Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nghiên cứu thí điểm cách ly tại nhà với F1 tại Bắc Ninh nếu đủ điều kiện
D.Ngân - 20/05/2021 20:40
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề xuất Bắc Ninh nghiên cứu xem xét cách ly tại nhà F1 với những người đủ điều kiện.

Chiều 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với Bắc Giang và Bắc Ninh - hai khu vực dịch bệnh diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới tăng nhanh trong các khu công nghiệp và cộng đồng. 

Dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Bắc Giang chuẩn bị các khu cách ly có sự giám sát của camera, các công cụ công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông đang hỗ trợ, để trong trường hợp có quá nhiều người bị nhiễm thì thu dung những trường hợp khoẻ mạnh, chưa có triệu chứng, để theo dõi, luôn sẵn sàng chuyển đến các khu điều trị nếu xuất hiện triệu chứng nặng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn tính đến trong tình huống có nhiều người bị nhiễm, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ, thì nghiên cứu, khảo sát, trước hết ở những gia đình có điều kiện về nhà cửa, có khoảng cách với những nhà xung quanh… để thí điểm quy mô nhỏ là cho F1 cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ, đồng thời kêu gọi sự giám sát, giúp đỡ của hàng xóm lân cận.

Về khai báo y tế, Phó Thủ tướng cho biết, những ngày qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Tổ phân tích dữ liệu của Ban Chỉ đạo đã rất tích cực triển khai hệ thống hỗ trợ khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ của các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm.

Phó Thủ tướng gợi ý, hiện Bắc Ninh đã có 8/8 huyện thị, thành phố có ca nhiễm, những nơi thực hiện giãn cách xã hội cần thực hiện khai báo y tế bắt buộc, nếu có thể thì thực hiện  trên địa bàn toàn tỉnh.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh đã phát hiện lây nhiễm từ các công nhân trong KCN sang các thành viên trong gia đình. Theo đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đang triển khai rà soát đúng trọng điểm, để khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan.

Bên cạnh đó, với hỗ trợ của Bộ Y tế, Học viện Quân y và BV 103, năng lực xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang đã được nâng cao, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm hằng ngày.

Cụ thể, Bắc Giang từ thực hiện 14.000 mẫu đơn tăng thêm 10.000 mẫu đơn mỗi ngày và thực hiện được trên 100.00 mẫu gộp. Vấn đề thiếu sinh phẩm, thiếu kit test đã được giải quyết. Ông Dương khẳng định, từ ngày 21/5, tỉnh bắt đầu trả kết quả xét nghiệm trong ngày. 

Theo Chủ tịch UBND Bắc Giang, tỉnh đã đưa vào vận hành 8 bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, với công suất 1.260 giường và hiện mới chỉ dùng một nửa công suất.

Từ ngày 21/5, Học viện Quân y sẽ đưa vào hoạt động thêm bệnh viện 300 giường và có thể nâng công suất lên 500 giường.

Tỉnh cũng đang chuẩn bị một bệnh viện thu dung các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng ở Nhà thi đấu tỉnh với công suất 620 giường và dự kiến ngày 22/5 sẽ đi vào hoạt động. Tổng dự kiến, công suất của các bệnh viện tại Bắc Giang từ 2.500-2.700 giường.

Bên cạnh đó, đoàn cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đang tiến hành khảo sát thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại 2 tầng Bệnh viện Phổi Bắc Giang, với quy mô 58 giường để điều trị bệnh nhân nặng.

Hiện tại tỉnh Bắc Giang có 5 khu cách ly tập trung đáp ứng cho 5.000 người. Các huyện, thành phố đảm bảo cách ly cho 25.000 người. Thực tế, nhiều khu cách ly chưa đáp ứng yêu cầu và đã được chấn chỉnh, theo đó, đã lắp thêm camera...  

Trong trường hợp phải vận hành các bệnh viện thu dung có công suất lớn trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ gặp vấn đề về thiếu trang thiết bị và nhân lực y tế.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, số ca F0 trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục tăng. Từ đêm 19/5 đến sáng 20/5, đã tăng 61 ca so với ngày trước đó.

Trong đó, ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 6 F0 và đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.

Ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 273 F0, tăng 12 trường hợp, đa số là các trường hợp đã được cách ly.

Ổ dịch tại Khu công nghiệp Quang Châu có 306 F0, tăng 68 trường hợp, chủ yếu là công nhân của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, ngoài ra có công nhân của Công ty TNHH Samkwang Vina, Công ty Luxshare. 

Số F0 tại Khu công nghiệp Quang Châu tăng cao, nhất là Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. Dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 tại ổ dịch này vẫn tiếp tục tăng do các công nhân là trường hợp F1 đã tiếp xúc đến giai đoạn bệnh khởi phát và số lượng mẫu xét nghiệm được lấy tiếp tục chạy có kết quả. 

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát hiện thêm một số trường hợp F0 rải rác ở Khu công nghiệp Đình Trám, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và trong cộng đồng.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, vấn đề lo ngại nhất và cấp thiết nhất là khu vực hồi sức cho các bệnh nhân Covid-19.

"Tại Bắc Giang, trong số các bệnh nhân đang điều trị đã xuất hiện tình trạng người khoẻ mạnh không có bệnh nền đã suy hô hấp nên cần hết sức cảnh giác chủng Ấn Độ, đã có 3 ca. Hiện Bộ Y tế đã huy động thêm nhân lực và trang thiết bị cho điều trị", ông Khoa nêu.

Với tình hình dịch tại Bắc Ninh, theo Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa, số ca mắc Covid-19: 371 ca tại 7 huyện/thị xã, thành phố (trong đó có 35 ca mắc mới) tính đến 6 giờ ngày 20/5/2021.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: 29 bệnh nhân nặng phải thở oxy, 1 bệnh nhân lọc máu liên tục. Tỉnh đã tiến hành rà soát 3.381 trường hợp F1, 30.939 trường hợp F2. Hiện đang thực hiện cách ly y tế cho: 30.359 trường hợp.

Về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, tổng số mẫu lấy xét nghiệm: 219.798 mẫu (trong ngày 19/5/2021 lấy tổng số 22.371 mẫu, trong đó 541 mẫu làm test nhanh và 21.830 mẫu làm RT-PCR).

Tại cộng đồng và các đối tượng khác: 184.741 mẫu. Trong đó, đã lấy 48.083 mẫu cho công nhân tại các khu nhà trọ, ký túc xá (trong ngày 19/5 đã lấy 1.225 mẫu cho các chuyên gia và 5.596 mẫu liên quan đến Bắc Giang).

Tại các khu công nghiệp, Sở Y tế đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương rà soát, truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca mắc Covid-19 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công nghệ TNHH JOHNSON, Công ty Samsung Electronic Việt Nam, thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế Bắc Ninh đề xuất với Bộ phận thường trực có phương án tăng cường một số loại thuốc do các đơn vị cung ứng hiện nay không có hàng để triển khai điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng.

Với dịch tại Bắc Ninh, trong buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn với tỉnh, Thứ trưởng nhận định công tác chống dịch của Bắc Ninh đã tương đối chủ động.

Tuy nhiên, việc đảm bảo phòng chống dịch trong các KCN ở Bắc Ninh luôn là một vấn đề cần chú trọng hàng đầu, làm sao để vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì sản xuất không để đứt đoạn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Bắc Ninh áp dụng chặt hơn Chỉ thị 15, Chỉ 16, hoặc chỉ áp dụng một số nội dung trong Chỉ thị làm sao cho linh hoạt và phù hợp tình hình thực tiễn. Các nội dung ban hành phải được thực hiện nghiêm túc, có các biện pháp kiểm tra, giám sát và đặc biệt là chế tài xử lý đi kèm.

Tại các cơ sở cách ly, khu công nghiệp cần đánh giá tiêu chí an toàn các địa điểm đó, xây dựng quy trình quản lý, cách ly và xét nghiệm công nhân để những người đủ điều kiện vẫn được tham gia trong quá trình sản xuất.

Về xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường công suất xét nghiệm, tuỳ theo đánh giá nguy cơ khu vực nào cao hay thấp thì linh hoạt việc xét nghiệm mẫu đơn hay mẫu gộp, đặc biệt, ở khu cách ly tập trung thực hiện tần suất lấy mẫu 3-5 ngày/lần xét nghiệm mẫu gộp.

Áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong việc nhập liệu, mã hoá và trả kết quả để đẩy nhanh tiến độ số lượng xét nghiệm, sau 24h phải trả kết quả, phối hợp với Tổ truy vết của tỉnh nhanh chóng phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.

“Bên cạnh đó, lập kế hoạch xét nghiệm lại cho công nhân trong diện F1 và lấy mẫu tại khu vực cộng đồng tập trung nguy cơ cao: khu vực nơi ở của công nhân, bến xe, chợ”, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.

Nhận định tình hình số lượng ca mắc mới tại tỉnh trong những ngày tới sẽ vẫn tiếp tục ghi nhận, số ca diễn tiến nặng sẽ tiếp tục tăng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hỗ trợ tỉnh về nhân lực, cần thiết sẽ điều động chuyên gia từ Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phụ sản trung ương về hỗ trợ tỉnh.

Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương triển khai đánh giá an toàn cơ sở y tế để đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân mắc Covid-19. Chuẩn bị khí nén trung tâm, oxi trung tâm để có ngay cơ sở điều trị khi có các ca nặng.

Bệnh viện Bạch Mai đã cử 7 chuyên gia về hỗ trợ Bắc Ninh thiết lập hệ thống máy móc ICU, sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân. Bắc Ninh cần tổng hợp nhu cầu về trang thiết bị, máy thở chức năng cao và thuốc cần có, báo cáo Bộ Y tế để cấp phân bổ, đề nghị các Bệnh viện trung ương hỗ trợ.

Ngay trong ngày, Thứ trưởng đã chỉ đạo bàn giáo100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho tỉnh trong tuần này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị thiết lập khu cổng tự động khử khuẩn cho xe ra vào tại khu cách ly. Đảm bảo công tác tập huấn cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, cần lên phương án tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, bệnh nhân có triệu chứng thiếu oxi cần lập tức chuyển sang Bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân nặng.

Về vấn đề phòng chống dịch trong các KCN, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho hay chúng tôi đang đề nghị các KCN Bắc Giang cung cấp danh sách của từng công nhân theo công xưởng sản xuất, điện thoại, địa chỉ rõ ràng, cụ thể để sẵn sàng phục vụ quản lý truy vết.

Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cần cung cấp thông tin cho nhau về các ca F0 để điều tra, truy vết vì có ghi nhận công nhân di chuyển qua lại giữa các tỉnh.

Đặc biệt, ông Nam cũng đề nghị tỉnh phải tổ chức các đoàn đi đánh giá, kiểm tra các doanh nghiệp, lập biên bản báo cáo UBND tỉnh để dừng các doanh nghiệp không chấp hành, không đủ điều kiện.

"Tỉnh Bắc Ninh cần lên kế hoạch cho các doanh nghiệp vừa chống dịch hiệu quả, vừa tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh với những doanh nghiệp đảm bảo công tác y tế, thực hiện xét nghiệm một cách hợp lý với chi phí cho doanh nghiệp chi trả, đồng thời lập các tổ cắm chốt tại các KCN để đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy định phòng chống dịch", đại diện Bộ Y tế nói.

Ngoài ra, đối với khu cách ly tập trung, theo ông Nam, ngành Y tế tỉnh cần nhanh chóng thành lập, bố trí các đội phản ứng nhanh để kịp thời cấp cứu, xử trí bệnh nhân diễn tiến nặng.

Sau Bắc Ninh, Bắc Giang, cần cảnh giác ổ dịch tại TP.Hồ Chí Minh
Sáng 20/5, Việt Nam tiếp tục ghi nhận 30 ca nhiễm Covid-19 mới lây nhiễm trong nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư