Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Năm 2024 có còn khắc khoải vì thiếu thuốc, vật tư y tế?
Dương Ngân - 03/01/2024 08:50
 
Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh kéo dài suốt 2 năm qua. Các giải pháp đang được triển khai gấp rút, người dân, bệnh nhân kỳ vọng năm 2024 sẽ không còn phải vật vã vì thiếu thuốc, vật tư y tế.
Các bệnh viện mong muốn, những vướng mắc trong đấu thầu thuốc sớm được tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân
Các bệnh viện mong muốn, những vướng mắc trong đấu thầu thuốc sớm được tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.

Nỗ lực từ nhiều phía

Trong gần 2 năm trở lại đây, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên trầm trọng, trở thành gánh nặng với nhiều người bệnh. Hàng ngàn bệnh nhân đi khám, chữa bệnh trên cả nước phải mua thuốc bên ngoài, gây thiệt hại lớn cho kinh tế gia đình họ. Số tiền họ phải bỏ ra không phải là vài trăm ngàn đồng, mà là hàng chục triệu đồng.

Một bệnh nhân ở Hà Nam được chuyển tuyến lên Bệnh viện Mắt Trung ương để mổ, nhưng cũng như nhiều bệnh nhân khác, ông được giới thiệu đến bệnh viện tư nhân để thực hiện, bởi Bệnh viện Mắt Trung ương thiếu vật tư. Đáng lẽ ông được hưởng hầu hết chi phí vì Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán, nhưng khi chuyển sang bệnh viện tư, số tiền Quỹ thanh toán chỉ một phần nhỏ so với giá dịch vụ, vì thế ông phải bù tiền túi khá nhiều.

Một ca thay đục thủy tinh thể, nếu bảo hiểm y tế chi trả, chỉ mất khoảng 5-6 triệu đồng, còn nếu mổ ở bệnh viện tư, giá thành đội lên gấp 8-10 lần. Đây chỉ là những bệnh thông thường, với bệnh hiểm nghèo, chi phí rất lớn, lên đến mấy trăm triệu đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để đảm bảo nguồn cung thuốc, thiết bị y tế, Bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế.

Theo Luật Bảo hiểm y tế, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đầy đủ thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, khi được hỏi, các bác sỹ chỉ biết giải thích là bệnh viện không có thuốc, còn lãnh đạo bệnh viện lại đổ cho cơ chế nên không đấu thầu được thuốc.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Về cơ chế chính sách, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đảm bảo nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam lần thứ 21 vừa qua, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, về cơ bản thì các khó khăn, vướng mắc đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023. Sắp tới, cùng với các thông tư hướng dẫn được ban hành, việc đấu thầu y tế sẽ hiệu quả hơn.

Theo đó, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 có 10 chương, 96 điều, quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành riêng Chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Bên cạnh việc điều chỉnh 8 hình thức trong luật trước đây như: đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt… thì lần này luật còn mở rộng thêm 2 hình thức (đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến) cho các đơn vị.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 cũng phân định rõ các tình huống cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… cũng như quy định rõ những nội dung, hình thức nào phải đấu thầu hay mua sắm theo các hình thức khác.

Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 tập trung vào 5 nhóm tiêu chí cơ bản.

Thứ nhất, các quy định nhằm xác định rõ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại trong Luật Đấu thầu trước đây.

Thứ hai, đơn giản hóa các quyết định thủ tục sát với tình hình hiện nay. Dù rằng, trước đây công tác đấu thầu đã tiếp cận được những tiêu chí quốc tế, nhưng hiện nay vẫn tiếp tục cải cách, tiếp tục cắt giảm thời gian đấu thầu bằng cách giảm các khâu trung gian, đẩy mạnh hình thức đấu thầu qua mạng, tiến tới việc chuyển đổi số.

Thứ ba, nhóm chính sách nhằm ưu tiên, ưu đãi đối với các hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm đổi mới sáng tạo và các kỹ thuật để thay thế hàng nhập khẩu, thuốc đạt chứng nhận WHO-GMP.

Thứ tư, nhóm chính sách đưa ra để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong ngành y tế trong đấu thầu của ngành y tế mà thời gian qua đã gặp phải.

Thứ năm, nhằm nâng cao quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu; quản lý, phòng chống tham nhũng được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023.

Theo đó, quy định các trách nhiệm của từng bên khi tham gia đấu thầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền, của chủ đầu tư, nhà thầu khi tham gia hoạt động đấu thầu. Những điều được làm và không được làm. Nghiêm cấm hành vi tạo điều kiện cho một đơn vị nào đó, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.

Về phía Bộ Y tế, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để đảm bảo nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc Bộ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Quyền lợi của người bệnh là trên hết

Để giải quyết tình trạng người bệnh phải mua thuốc bên ngoài bằng tiền túi mà không được quỹ bảo hiểm chi trả, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Dự thảo thông tư đang được họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để sớm triển khai.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo dự thảo thông tư, quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh có đủ một số điều kiện. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến nhà thuốc của bệnh viện khác và đơn vị nhà thuốc trúng thầu để mua thuốc, vật tư y tế. Dự kiến thông tư này sẽ ban hành trong năm 2024.

Từ thực tiễn triển khai đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai mong muốn các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan thanh tra, kiểm tra tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ Bệnh viện, tạo môi trường trong sạch, công khai, minh bạch để hoạt động mua sắm, đấu thầu diễn ra một cách thuận lợi.

Còn theo ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đấu thầu cần phải có kế hoạch. Ví dụ, tháng 5, 6 đã phải chuẩn bị danh mục để cuối năm đấu thầu. Bên cạnh đó, với việc phân cấp, phân quyền thì lãnh đạo các đơn vị phải quan tâm đến công tác đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao… bằng các biện pháp như chủ động lên kế hoạch đấu thầu từ sớm cho từng năm để có thời gian chuẩn bị, tránh các yếu tố khách quan. Chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cho bộ phận đấu thầu.

Đồng thời, thành lập tổ hoặc phòng quản lý đấu thầu; chủ động xây dựng các buổi đấu thầu cho 8 loại thầu theo quy định hiện hành, áp dụng các biện pháp phù hợp, đúng luật. Ngoài ra, cần nâng cao công tác dược lâm sàng, sử dụng các thuốc thay thế cùng nhóm để thay thế cho các thuốc không trúng thầu.

Ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù rất cao, để mua được máy móc, thuốc, vật tư, cần các quy định mua sắm có tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù. Do vậy, đại diện các bệnh viện mong muốn, một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện đấu thầu, mua sắm sẽ được các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới, để công tác đấu thầu, mua sắm trong y tế được thuận lợi nhất, phù hợp với đặc thù.

Gỡ vướng cơ chế để không thiếu thuốc chữa bệnh
Dù nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng thuốc chữa bệnh vẫn thiếu, khiến sức khỏe và tính mạng của người dân đối diện với nhiều nguy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư