Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Ngăn sữa nhiễm khuẩn vào Việt Nam
Dương Ngân - 23/02/2023 08:34
 
Sữa nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, nên cần có biện pháp ngăn chặn sản phẩm này vào Việt Nam.
Nhu cầu sử dụng sữa tại Việt Nam đang rất lớn, trong đó có rất nhiều sản phẩm sữa ngoại
Nhu cầu sử dụng sữa tại Việt Nam đang rất lớn, trong đó có rất nhiều sản phẩm sữa ngoại

Thông tin kịp thời

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cung cấp thông tin liên quan việc Công ty Lactalis (Pháp) bị cáo buộc hình sự do sản xuất sữa công thức trẻ em bị nhiễm Salmonella Agona. Theo cơ quan này, sự cố an toàn thực phẩm trên được Pháp phát hiện từ năm 2017.

Từ thời điểm đó, Cục An toàn thực phẩm đã kịp thời nắm bắt và cung cấp thông tin liên tục cho người tiêu dùng, đồng thời có những biện pháp thu hồi và ngăn chặn các sản phẩm nhiễm khuẩn vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 16/2, Công ty Lactalis cũng cho biết, họ đã bị buộc tội liên quan đến vụ bê bối toàn cầu kéo dài 5 năm qua, trong đó có hàng chục trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sức khỏe do uống sữa công thức (sữa bột) nhiễm khuẩn đường ruột Salmonella.

Đến nay, sau 5 năm điều tra, theo Cục An toàn thực phẩm, Công ty Lactalis đã bị công tố viên cáo buộc hình sự theo quy định của nước sở tại. Cuối năm 2017, nhiều trẻ sơ sinh ở Pháp được chẩn đoán bị ngộ độc khuẩn

Salmonella sau khi uống các sản phẩm sữa, chủ yếu là sữa Milumel và sữa Picot của Công ty Lactalis sản xuất tại nhà máy Craon.

Trong vòng 3 ngày sau khi được cho uống các sản phẩm sữa bột của Lactalis, 36 trẻ sơ sinh đã xuất hiện triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella. Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng báo cáo các trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Theo báo cáo thị trường do Research and Markets vừa công bố, ngành công nghiệp sữa và các chế phẩm từ sữa của Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên 8,4 tỷ USD vào năm 2021. Còn giá trị sữa và chế phẩm từ sữa nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2021 là 11,8 tỷ USD. Dự báo, trong giai đoạn từ nay đến năm 2031, sữa và chế phẩm từ sữa nhập khẩu vào Việt Nam tăng 12,4%/năm.

Vào thời điểm đó, Lactalis thừa nhận rằng, các sản phẩm sữa bột của họ được bán tại hơn 80 quốc gia khác đã bị ảnh hưởng. Tháng 1/2018, Lactalis đã thu hồi toàn bộ lô sữa bột sản xuất tại nhà máy Craon (được sản xuất vào nửa đầu năm 2017), ước tính hơn 12 triệu hộp.

Tuy nhiên, Viện Pasteur (Pháp) cho rằng, vi khuẩn Salmonella đã xuất hiện trong quá trình sản xuất tại nhà máy này từ năm 2005. Hàng trăm người đã đệ đơn kiện Lactalis, chủ yếu với cáo buộc lừa đảo.

Cũng về sữa nhập khẩu, trong những năm qua, đã có nhiều vụ việc liên quan tới thu hồi sản phẩm do nhiễm khuẩn.

Cụ thể, ngày 20/2/2022, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được thông tin từ Mạng lưới Các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm Cronobacter Sakazakii và Salmonella Newport do sử dụng sản phẩm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition's Sturgis (Mỹ).

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Abbott Việt Nam đã có công văn báo cáo, gửi Cục An toàn thực phẩm và chủ động thông báo thu hồi tự nguyện lô sản phẩm sữa bột Alimentum có cùng lô sản xuất với các sản phẩm nghi nhiễm khuẩn có xuất xứ từ nhà máy ở Sturgis (Mỹ).

Một vụ việc điển hình khác là năm 2013, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand thông báo các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia (New Zealand) sản xuất có sử dụng Whey Protein Concentrate có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum (đây là vi khuẩn hình que, là nguyên nhân gây liệt cơ khi bị ngộ độc thịt).

Cũng trong cùng năm, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand đã gửi thông báo tới Cục An toàn thực phẩm Việt Nam và Công ty Abbott về việc có 2 lô sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q dành cho trẻ 1-3 tuổi, loại 1,7 kg có nguy cơ nhỏ nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum do thiết bị đóng gói.

Cần hàng rào bảo vệ

Thị trường sữa Việt Nam có quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng rất cao, được đánh giá có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với sự thâm nhập của nhiều sản phẩm không đảm bảo. Chính vì vậy, việc ngăn chặn các sản phẩm sữa nhiễm khuẩn là việc làm cấp thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và tương lai của trẻ em Việt Nam.

Các chuyên gia cho biết, thực phẩm nhiễm Salmonella có khả năng gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh có hệ miễn dịch yếu. Vi khuẩn

Salmonella có thể tồn tại trong nước từ 2 đến 3 tuần, ở trong phân từ 2 đến 3 tháng, bị tiêu diệt ở 100 độ C trong vòng 5 phút và có thể diệt bởi chất sát khuẩn thông thường. Người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh, hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn sau khi hết các triệu chứng lâm sàng.

Khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2 đến 3 tháng sau khi hết các triệu chứng lâm sàng. Một số người bị nhiễm khuẩn mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Khi nhiễm khuẩn Salmonella, người bệnh thường sốt, đau quặn bụng và tiêu chảy trong vòng 12 - 72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Những người trưởng thành khỏe mạnh thường bị ốm từ 4 đến 7 ngày. Không ít người bị tiêu chảy nghiêm trọng đến mức phải nhập viện.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể dẫn đến việc vi khuẩn này đi vào máu và gây ra các bệnh nặng hơn như nhiễm trùng động mạch (chứng phình động mạch bị nhiễm trùng), viêm nội tâm mạc và viêm khớp.

Abbott chủ động thu hồi sản phẩm nghi lỗi: Ứng xử văn minh của nhà đầu tư nghiêm túc
Ngay khi có cảnh báo sản phẩm Alimentum nghi nhiễm khuẩn, Abbott đã chủ động thông tin tới Cơ quan quản lý xin thu hồi khẩn cấp sản phẩm, thông tin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư