Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngắm thiết bị khủng chở cánh điện gió đi đường núi lần đầu tiên được cấp phép
Thanh Hương - 23/06/2021 09:04
 
Sau buổi thử nghiệm tại hiện trường, Giấy phép lưu hành cho tổ hợp xe gắn thiết bị chuyên dụng có tính năng nâng, hạ cánh điện gió đặc chủng đầu tiên ở Việt Nam vừa được cấp phép.

Tổng cục Đường Bộ ngày 22/6 đã cấp Giấy phép lưu hành tổ hợp xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ cho tổ hợp xe gắn thiết bị chuyên dụng có tính năng nâng, hạ cánh điện gió (adapter) để vận chuyển cánh điện gió cho Nhà máy điện gió Liên Lập, lưu thông trong trạng thái nâng cao cánh điện gió trên đoạn QL9, qua địa phận huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Tổ hợp xe ô tô đầu kéo, cụm rơ mooc quá khổ (DxR) là 31,86 x 3, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng là cánh điện gió. Sau khi xếp hàng lên xe, tổ hợp có kích thước (D x R x C) là 92,86m x 4,425m x 5,7m và khối lượng toàn bộ là 144,8 tấn. Chiều cao tối đa khi nâng cánh điện gió lên 60 độ so với mặt đất (Phương ngang) là 60,00m.

Cụm rơ moóc của tổ hợp xe gắn thiết bị chuyên dụng có tính năng nâng, hạ cánh điện gió để vận chuyển cánh điện gió dài 74 mét.

Thiết bị di chuyển trên cung đường được cấp phép tại quảng Trị
Thiết bị di chuyển trên cung đường được cấp phép tại Quảng Trị

Tổ hợp xe ô tô đầu kéo, cụm rơ moóc vận chuyển cánh điện gió trong trạng thái nâng cao cánh điện gió khi lưu thông trên đoạn QL9, qua địa phận huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Đường vận chuyển là từ bãi tập kết thiết bị khu công nghiệp Tân Thành, xã Tân Thành đến Nhà máy điện gió Liên Lập, xã Tân Thành, Tân Thắng, huyện Hướng Hoá tỉnh Quảng Trị.

Giấy phép cũng yêu cầu chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện bố trí phương tiện, thiết bị, công cụ, cảnh báo, ngăn, chắn phương tiện, người dân (rào hoặc dây ngăn đường, biển báo cấm), không đi vào vùng dưới gầm cánh điện gió đang được nâng cao.

Trước khi vận chuyển, đơn vị vận chuyển phải liên hệ xuất trình Giấy phép lưu hành xe, làm việc với UBND huyện Hướng Hoá, Cục Quản lý đường bộ II, Sở Giao thông Vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Trị để được hỗ trợ, hướng dẫn, điều tiết giao thông trong quá trình lưu thông.

Khi xe chở hàng, phải có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống (hướng dẫn và điều tiết giao thông) của lực lượng chức năng có thẩm quyền và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu thương trong quá trình lưu thông.

Tốc độ của phương tiện chở hàng được yêu cầu phải đảm bảo an toàn và không vượt quá 10 km/h; thời gian lưu thông và khoảng cách giữa các xe trong đoàn do lực lượng chức năng có thẩm quyền hỗ trợ dẫn đường, hộ tống quyết định, phù hợp với tình trạng giao thông trên tuyến.

Lực lượng chức năng có thẩm quyền điều tiết, hướng dẫn giao thông đảm bảo chỉ có tổ hợp xe thử nghiệm vận chuyển cánh điện gió lưu thông khi nâng cao cánh điện gió; không để người và phương tiện tham gia giao thông đi vào khu vực nút giao, nơi vùng gầm cánh điện gió nâng cao.

Cục Quản lý đường bộ II được giao giám sát quá trình lưu thông của phương tiện.

Được biết, thiết bị chuyên dụng có tính năng nâng, hạ cánh điện gió để vận chuyển cánh điện gió được cấp phép này là thiết bị đồng bộ được nhà sản xuất Goldhofer (Đức) xác nhận với ký hiệu Goldhofer FTV 550.

Do đây là thiết bị đặc chủng, chuyên phục vụ vận chuyển cánh điện gió ở các cung đường núi nên việc đặt hàng tốn khá nhiều thời gian. Cũng để đảm bảo tiến độ của các dự án điện gió kịp mốc vận hành trước 31/10/2021, bên sở hữu thiết bị đã chấp nhận đưa 22 tấn thiết bị của tổ hợp này đi máy bay về Việt Nam. Còn thiết bị chính nặng 25 tấn đi đường biển. Tại Việt Nam hiện có 3 bộ giống nhau đều cùng thuộc một đội.

Bình Định: Bán đảo Phương Mai bị xâm hại nghiêm trọng do thi công dự án điện gió
Trước thực trạng thi công dự án điện gió tại khu vực bán đảo Phương Mai tác động nghiêm trọng đến quần thể sinh thái, UBND tỉnh Bình Định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư