện qua việc, khi lập hồ sơ mời thầu, tư vấn đấu thầu cố gắng tạo lợi thế cho nhà thầu mà mình thông đồng và loại bỏ các nhà thầu không thuộc phe mình. Không những thế, tư vấn còn đưa vào hồ sơ mời thầu các yêu cầu không theo quy định hoặc các điều kiện biên mà trong pháp luật đấu thầu không quy định như chứng chỉ hành nghề, bảo hiểm xã hội…

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, trong trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu hoặc kết quả đấu thầu đã được thông báo, mà nhà thầu có khiếu nại, kiến nghị, thì chủ đầu tư lại cố tình không xem xét, bất chấp quy định của pháp luật. 

Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, gần đây, hiện tượng chủ đầu tư, tư vấn đấu thầu đối xử thiên lệch bằng việc áp tiêu chuẩn kép trong chấm thầu có dấu hiệu gia tăng. Có thể nhắc lại vụ đấu thầu thang máy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long,  đấu thầu mua sắm máy phát điện tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Kiên Giang, đấu thầu xây lắp Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Bình Dương)… đã được Báo Đầu tư đề cập.

Đấu thầu qua mạng: Xu thế tất yếu của "cách mạng công nghiệp 4.0"
Đấu thầu qua mạng (ĐTQM) được xem là nằm trong tiến trình phát triển và là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư