Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngành sợi lo giảm tốc
Thế Hải - 27/03/2019 08:10
 
Nguyên nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến xuất khẩu sợi của Việt Nam được nhận diện là xuất phát từ căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
TIN LIÊN QUAN
Các nhà sản xuất sợi đang phải căng mình bù lỗ. Ảnh: Đức Thanh
Các nhà sản xuất sợi đang phải căng mình bù lỗ. Ảnh: Đức Thanh

Phát sốt vì giá giảm

Ngành dệt may đã có được con số xuất khẩu ấn tượng trong năm 2018 với 36,2 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sợi đóng góp tới 3,987 tỷ USD. Dù đạt mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng ngành sợi vẫn phát lộ những bất ổn.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) bày tỏ quan ngại,  trong quý IV/2018, xuất khẩu sợi của Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 2,82% so với mức trung bình 3 quý đầu năm, đạt 1,028 tỷ USD, nhưng ngành sợi lại bị thua lỗ dù tổng giá trị xuất khẩu vẫn tăng do giá sợi lại sụt “thê thảm”, khiến các nhà sản xuất sợi phải chấp nhận bán tháo với mức giá thua thiệt. 

“Thông thường, trong sản xuất, kinh doanh sợi, chênh lệch giữa giá nguyên liệu và giá sản phẩm ở mức 1 USD/kg thì nhà sản xuất mới có khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, từ thời điểm tháng 10/2018 cho tới tháng 1/2019, chênh lệch giữa giá nguyên liệu bông và giá bán sợi chỉ còn 50-60 UScent/kg. Do đó, các nhà sản xuất sợi phải căng mình bù lỗ”, ông Trường thông tin thêm.

Sự chao đảo của ngành sợi Việt Nam còn có nguyên nhân rất lớn đến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế tới 25% có mặt hàng vải. 

Do đó, việc Trung Quốc thận trọng, kìm hãm sản xuất vải đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam. 

Nhiều năm nay, sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nơi là công xưởng sản xuất nguyên liệu vải lớn nhất toàn cầu. Lẽ tất yếu, khi việc áp thuế mới có nguy cơ xảy ra đối với Trung Quốc, thì ngay lập tức ngành sợi Việt Nam bị ảnh hưởng.

Đỉnh điểm, theo Vitas, trong tháng 12/2018 và tháng 1/2019, ngành sợi Việt Nam phải chấp nhận giá sợi chìm ở mức đáy (giá bông là 2,1 USD/kg và giá sợi trung bình chỉ đạt 2,6 USD/kg) để duy trì sản xuất, ổn định đời sống cho công nhân và giữ chân khách hàng.

Đến tháng 2/2019, biên độ giá 1 kg giữa bông và sợi là 1,9 USD (bông) – 2,8 USD (sợi), độ chênh đã đạt đến gần 1 USD, mức chênh chấp nhận được cho ngành sợi, nhưng mức giá này không chắc được duy trì do phụ thuộc vào kết quả đàm phán Mỹ - Trung được dự kiến diễn ra cuối tháng 3/2019 tại Mỹ. 

Bởi vậy, năm 2019, các nhà sản xuất vẫn phải tiếp tục “đi trên dây”, khi vừa phải duy trì sản xuất, lại vừa phải giữ chân khách hàng.

Kỳ vọng thị trường ấm lên

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành sợi đã ít nhiều “ngấm đòn” ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ năm 2018.

Quý IV/2018, đơn hàng xuất khẩu sợi rất khó khăn, giá xuất khẩu cũng bị ép xuống mạnh do thị trường xuất khẩu chính của sợi là Trung Quốc phá giá đồng NDT và ép giá sợi của Việt Nam.

“Doanh nghiệp đang kỳ vọng hết quý II/2019, thị trường sẽ dần ấm lại và đây là thời điểm phải cầm cự, tôi được biết nhiều doanh nghiệp sợi có lượng hàng tồn kho rất lớn”, ông Hiếu thông tin.

Nhiều năm thăng trầm cùng ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường nhận định, ngành sợi  dù đang rất khó khăn, nhưng theo quy luật thị trường, khi sản xuất chạm đáy, thì chu kỳ tiếp theo sẽ phát triển bùng nổ mới. 

Theo góc nhìn của ông Trường, khi bóng đen của căng thẳng thương mại qua đi, thì thị trường có thể sẽ chứng kiến nhu cầu bùng phát trong vòng 3-4 tháng, để bù sản xuất và bù tồn kho. Bởi lẽ, trong khi thị trường xuống đáy, các nhà sản xuất vải có xu hướng đẩy hết hàng tồn kho ra để sản xuất, phòng ngừa rủi ro. Đến khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trở lại mức bình thường, thì họ không chỉ cần đến lượng sợi để sản xuất phục vụ nhu cầu, mà còn cần bù lượng tồn kho, do đó, dự kiến thị trường sợi sẽ có thời gian tăng trưởng nhảy vọt sau khủng hoảng. 

“Điều quan trọng đối với các nhà sản xuất sợi của Việt Nam, đó là cần có giải pháp quản trị rủi ro hiệu quả, tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, duy trì sản xuất để tồn tại và vượt qua đáy của khủng hoảng, và chờ đến thời cơ mới”, ông Trường khuyến cáo.

Bởi vậy, vẫn còn sớm để đưa ra sự báo sáng hơn về ngành sợi tại thời điểm này. Khả năng tăng trưởng của ngành sợi là chưa rõ ràng, bởi còn phụ thuộc vào độ ấm, lạnh của thị trường, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trước đây, sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang 2 thị trường lớn là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... Nhưng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp áp dụng các biện pháp chống bán phá giá nên sợi gần như mất thị trường này. Do đó, 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.
Nguồn: Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA)
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư