Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nghị định 67 bước đột phá chính sách phát triển ngành thủy sản
Ngọc Quyết - 09/03/2016 14:38
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình dự và chỉ đạo Hội nghị “Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản”.

“Mặc dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn, nhưng Nghị định 67 đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ. Điều này, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống từng địa phương. Sự hiện diện của ngư dân ở những vùng biển xa, ngoài việc nâng cao hiệu quả đánh bắt, cải thiện cuộc sống cho bà con ngư dân đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc”, đó là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị “Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản” do NHNN phối hợp với Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 7/3/2016 tại  Tp. Quảng Ngãi. 

Ngư dân hồ hởi

Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 đã được Chính phủ tháo gỡ trong Nghị định 89, ngư dân hồ hởi đón nhận Nghị định 89, bởi các điểm mới sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn trong cơ chế chính sách vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu.

Tiếp xúc với những ngư dân ở  Quảng Ngãi, Bình Định, chúng tôi mới cảm nhận được niềm vui, sự hồ hởi của người dân nơi đây khi được biết thông tin về Nghị định 89 sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kéo dài thêm thời gian trả nợ ngân hàng trong quá trình triển khai Nghị định 67.

UV BCT Thống đốc NHNN Nguyễn Văn BÌnh và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao đổi với ngư dân tại HTX đóng tàu Nghĩa Phú, Quảng Ngãi.
UV BCT Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao đổi với ngư dân tại HTX đóng tàu Nghĩa Phú, Quảng Ngãi.

Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, phường Hải Cảng TP. Quy Nhơn(Bình Định) cười tươi như hoa khi đứng trên boong chiếc tàu cá vỏ thép nghề lưới vây mạn 880 CV mang tên Hải Cảng 1 ký hiệu BĐ99009 TS  đã hạ thủy đưa từ nhày máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) về bến tàu ở  Bình Định. “Tôi vay 17,7 tỷ đồng nếu phải trả nợ trong vòng 11 năm theo quy định tại Nghị định 67 thì mỗi năm gia đình tôi phải trả cả gốc lẫn lãi là hơn 1,5 tỷ đồng. Nay Nghị định 89 sửa đổi, thời gian kéo dài trả nợ đối với tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới lên tới 16 năm giúp tôi giải tỏa phần áp lực trả nợ”, ngư dân Nguyễn Việt Hằng, vui mừng cho biết.

Còn ngư dân  Nguyễn Sáu huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vay vốn  4,3 tỷ đồng của Agribank  đóng tàu gỗ  765 CV theo Nghị định 67. Trước khi vay vốn đóng tàu 67, tôi  đi biển bằng tàu công suất nhỏ có 360 CV, do vậy không đi đánh bắt xa bờ được, hiệu quả không cao. ”Tàu gỗ vay theo Nghị định 67  đã hạ thủy từ tháng 3/2015, nay đã ra khơi được 6 chuyến. Tàu công suất lớn ra khơi đảm bảo an toàn, hiệu quả  hơn góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho gia đình” ông Sáu chia sẻ.

Cùng chung niềm vui với ngư dân Sáu, ngư dân Nguyễn Đức Thảo xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi sáng ngày 7/3/2016 ký  kết hợp đồng tín dụng  với ngân hàng để vay vốn đóng tàu gỗ công suất 748 CV cho biết, ước mơ của nhiều ngư dân có được một chiếc tàu có công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và  ngân hàng ước mơ của gia đình tôi đã thành hiện thực

Quyết liệt triển khai

Nghị định 67  là một sáng kiến của NHNN tham mưu Chính phủ ban hành, qua hơn 1 năm triển khai chúng ta có thể khẳng định Nghị định 67 đối với ngư dân là hết sức “đúng“ và  “trúng“, đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sức lan tỏa của Nghị định 67 đã thực sự được cấp ủy và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc để phối hợp cùng hệ thống ngân hàng và các bộ ngành triển khai.

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị định  67 về một số chính sách phát triển thủy sản và sự  ra đời của  Nghị định  89 sửa đổi Nghị định  67 đã tháo gỡ những vướng mắc,  tạo điều kiện, mở rộng thêm đối tượng được vay vốn với ngư dân, đến nay các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với chủ tàu để đóng mới, nâng cấp 399 con tàu với tổng số tiền cam kết cho vay đạt gần 4.000 tỷ đồng, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Qua ghi nhận thực tế tại Quảng Ngãi, Bình Định và các tỉnh đang triển khai Nghị định 89 sửa đổi, các NHTM vẫn gặp phải một số vướng mắc mới phát sinh khi giải ngân cho vay cần được hướng dẫn kịp thời như: Hướng dẫn chi tiết về thuế VAT  trong đóng mới, nâng cấp tàu; hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật đối với máy thủy cũ trong nâng cấp tàu, hướng dẫn trường hợp giá quyết toán thực tế vượt giá dự toán trong đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi  cho rằng, chính sách hoàn thuế GTGT cho chủ tàu theo Nghị định 67 không được thực hiện, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế không thống nhất, khó hiểu, Cục Thuế các địa phương không triển khai thực hiện được, gây khó khăn, thiệt thòi cho chủ tàu, trái với tinh thần nội dung của Nghị định 67 về việc ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu.“ Hiện nay, có 14 tàu đã hoàn thành nhưng chưa có chủ tàu nào được hoàn thuế GTGT, nếu không được hoàn thuế GTGT theo Nghị định 67 thì chủ tàu sẽ thiệt thòi rất lớn vì sẽ không thực hiện được phương án sản xuất kinh doanh để vay vốn đã ký với các Ngân hàng thương mại, dẫn đến nguy cơ không trả nợ kịp thời theo phương án“ , ông Thọ nói.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, có thể khẳng định Nghị định 67 của Chính phủ đối với ngư dân là hết sức “đúng“ và  “trúng“, đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khai thác thủy sản mới là một phần, vấn đề quan trọng là thị trường tiêu thụ. Phải tổ chức mạng lưới tiêu thụ, làm sao đảm bảo chuỗi sản xuất liên kết chặt chẽ, giúp hiệu quả sản xuất, lao động của bà con ngư dân được nâng lên, từ đó góp phần tái cấu trúc lại hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản của nước ta. Hiện nay, chúng ta mới tập trung cho vay đóng mới tàu, trong đó có tàu khai thác, tàu dịch vụ nghề cá. Nghị định 67 là một chương trình, không phải là chính sách nhất thời, mà đây là chương trình xuyên suốt. Mục tiêu lần này gắn với đổi mới mô hình tăng  trưởng trong mô hình sản xuất trong hoạt động đánh bắt xa bờ, góp phần vào tái cơ cấu trúc chung của nền kinh tế”, ông Bình nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn, rất đúng, nhân văn với đời sống ngư dân, bởi vậy chúng ta không tiến hành như là phong trào. Cần chọn được đúng người, đúng bà con ngư dân làm ăn có kinh nghiệm. Sử dụng đồng vốn cho hiệu quả nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chương trình  quan trọng góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta. 

Cấp tín dụng cho 4 ngư dân đóng tàu cá vỏ thép
() Chiều 3/2, tại TP Quy Nhơn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho vay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư