Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Ngành bia rượu tìm lối ra trên không gian mạng
Nhung Bùi - 29/02/2024 09:16
 
Tăng trưởng doanh thu 12% trong 6 tháng, thương mại điện tử trở thành lối ra mới cho ngành bia rượu.

Báo cáo “Chinh phục kênh E-commerce: Ngành hàng Đồ uống có cồn”, do công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI thực hiện, đã vẽ ra một bức tranh doanh thu tích cực của ngành bia rượu trên sàn thương hại điện tử. Báo cáo được tổng hợp  dựa trên cơ sở dữ liệu giá bán, doanh thu của tất cả nhãn hàng bia, rượu, nước trái cây lên men đang kinh doanh trên Shopee, Lazada, Tiki.

Theo các thông tin trước đó, bao gồm báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và báo cáo từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu trong năm 2023 của ngành bia rượu bao gồm: Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho bia rượu và giá thuê mặt bằng tăng cao ảnh hưởng đến kênh tiêu thụ tại chỗ (on-trade). 

Giữa các khó khăn này, dữ liệu do YouNet ECI cung cấp đã chỉ ra doanh thu nhóm ngành hàng đồ uống có cồn trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tăng trưởng 12% trong 6 tháng cuối năm 2023 so với 6 tháng trước (mặc dù 6 tháng đầu năm 2023 có Tết Nguyên Đán là cao điểm của ngành hàng). Trong đó, riêng các doanh nghiệp bia kinh doanh trên các sàn đạt tổng doanh thu 351 tỷ đồng trong năm 2023.

Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng sàn Shopee, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng bia lên đến 154%: Từ vỏn vẹn 34,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, vọt lên 88,7 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023.

Các thương hiệu đồ uống có cồn đứng đầu kênh online và offline. 

Lý giải cho sức tăng trưởng ấn tượng này, ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường TMĐT của công ty YouNet ECI, chỉ ra ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất là nỗ lực tìm ra kênh tăng trưởng bù số cho kênh truyền thống của nhiều nhãn hàng bia mùa cuối năm. Các nhãn hàng này đã đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá, khuyến mãi trên các sàn TMĐT, đặc biệt là trên Shopee Mall.

Tiêu biểu trong đó là Sabeco. Nhà sản xuất này chỉ mới mở gian hàng Shopee Mall hồi tháng 11/2023 nhưng nhờ sự kết hợp giữa chiến lược khuyến mãi dồn dập và thương hiệu mạnh, thị phần trên TMĐT của nhãn Saigon Lager đã tăng 4.6 điểm chỉ trong tháng 12/2023. Sabeco lọt vào top 5 nhãn hàng bia bán chạy nhất trên TMĐT năm 2023 và dòng Saigon Lager cũng lọt top 6 sản phẩm đồ uống có cồn bán chạy nhất.

“Người tiêu dùng ngày nay quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm khi mua sắm. Họ muốn mua từ các shop chính hãng vì nỗi lo hàng giả hoặc hàng quá hạn. Đây là tín hiệu cho các nhãn hàng đẩy mạnh shop chính hãng ở trên sàn thương mại điện tử vì dữ liệu cho thấy người tiêu dùng đang rất tin tưởng lựa chọn mua sắm từ các kênh này”, ông Nguyễn Phương Lâm cho biết.

Thứ hai là các chương trình khuyến mãi lớn của sàn, của nhãn hàng trên sàn đang tạo lực hấp dẫn cho người tiêu dùng. Dữ liệu của YouNet ECI cho thấy trung bình trong các tuần có sự kiện Siêu Sale trên các sàn (ngày 10/10, 11/11, 12/12, v.v…) ngành hàng bia thu về 8,1 tỷ đồng/tuần - cao hơn 35% so với các tuần bình thường, không có sự kiện.

Như vậy, các sự kiện Siêu Sale trên sàn vẫn đang là một yếu tố kích cầu tốt đối với người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ thắt lưng buộc, giảm chi tiêu hiện nay. 

Và yếu tố thứ 3 được ông Lâm chỉ ra là sự quen thuộc của đối tượng khách hàng Gen Z, Gen Y với thương mại điện tử. Bằng chứng là nếu nhìn vào những dòng sản phẩm bia bán chạy nhất ở trên TMĐT, sẽ thấy có sự xuất hiện trong top của Tiger Crystal, Heineken Silver hoặc là Chill Cocktail, những dòng sản phẩm nhắm đến nhóm khách hàng Millennial hoặc Gen Z. 

“Đối với những nhóm đối tượng này thì nhanh chóng và tiện lợi sẽ là những nhu cầu thiết yếu. Đặc trưng của thương mại điện tử là có thể đáp ứng được những nhu cầu này với những dịch vụ thanh toán không tiền mặt và giao hàng nhanh”, ông Nguyễn Phương Lâm khẳng định.

Tuy nhiên, ông chỉ ra một đặc điểm phổ biến của Gen Z là khó trung thành với một nhãn hàng cố định, mà có xu hướng chuyển đổi thường xuyên. Dữ liệu của YouNet ECI cho thấy có đến hơn 500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được đăng bán ở trên các sàn E-com, trong khi trung bình một siêu thị truyền thống chỉ có khoảng 60 nhãn hàng, đồng nghĩa danh mục sản phẩm ở trên TMĐT đa dạng hơn rất nhiều để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi liên tục của người dùng.

“Cấm tuyệt đối tài xế uống rượu thì đất nước mới bình yên”
Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn lo ngại về tình hình tai nạn giao thông, nhất là tai nan xảy ra ở đường cao tốc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư