Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 21 tháng 08 năm 2024,
Nguy cơ tử vong của trẻ mắc tim bẩm sinh
D.Ngân - 19/08/2024 10:42
 
Nếu trẻ mắc tim bẩm sinh mà không được điều trị kịp thời sẽ gây suy tim nặng và có thể bị đột tử.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 1,5 triệu trẻ ra đời, trong đó khoảng 10.000-12.000 trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh. Còn trên thế giới, mỗi năm có khoảng 1-1,5 triệu trẻ em sinh ra bị mắc dị tật bẩm sinh. Có khoảng 1/4 trẻ mắc dị tật tim cần phẫu thuật trong năm đầu sau sinh, 4,2% số tử vong sơ sinh do dị tật tim bẩm sinh.

Nếu trẻ mắc tim bẩm sinh mà không được điều trị kịp thời sẽ gây suy tim nặng và có thể bị đột tử.

Gần đây Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh tím nặng, kèm suy tim, phân suất tống máu giảm, chức năng tim chỉ còn 10%, nguy cơ tử vong cao.

Bác sỹ Phạm Thục Minh Thủy, Khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải thích, bệnh tim bẩm sinh tím xảy ra khi quá trình máu lưu thông qua tim và phổi ít hơn làm cho máu kém oxy được bơm ra ngoài cơ thể. Tình trạng này khiến da trẻ tím tái.

Ba tháng trước, bé Toàn nhập viện với chức năng tim giảm rất nặng, kết quả siêu âm tim phân suất tống máu thất trái (LVEF) chỉ còn 10% (bình thường ít nhất là 50%), da và niêm tím nặng.

Chỉ số bão hòa oxy máu (SpO2) còn 60% trong khi bình thường 98-100%, tức là khả năng oxy cung cấp máu cho não và các cơ quan giảm nặng. Bé chỉ ngồi một chỗ, thở mệt và tím, không thể làm những việc cơ bản như ăn uống, đi lại, tắm rửa…. Khi đi khám, Toàn phải ngồi xe lăn.

Theo PGS-TS.Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh tím nặng dẫn đến thiếu oxy mạn tính kéo dài ảnh hưởng đến cơ tim, giảm phân suất tống máu, gây suy tim trên nền bệnh không lỗ van động mạch phổi (dị tật bẩm sinh làm gián đoạn dòng máu lên phổi) .

“Hơn 50 năm công tác trong ngành Y, chưa bao giờ tôi gặp một ca tim bẩm sinh tím mà chức năng tim bị suy giảm như thế này”, PGS.Vinh nói.

Bố bé cho biết con mắc bệnh tim từ lâu, chỉ điều trị nội khoa và theo dõi ngoại viện. Khoảng 6 tháng nay, bệnh diễn tiến xấu khiến Toàn phải nghỉ học, chức năng tim rất kém, suy tim nặng, không thể can thiệp hay phẫu thuật.

Bác sỹ Thủy vẫn không thể quên hình ảnh người cha đẩy xe lăn đưa Toàn đến khám. Bé chỉ ngồi một chỗ, thở mệt và tím, không thể làm những việc cơ bản như ăn uống, đi lại, tắm rửa,… để chăm sóc bản thân. Đấy là bệnh cảnh mà khi nghe mô tả, không ai nghĩ là đang kể về một cậu bé 12 tuổi.

Các bác sỹ tra cứu y văn thế giới để xác định nguyên nhân gây giảm chức năng tim nặng ở bé, sau đó hội chẩn quyết định thông tim để giải quyết tình trạng suy tim. Toàn vừa được dùng thuốc vừa chuẩn bị để thực hiện thủ thuật giúp tim phục hồi.

Ê kíp thông tim nong nhánh tuần hoàn bàng hệ (các tĩnh mạch ngoài nông nổi lên và phát triển các nhánh dưới da bụng) bị hẹp, tiên lượng khả năng thành công 50%.

Sau ca mổ kéo dài 60 phút, bác sĩ thành công đặt stent kích thước 7mm vào nhánh mạch máu bàng hệ chủ phổi. Bệnh nhân không có hiện tượng phù phổi, suy tim. Sau điều trị, chức năng tim tăng dần đến 60%, gần như đạt mốc của trẻ bình thường.

Tái khám mới đây, sức khỏe của bé ổn định, có thể tự đi lại, trở lại trường học, vừa qua còn cùng gia đình đi du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh). Đây là kết quả mà các bác sỹ không thể ngờ tới.

“Bệnh nhân này hồi phục ngoạn mục, nhanh đáng ngạc nhiên. Khi chức năng tim phục hồi, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật sửa chữa tật tim, sau đó cần theo dõi suốt đời và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ", bác sỹ Thủy cho biết thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư