Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Người con Sài Gòn và hành trình đi để trở về
Quang Đăng - 02/05/2021 14:39
 
Giữa “bão” Covid-19 tại Pháp, ước nguyện của GS. Lê Văn Cường là có ngày tiếp tục trở về để hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam tiếp cận chương trình học tập nghiên cứu kinh tế chất lượng cao.
GS. Lê Văn Cường cho rằng, tận dụng công nghệ 4.0 để phát triển là lối đi đúng hướng, nhưng thành hay bại nằm ở khâu thực hiện

Hành trình đi - trở về

Trong tiềm thức của GS. Lê Văn Cường, cuộc sống Sài Gòn ở thập niên 1960 khá ngột ngạt, bởi đây là giai đoạn gắn với chính biến của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thanh niên Sài Thành khi đó sống trong cảm giác bất an mỗi khi đến rạp chiếu phim, bởi thường xuyên xuất hiện các vụ đánh bom trong rạp. Nhiều bạn trẻ trong tâm thế bí bách, không thích chính quyền Sài Gòn bấy giờ, càng không ưa sự xuất hiện của lính Mỹ tại “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Không muốn thả trôi tuổi trẻ trong mớ hỗn độn đó, chàng trai Lê Văn Cường chọn con đường học vấn, thỏa chí với đam mê toán học và sau này là kinh tế toán. Sang Pháp học tập vào năm 1964, chàng trai 18 tuổi khi đó mang theo tâm niệm ngày trở về góp sức cho quê hương.

Ông “bén duyên” với kinh tế Việt Nam trong lần đầu tiên trở về năm 1977, sau 13 năm học tập, nghiên cứu bên Pháp. Nhận thấy mô hình kinh tế trong nước lúc đó không ổn cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, nên khi Việt Nam chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông đã nung nấu ý tưởng đưa những lý thuyết kinh tế thị trường và ứng dụng kinh tế toán về Việt Nam. Vấn đề này được ông cho là cấp thiết, vì muốn vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần có kiến thức nhất định về kinh tế thị trường.

Thế nhưng, những năm 1990, số lượng nhà khoa học trong nước nghiên cứu về toán kinh tế còn rất ít. Nhằm hiện thực hóa ý tưởng, ông đã cộng tác với các đơn vị đào tạo và nghiên cứu kinh tế trong nước xây dựng các báo cáo đánh giá và giới thiệu lý thuyết kinh tế thị trường và lý thuyết kinh tế toán, để những nhà nghiên cứu, giảng viên kinh tế tại Việt Nam sau này có thể giảng dạy, nghiên cứu, khuyến nghị chính sách kinh tế cho đất nước.

Hành trình nhiều năm đi - về Việt Nam của ông Cường bị gián đoạn hơn một năm qua do đại dịch Covid-19, nhưng mong muốn về nước để tiếp tục triển khai chương trình đào tạo dự bị thạc sỹ/tiến sỹ cho các bạn trẻ muốn ra nước ngoài học tập chưa bao giờ vơi bớt trong ông.

Xách hành lý lên đường về Việt Nam là ý nghĩ thường trực trong ông, bởi điều làm vị giáo sư 74 tuổi lấn cấn là chương trình đào tạo cử nhân kinh tế ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với thế giới, đặc biệt so với các nước phát triển. Ghi nhận thực tế của ông và các cộng sự bên Pháp cho thấy, những năm 2000, có đến 70% sinh viên/nghiên cứu viên người Việt học thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài theo dạng học bổng đã thất bại khi bảo vệ công trình nghiên cứu của mình.

Bên cạnh đó, đa số các bạn trẻ được đào tạo trong nước còn yếu về toán kinh tế. Với các môn học căn bản như kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kiến thức mà sinh viên trong nước được học gần như không dùng và không áp dụng được khi sang học ở nước ngoài. Chỉ có môn học kinh tế lượng có thể dùng được một phần kiến thức đã học. Một số môn học khác thậm chí sinh viên phải học lại từ đầu.

Từ những nỗ lực hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu của ông, đã có hơn 100 sinh viên, nghiên cứu sinh đạt kết quả học tập tốt ở chương trình đào tạo dự bị và được GS. Cường viết thư giới thiệu xin học bổng toàn phần thành công tại các trường, đơn vị nghiên cứu nước ngoài.

GS. Lê Văn Cường trong một lần trở về Việt Nam

Ba trăn trở về kinh tế Việt Nam

Sự nghiệp của GS. Lê Văn Cường gắn chặt với các công trình nghiên cứu lý thuyết về sử dụng những mô hình tăng trưởng tối ưu để đề xuất đường hướng phát triển kinh tế. Không phải ngẫu nhiên ông được mệnh danh là “giáo sư của các giáo sư”. Ngoài hơn 100 công trình nghiên cứu kinh tế, ông đã hướng dẫn nhiều lớp nghiên cứu sinh, rất nhiều trong số họ trở thành tiến sỹ, phó giáo sư nổi tiếng.

Nhiều công trình nghiên cứu của ông được đăng ở các tạp chí khoa học danh tiếng thế giới như Journal of Economic Theory, Economic Theory, Journal of Mathematical Economics... Trong đó, công trình nghiên cứu mô hình cân bằng tổng quát cho thị trường tài chính của ông đã gây tiếng vang trong giới khoa học Pháp và thế giới, bởi đây là vấn đề khó, mới lóe lên vào cuối những năm 1980.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu về mô hình tăng trưởng, GS. Cường cho rằng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là chuyện tốt, nhưng vấn đề đặt ra là thu hút vào ngành nào cho hiệu quả. Nhìn vào quá trình thu hút FDI từ lúc mở cửa nền kinh tế, với những bài học về ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động, ông khuyến nghị, ưu tiên FDI nên dành cho những ngành tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao.

GS. Cường cho rằng, không nên có tâm lý lo ngại vấn đề FDI chi phối hoạt động sản xuất của Việt Nam. FDI vào nhiều là dấu hiệu tốt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài nhìn ra sức tăng trưởng và lợi thế của nền kinh tế Việt Nam. Còn chuyện các doanh nghiệp trong nước, người lao động không tận dụng được các cơ hội, lợi ích mà FDI mang lại thì cần xem lại chính mình. “Mình không hấp thụ được công nghệ từ khu vực FDI là lỗi tại mình, đừng đổ lỗi tại FDI khi mình chưa thiết lập được những kết nối chặt chẽ với họ”, GS. Cường nêu.

Để gặt hái lợi ích từ FDI, Việt Nam cần phát triển nền sản xuất trong nước vững mạnh, từ đó có cơ sở đề ra yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa hay tỷ lệ sử dụng thiết bị, phụ tùng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khi đàm phán và cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài triển khai dự án. “Một khi chúng ta chưa có nền sản xuất đủ mạnh, thì khó có thể đề nghị hay yêu cầu gì về liên kết với doanh nghiệp FDI”, ông Cường nói.

Trăn trở thứ hai, vẫn là chuyện FDI nhưng tham chiếu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việc tham gia CPTPP và EVFTA mở ra cơ hội đón làn sóng FDI, nhưng quan trọng là hấp thụ công nghệ từ các dự án FDI, phát triển các công nghệ khác và độc lập để có thể tận dụng cơ hội từ CPTPP và EVFTA.

GS. Cường cảnh báo, đừng biến Việt Nam trở thành “cứ địa” để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng các lợi thế để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đi thế giới, tránh hiện tượng doanh nghiệp FDI đầu tư dự án để “rửa nguồn” và hô biến xuất xứ hàng hóa của nước khác thành hàng hóa “Made in Việt Nam” và xuất đi các thị trường CPTPP và EVFTA.

Nhìn từ câu chuyện phát triển của “Thung lũng Silicon của Trung Quốc” - Thâm Quyến, cuối những năm 1970, đây chỉ là nơi sản xuất hàng hóa sang Hồng Kông và đi các nước. Nhưng từ những năm 2000 trở lại đây, Thâm Quyến đã tự chủ sản xuất được hàng hóa chất lượng cao nhờ xoay chuyển định hướng phát triển và đầu tư mạnh tay vào công nghệ mới.

Vấn đề thứ ba là tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tạo ra các nền tảng 4.0 để hỗ trợ bán hàng là điều tuyệt vời, nhưng cốt lõi sâu xa vẫn phải là sản xuất ra sản phẩm để bán. Điểm lưu ý của GS. Cường đối với cách mạng 4.0 ở Việt Nam là không thể bán hàng kiểu 4.0, nhưng khi giao hàng, đường sá lại kẹt cứng, ách tắc, chậm trễ kiểu 0.4. Do vậy, nguồn gốc vẫn là phải phát triển các nền tảng cốt lõi như hạ tầng, sản xuất, nếu muốn tận dụng tốt cơ hội từ cách mạng 4.0.

Vị giáo sư tôn thờ “đạo năng suất” này cho rằng, tận dụng công nghệ 4.0 để phát triển là lối đi đúng, nhưng thành hay bại nằm ở khâu thực hiện. “Nếu chúng ta cứ mải miết nói về 4.0 mà không chú trọng đúng mức, đúng tầm nội dung của việc đào tạo và phát triển vốn con người, vốn tài chính để nghiên cứu, sử dụng và phát triển các công nghệ, nền sản xuất 4.0, thì đó là điều rất đáng ngại”, ông nói.

Nhân tài Việt trên thế giới không ít, nhưng chúng ta chưa thu hút được nhiều người tài về đóng góp cho đất nước. Đãi ngộ lương bổng chỉ là một trong nhiều yếu tố mà các nhân tài Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, cân nhắc về Việt Nam làm việc. Điều quan trọng nhất là kiến tạo môi trường làm việc để họ phát huy được năng lực và cống hiến, còn một môi trường làm việc để họ “ngồi chơi xơi nước” thì vô cùng uổng phí.

Mang 2 quốc tịch Việt Nam và Pháp, GS. Lê Văn Cường nguyên là Giám đốc Trung tâm Kinh tế Sorbonne thuộc Đại học Paris 1, nguyên Phó giám đốc khoa học phụ trách kinh tế học và ngôn ngữ học của Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp. Ông hiện là Giáo sư danh dự tại Trường Kinh tế Paris (Paris School of Economics), Đại học Paris I Pantheon-Sorbonne; Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp.
Người cộng sự tỉnh táo, đầy trách nhiệm
Giới kinh doanh và các chuyên gia kinh tế có thể thở phào khi đọc văn bản hoan nghênh ý kiến xây dựng cho Dự thảo Nghị định về phát triển và quản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư