Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngăn “dịch chồng dịch”
D.Ngân - 06/10/2022 13:54
 
Sốt xuất huyết, Adenovirus đang tăng nhanh, đậu mùa khỉ đã xâm nhập, Covid-19 vẫn phức tạp, giới chuyên gia lo ngại nguy cơ “dịch chồng dịch” là hiện hữu.

Cần quan tâm phòng chống sốt xuất huyết

Theo đánh giá từ các bác sĩ, sốt xuất huyết, cúm mùa và tình hình dịch Covid-19 đang quay trở lại tạo nên nguy cơ “dịch chồng dịch” mà ban ngành y tế cùng bệnh viện sẽ đối mặt trong thời gian tới.

Xếp hạng nguy cơ mức độ dịch, bệnh dịch sốt xuất huyết được báo động ở mức cao nhất, tiếp theo là Covid-19, cảm cúm và tay chân miệng.

Do đó cần ưu tiên xử lý những bệnh nổi trội sau đó có những can thiệp hiệu quả và kịp thời với các bệnh còn lại, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ quá tải khi dịch bệnh ngày càng có chiều hướng phức tạp.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam luôn có sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm. Và trong lúc này ngoài dịch Covid-19 và đậu mùa khỉ cần quan tâm hàng đầu phải là phòng, chống dịch sốt xuất huyết bởi số ca mắc và tử vong đang tăng nhanh.

Dịch sốt xuất huyết đang có số ca mắc và tử vong tăng nhanh. Ảnh minh hoạ

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Yên xác nhận, trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết ở tỉnh này.

Bệnh nhân là N.H.N, 11 tuổi ở phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa, Phú Yên. Ngày 26/9/2022, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, sau đó người nhà tự cho uống thuốc không rõ loại, triệu chứng có thuyên giảm.

Còn tại Gia Lai, dịch sốt xuất huyết tăng đột biến. Theo Sở Y tế Gia Lai, tính từ đầu năm tới nay, tỉnh Gia Lai có hơn 6.400 ca bệnh tại 287 ổ dịch sốt xuất huyết ở khắp các xã, phường, thị trấn; đã có 1 người tử vong.

Trong tháng 9 vừa qua, số người mắc sốt xuất huyết tăng đột biến, với hơn 2.400 ca. Các địa phương có ca mắc mới nhiều là huyện Đăk Pơ, thành phố Pleiku, huyện Krông Pa…

Trên phạm vi cả nước, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 200.000 trường hợp mắc, 87 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (48.753/19) số mắc tăng 4,3 lần, tử vong tăng 68 trường hợp. 

Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc tại Hà Nội đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9-16/9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 38,9% so với tuần trước) và có 1 ca tử vong. 

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng lo ngại, Hà Nội đã có 4 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. 

Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện thêm chủng virus Dengue 4. 

Về bệnh đậu mùa khỉ, hiện nay nước ta mới phát hiện 1 ca bệnh. Việc phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam là điều không hề bất ngờ vì có sự giao lưu, du lịch quốc tế, đặc biệt, vẫn có những người dân đến và đi về từ nơi có dịch. Chỉ trong vòng 24 giờ, một dịch bệnh ở nơi xa xôi nhất có thể về tới Việt Nam và ngược lại.

Đề xuất giải pháp ngăn “dịch chống dịch”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ lo lắng khi tình hình Covid-19 dự báo còn khó lường. Những biến thể mới của virus có thể làm đại dịch phức tạp và gia tăng trở lại.

Trong nước, nguy cơ “dịch chồng dịch” hiện hữu, bởi số ca nhập viện và chuyển nặng gia tăng, trong khi hiệu quả bảo vệ của vắc-xin giảm theo thời gian.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp.

Hôm nay, toàn quốc ghi nhận gần 1.200 ca nhiễm Covid-19 mới, tăng so với hôm qua; 75 ca đang thở oxy. Một tuần qua, trung bình mỗi ngày có một ca tử vong do Covid-19.

Đánh giá Việt Nam đã mở cửa nên các dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan xâm nhập là "không thể tránh khỏi", bà Hương cho rằng Chính phủ cần quyết liệt triển khai chống Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Vắc-xin vẫn là biện pháp hữu hiệu nên cần đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng. Các địa phương không chủ quan; xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh.

Việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi sẽ được nghiên cứu, triển khai ngay khi có đủ cơ sở khoa học.

Ngoài ra, để tránh tình trạng dịch chồng dịch, bà Hương đề nghị sửa đổi cơ chế, chính sách về chống dịch như mua sắm, đấu thầu; huy động nguồn lực trong điều kiện khẩn cấp, chưa có tiền lệ nhằm phù hợp với thực tiễn.

Hệ thống y tế cần nâng cao năng lực, nhất là y tế dự phòng, cơ sở. Việt Nam cần thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng dịch.

Để tạo điều kiện cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Hương nói cần điều chỉnh lương cơ bản, tăng phụ cấp nghề cho họ.

Đặc biệt, các cơ quan cần tăng cường năng lực, khả năng cung cấp dịch vụ, phạm vi chi trả tại trạm y tế xã để tham gia chống dịch tốt nhất.

"Chúng ta cũng cần có chính sách đặc thù, đãi ngộ lực lượng y tế, tuyến đầu có nhiều đóng góp. Lực lượng y tế hy sinh khi làm nhiệm vụ cần được công nhận liệt sĩ", Thứ trưởng Liên Hương nói.

Theo bà, cơ chế để y tế tư nhân tham gia chống Covid-19 cần thông thoáng, bình đẳng. Qua các đợt dịch, nhất là đợt thứ tư cho thấy hệ thống y tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng.

Với đậu mùa khỉ, PGS. TS. Trần Đắc Phu cho hay, chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa từ những năm 80 của thế kỷ trước nhờ có vắc-xin.

Cho tới nay, không còn ca bệnh đậu mùa nào còn tồn tại. Vắc-xin đậu mùa này có thể dùng được để phòng tránh đậu mùa khỉ.

"Cũng có những vắc-xin thế hệ mới được sử dụng nhưng chỉ trong phạm vi hẹp. WHO chưa khuyến cáo sử dụng rộng rãi loại vắc-xin này. Việt Nam cũng chưa khuyến cáo sử dụng vắc-xin đậu mùa khỉ vì nguy cơ bùng phát lây lan chưa thực sự lớn", ông Phu nói.

Nguy cơ lây lan ra cộng đồng của ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở mức nào?
Theo đại diện Bộ Y tế, cho đến nay, các đánh giá lây nhiễm đã khoanh vùng, xử lý người tiếp xúc thì ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên khó có khả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư