Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng nhỏ khó tránh M&A
Thùy Vinh - 06/08/2015 08:38
 
Mặc dù được chấp thuận tự tái cấu trúc, song với những ngân hàng quy mô nhỏ, khả năng vượt qua làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) là không dễ.

Hệ thống ngân hàng đang dần được sàng lọc bởi chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Không ít nhà băng yếu kém đã phải sáp nhập như Ficombank, TinNghiaBank, DaiA Bank, Habubank, Mekong Bank, MHB, Southern Bank. Một số nhà băng hoạt động thua lỗ, ăn thâm vào vốn đã phải bán lại 0 đồng, như VNCB, Ocean Bank, GP Bank.

Mục tiêu của NHNN là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc ngành trong giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc. Vì vậy, với những ngân hàng đã được phê duyệt đề án tự tái cấu trúc, nhưng không thể thực hiện đề án thì cũng sẽ phải M&A.

.
DongA Bank có kế hoạch nâng vốn lên 10.000 tỷ đồng và đang ra sức nỗ lực để có thể tự tái cơ cấu.

 

Các ngân hàng nhỏ đang giai đoạn thực hiện đề án tự tái cấu trúc là VietABank, Kienlongbank, OCB, Nam A Bank, DongA Bank… Các nhà băng này đã và đang ra sức đẩy mạnh tái cấu trúc bộ máy hoạt động, nâng cao năng lực tài chính. Thế nhưng, việc thực hiện mục tiêu tự tái cơ cấu bằng nội lực không dễ như kỳ vọng ban đầu.

Trong đó, vấn đề được quan tâm lớn nhất là tăng vốn điều lệ để nâng cao sức cạnh tranh, thì nhiều ngân hàng đã thất bại trong thời gian qua. Chẳng hạn, VietABank đã 3 năm liền chưa tăng được vốn từ mức hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.

Căn cứ Phương án tự tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt ngày 23/4/2014, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu VietABank dưới sự chỉ đạo của HĐQT và Tổ công tác thực thi chỉ đạo tái cơ cấu của Ngân hàng đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu theo các giải pháp và lộ trình được nêu tại Phương án được phê duyệt. HĐQT VietABank cho biết, trong năm 2014, ngân hàng đã cơ cấu tổ chức và hoạt động, kiểm tra chất lượng, dịch vụ và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, công nghệ…, song chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Nhiệm vụ trọng tâm của HĐQT VietABank trong năm 2015 là nỗ lực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ, xây dựng kế hoạch xử lý và kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên, việc có thực hiện được mục tiêu này hay không vẫn là câu hỏi lớn.

Thực tế cho thấy, với những trường hợp đã được NHNN chấp thuận phương án tự tái cấu trúc, để phát triển và tăng trưởng, nhiều ngân hàng vẫn phải chủ động tìm kiếm đối tác để M&A. Nam A Bank là một trong số đó. Nhiều năm trước, ngân hàng này không thể triển khai kế hoạch nâng vốn lên 3.700 - 4.000 tỷ đồng, do cổ đông không mặn mà với việc góp thêm vốn. Với phương án được tự tái cơ cấu bằng nội lực, Nam A Bank đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng đầu năm nay. Thế nhưng, đến thời điểm này, Nam A Bank vẫn chưa thể tăng vốn.

Nam A Bank cũng có kế hoạch M&A với Eximbank, nhưng chưa có hồi kết. Mọi thông tin đang chờ đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank tới đây và nếu kế hoạch sáp nhập được thông qua, thương hiệu Nam A Bank cũng khó tồn tại trên thị trường.

Trong khi đó, DongA Bank đã thu hút được 1.000 tỷ đồng của Tập đoàn KIDO để thực hiện kế hoạch nâng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Thế nhưng, thương vụ sáp nhập DongA Bank - ABBank có chấm dứt hay không thì đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải. DongA Bank có kế hoạch nâng vốn lên 10.000 tỷ đồng và đang ra sức nỗ lực tự tái cơ cấu. Tuy nhiên, mục tiêu này được đánh giá là không dễ thực hiện.

Kienlongbank cũng là ngân hàng nhỏ, với vốn điều lệ chỉ mới đạt mức 3.000 tỷ đồng, song cũng đã được NHNN chấp thuận phương án tự tái cơ cấu. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày một gay gắt đòi hỏi Kienlongbank phải nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh, nếu không sẽ khó tránh được làn sóng M&A khi chủ trương tái cơ cấu được đẩy mạnh. Vì thế, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Kienlongbank cho biết, Ngân hàng sẽ sớm tính đến việc thu hút vốn ngoại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, các hoạt động kinh doanh của OCB trong 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng ổn định. Năm 2015 là năm nước rút để OCB hoàn tất giai đoạn I của chiến lược kinh doanh và cũng là năm OCB thực hiện các cam kết đối với NHNN về Phương án tự tái cơ cấu.

“Chúng tôi tự tin rằng, kết thúc năm 2015, OCB sẽ hoàn thành chương trình tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN, cũng là kết thúc giai đoạn I của quá trình xây dựng và phát triển chiến lược OCB”, ông Tùng nói và cho biết, huy động 6 tháng đầu năm của OCB đạt mức tăng trưởng 13,5%, dư nợ cũng tăng trưởng tối đa theo yêu cầu của NHNN.

Ngân hàng nhỏ chật vật tăng vốn
Trước áp lực tái cấu trúc và sức ép mua bán - sáp nhập (M&A), các ngân hàng nhỏ đang nỗ lực tăng vốn, nhưng xem ra khá chật vật, vì cổ phiếu ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư