Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 11 năm 2024,
Nguy hiểm tính mạng vì điều trị sỏi thận chậm
D.Ngân - 04/05/2024 07:20
 
Dù chỉ có một viên sỏi 12mm trong thận nhưng không điều trị sớm, bà M. phải nhập viện cấp cứu do nhiễm khuẩn vào máu, nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Sau một tháng phục hồi sau sốc nhiễm khuẩn và điều trị sỏi thận, ngày 2/5 bà P.M.M. (61 tuổi, TP.HCM) xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, thận không còn sỏi.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Kể về bệnh tình trước đó, bà M. cho biết đã từng phẫu thuật cột sống 3 lần vài năm trước. Hai tháng gần đây, bà thấy đau lưng, nghĩ do cột sống, đã quen nên không đi khám.

Ngoài ra, bà cũng không đi khám sức khỏe định kỳ. Một tháng trước, bà đột ngột thấy rét run, sốt, mệt mỏi, mơ màng. Đến bệnh viện cấp cứu, hồi sức, bà mới biết nguyên nhân đau lưng là do sỏi thận rơi vào niệu quản gây tắc nghẽn dẫn đến nhiễm khuẩn.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Tùng, khoa Hồi sức Tích cực & Chống độc (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, khi tiếp nhận, bà M. có biểu hiện sốt 38,5 độ C, rét run, lừ đừ, mệt mỏi, lơ mơ, huyết áp tụt 80/40 mmHg. Ngoài ra, người bệnh có nhiều bệnh nền như sỏi thận, tiểu đường type 2 (đái tháo đường).

Cảnh báo nguy cơ sỏi thận nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thế Anh, Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, nếu khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sỏi sớm, việc điều trị sẽ nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng sức khỏe, ít tốn kém hơn cho người bệnh.

Với người bệnh từng sốc nhiễm khuẩn, cần tán sỏi thật nhanh, tránh vi khuẩn bị áp lực nước đẩy lên, thâm nhiễm qua các mao mạch nhỏ của đài thận vào máu.

Theo bác sĩ Thế Anh, bà M. có một viên sỏi kích thước 12mm vị trí đoạn khúc nối bể thận - niệu quản trái cản trở nước tiểu từ thận đi xuống bàng quang, khiến thận ứ độ 2.

Vi khuẩn trong nước tiểu ứ đọng lâu ngày xâm nhập vào máu gây sốc nhiễm khuẩn, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Thế Anh, tình trạng đau hông lưng do sỏi từ thận rơi xuống ống niệu quản gây bế tắc làm tăng áp lực lên bể thận, gọi là cơn đau quặn thận. Đường kính lòng trong niệu quản 2-3 mm, có thể giãn rộng 7 mm, trong khi viên sỏi của bà M. kích thước 12 mm nên gây tắc nghẽn lưu thông nước tiểu.

Do để lâu không phát hiện, giải phóng tắc nghẽn, điều trị sỏi nên phát sinh biến chứng thận ứ nước, nhiễm trùng tiểu, thậm chí sốc nhiễm khuẩn. Ngoài ra, thận ứ nước tiểu lâu ngày có nguy cơ teo nhu mô thận, suy giảm chức năng thận.

Bác sĩ Thế Anh cho biết hiện nay, sỏi thận có thể phát hiện đơn giản thông qua siêu âm và chụp X-quang bụng. Sỏi càng được phát hiện sớm khi kích thước còn nhỏ (dưới 5mm), việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, ít nguy cơ phát sinh biến chứng nguy hiểm.

Ngược lại, với những viên sỏi lớn, nguy cơ phát sinh biến chứng cao, cần điều trị bằng những phương pháp hiện đại sẽ tốn kém nhiều chi phí hơn.

 Trước đó, cơ sở cũng điều trị cho một nam thanh niên có hàng trăm viên sỏi trong thận trái do uống ít nước, cơ địa dễ tạo sỏi.

Theo chia sẻ của bệnh nhân anh làm việc tại một siêu thị điện máy ở TP.HCM. Ngoài thời gian làm việc chính thức, anh thường xuyên tăng ca tối để vận chuyển, kiểm kê hàng nhập/xuất kho của siêu thị.

Công việc bận rộn nên anh đã quen với những bữa cơm mua ngoài “cho xong bữa” và  uống ít nước, nhịn đi tiểu trong giờ làm, chỉ đi tiểu khi bụng đau, căng tức.

Khi mang vác, vận chuyển hàng hóa của siêu thị, anh T. thường thấy đau âm ỉ tại vùng hông dưới bên trái, đi tiểu thấy có máu.

Tuy nhiên, lúc ngồi một chỗ làm việc hay đi lại nhẹ nhàng thì không đau, không tiểu máu nên anh nghĩ do ảnh hưởng của vết mổ ruột thừa 10 năm trước.

Gần đây, anh chuyển sang kinh doanh tại nhà, có nhiều thời gian hơn nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám sức khỏe thì phát hiện thận trái lấp kín sỏi.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ trên 8.870 cặp song sinh phát hiện khả năng di truyền sỏi thận lên tới 56%.

Một nghiên cứu khác tại Anh cho thấy 35% người bệnh sỏi thận do tăng canxi niệu có nguyên nhân di truyền từ gia đình. Ngoài di truyền, thói quen ăn uống cũng là nguyên nhân hình thành sỏi phổ biến.

Để phòng chống sỏi thận, chuyên gia khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), ăn giảm mặn; giảm dầu mỡ, đạm động vật, thực phẩm giàu oxalat (củ cải trắng, khoai lang, rau chân vịt…); hạn chế nước uống có ga, rượu bia…

Khi có dấu hiệu đau hông lưng dữ dội nhất là khi vận động mạnh, tiểu máu, tiểu buốt, tiểu nhiều lần… cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời.

Với người cơ địa dễ tạo sỏi hoặc có người nhà có tiền sử điều trị sỏi, cần khám sức khỏe định kỳ 12 tháng/lần để sớm phát hiện, điều trị khi sỏi còn nhỏ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư