Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng trở thành quán quân phát hành trái phiếu tháng 8/2020
Thùy Vinh - 08/09/2020 11:14
 
Công ty chứng khoán MB (MBS) dẫn số liệu thống kê của FiinPro cho thấy có khoảng 11.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động với kỳ hạn bình quân 3,3 năm trong tháng 8/2020.

Trong đó, ngân hàng tiếp tục là nhóm có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất trong tháng với gần 8.200 tỷ đồng. Tiếp đó là nhóm xây dựng với 1.000 tỷ đồng; tài chính với 970 tỷ đồng; bất động sản với 835 tỷ đồng...

Trước đó, báo cáo tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên đến 179.500 tỷ đồng, với kỳ hạn phát hành bình quân 3,97 năm.

Trong đó, chỉ riêng tháng 7/2020, giá trị phát hành của các tổ chức tín dụng là 8.134,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,79% giá trị 7 tháng; các doanh nghiệp bất động sản là 6.993,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,07%.

Riêng các tổ chức tín dụng, lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, giá trị trái phiếu đã phát hành đạt 55.434 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ 2019.

Trong đó, 98% số trái phiếu phát hành tập trung trong quý II/2020; khoảng 67% là các trái phiếu 2-3 năm có lãi suất cố định, chỉ 33% là các trái phiếu dài hạn 7-15 năm có lãi suất thả nổi.

Kỳ hạn bình quân của trái phiếu do các ngân hàng phát hành là 4,55 năm, dài hơn mức 4,12 năm của năm 2019 và lãi suất bình quân 6,68%/năm, thấp hơn mức lãi suất 7,04%/năm của 2019.

Có 3 ngân hàng có kỳ hạn trái phiếu bình quân trên 5 năm (BIDV, VietinBank, ACB). Lãi suất các khoản trái phiếu kỳ hạn dài ở mức 7,5-8,5%/năm.

BIDV tiếp tục là ngân hàng phát hành nhiều nhất với 15.200 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 15 năm. Đây là những trái phiếu đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 và BIDV đều có quyền mua lại trước hạn sau 1-5 năm, riêng các trái phiếu 15 năm là sau 10 năm kể từ ngày phát hành. Nếu không thực hiện quyền mua, lãi suất các kỳ sau sẽ tăng cao.

Tính theo kỳ hạn thực hiện quyền mua, số trái phiếu của BIDV phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 có kỳ hạn bình quân là 2,34 năm.

Lãi suất bình quân kỳ đầu tiên 7,45%/năm, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm gần 2 điểm phần trăm và các kỳ sau của trái phiếu cộng thêm biên độ từ 0,6-1,2%/năm.

Kế đến là HDBank, khi ngân hàng này vừa phát hành 15 triệu trái phiếu, với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu).

Lãi suất trái phiếu cố định 8,5%/năm, được thanh toán hàng năm, định kỳ vào các ngày tròn năm so với ngày phát hành.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, HDBank phát hành lượng trái phiếu có tổng mệnh giá khoảng 8.500 tỷ đồng.

Xu hướng đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn của ngân hàng diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang ở trạng thái dư thanh khoản, khi hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn và NHNN liên tục bơm ròng thanh khoản trên thị trường mở. 

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn khát nguồn vốn dài hạn, nhất là trước khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN thêm 1 năm mới đây. 

Số liệu từ NHNN chi nhánh TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến 31/8/2020 ước đạt trên 2,38 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cuối năm 2019 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn khoảng 52% trong tổng tín dụng toàn địa bàn, ước tăng 4,31% so với cuối 2019; còn dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng tăng khoảng 3%. 

Mặt khác, việc đua phát hành trái phiếu huy động vốn từ đầu năm đến nay của ngân hàng được cho là nhằm huy động vốn để mua lại trái phiếu trước hạn đã phát hành trước đây, tái cơ cấu lại lãi suất. Vì trái phiếu phát hành trước đây lãi suất cao hơn hiện nay.

BIDV vừa thực hiện mua lại toàn bộ 3.500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 1 năm 2015, kỳ hạn 10 năm 1 ngày và BIDV có quyền mua lại sau 05 năm.

HDBank cũng thông báo đã mua lại 2.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019 và 500 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2018. Trước đó, HĐQT HDBank  đã thông qua phương án mua lại 8.520 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong năm nay.

Ngoài ra, SeABank, VIB, BAC A BANK và OCB cũng mua lại trước hạn lần lượt 2.250 tỷ đồng, 1.600 tỷ đồng, 1.300 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành trong các năm 2018, 2019.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư