Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Ngăn lừa đảo, chặn tài khoản rác để nông dân yên tâm với ngân hàng số
T.L - 13/10/2023 11:30
 
Sử dụng ngân hàng số đã trở thành thói quen của người tiêu dùng thành thị, song nhiều người dân khu vực nông thôn vẫn còn e ngại, một phần bởi vấn nạn lừa đảo.

Làm sạch dữ liệu để ngăn lừa đảo

Chia sẻ tại Hội thảo “Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân” sáng 13/10, nông dân Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt cho hay, cách đây 2 ngày, anh vừa nhận được cuộc gọi lừa đảo mời gọi tham gia sàn thương mại điện tử với hình thức chuyển khoản trước để nhận hoa hồng.

“Rất mong Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước truy quét sim rác, tài khoản rác để nông dân chúng tôi yên tâm chuyển đổi số”, ông Quyên đề nghị.

Theo ông Quyên, hiện nay các hợp tác xã đã ứng dụng nhiều dịch vụ số của ngân hàng song điều khiến các HTX và nông dân bất an là hiện tượng mất tiền trong tài khoản còn diễn ra rất nhiều. Chỉ khi tình trạng này giảm bớt, người nông dân mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số.  

Nhiều nông dân cũng băn khoăn về tình trạng các cuộc điện thoại lừa đảo xảy ra rất nhiều, các đối tượng lừa đảo nắm bắt chính xác thông tin cá nhân của người dân, đặt ra nghi vấn dữ liệu cá nhân bị lộ, mua bán bất hợp pháp và đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn.

Về vấn đề này, đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (A06) cho hay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời đã giúp làm sạch dữ liệu. Hiện đã có xấp xỉ 80/104 triệu người được cấp căn cước công dân gắn chip, nhờ đó giúp việc xác thực được chính xác.

Tuy vậy, ông Tần cho rằng, nhận thức người sử dụng thiết bị đầu cuối cần nâng cao hơn nữa để bảo vệ mình, không cho mượn tài khoản, không để lộ thông tin cá nhân.  

Theo đánh giá của các chuyên gia, nông thôn Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển tài chính số. Lợi thế của Việt Nam là tốc độ internet nằm trong Top 50 trên thế giới. Đồng thời 87% thôn, bản hiện nay đã được phủ sóng di động và internet tốc độ cao. Hiện nay, doanh nghiệp và Chính phủ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng internet.  

Bà Mai Thị Thanh Bình, Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết, mục tiêu của Bộ đưa ra là đưa cáp quang băng rộng đến từng hộ gia đình. Khi đã có hạ tầng kết nối, Chính phủ sẽ phổ cập thiết bị di động thông minh để đảm bảo ít nhất mỗi gia đình sẽ có 1 thiết bị thông minh và tiến tới mỗi người dân sẽ có 1 thiết bị thông minh trong thời gian tới. Đã có 78% số lượng thuê bao đang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh và để phổ cập 22% còn lại sẽ phải phổ cập bằng sự tổng hợp của nhiều người lực từ địa phương, nhà mạng và từ xã hội hoá.  

Mục tiêu tiếp theo là mỗi người dân trưởng thành một tài khoản thanh toán số. Đa dạng hoá hình thức thanh toán, các vùng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, phối hợp với nhà mạng triển khai Mobile Money. Tài khoản mobile money gắn với tài khoản SIM điện thoại sử dụng thanh toán ngay cả khi sử dụng điện thoại đời cũ (feature phone). Đồng thời, triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số như: làng số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt từ đó nhân rộng, lan tỏa. VNPost phát triển mạng lưới VNPost thành các điểm đại lý Mobile Money.

Thúc đẩy tài chính toàn diện nhờ thanh toán số

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025, 50% nghiệp vụ ngân hàng hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính với các khoản vay tiêu dùng, khoản vay nhỏ lẻ của cá nhân được số hóa; 50% người dân trưởng thành được sử dụng dịch vụt hanh toán điện tử. Con số này đến năm 2030 nâng lên 70-80%.  

Để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt hành lang pháp lý về cho va online, xác thực điệntử, cho phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)… Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Về hạ tầng, đến nay hệ thống ngân hàng đang có 124 tổ chức tín dụng; 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 16 công ty tài chính; hơn 21.000 cây ATM, hơn 490.000 máy POS. Tỷ lệ bao phủ cũng đã tăng trưởng mạnh với tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,60% (năm 2022)…

Ngoài ra, đã có gần 5,2 triệu tài khoản mobile money được mở, trong đó gần 3,6 triệu tài khoản được đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đồng thời, trên ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,..) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến T6/2023)…

Đối với việc bảo mật thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.

Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách chuyển đổi số ngân hàng, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư. Hiện đã có tổ chức tín dụng đã triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng; 44 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip, 13 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử..

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư