Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Nguy hiểm tính mạng vì không điều trị sâu răng
D.Ngân - 28/01/2024 21:31
 
Nữ bệnh nhân 27 tuổi, bị sâu răng nhiều năm không điều trị, vi khuẩn theo đường máu đến tấn công van tim gây thủng van, giãn buồng tim, tăng áp phổi.

Theo bác sĩ Phạm Thục Minh Thủy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, kết quả siêu âm tim một tuần sau mổ cho thấy chị H., Đà Nẵng chỉ còn hở van hai lá nhẹ (1/4), lỗ thủng trên van được sửa, bít kín, áp lực động mạch phổi giảm, chức năng tim ổn định.

Ảnh minh họa.

Từ tháng 7/2023, chị Hoài thường xuyên thấy mệt dù vẫn duy trì sinh hoạt như thường ngày, sụt cân nhanh (5 kg trong một tháng). Đi khám ở bệnh viện địa phương, chị được chẩn đoán thiếu máu và điều trị nội khoa.

Hai tháng sau, chị Hoài bắt đầu sốt âm ỉ, uống thuốc hạ sốt thì hết, vài ngày tái sốt một lần. Chị đến bệnh viện tái khám, bác sĩ phát hiện có âm thổi bất thường ở tim nên chỉ định siêu âm tim thì phát hiện hở van 2 lá nặng, nghi ngờ do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Chị H. nhập viện điều trị 8 tuần, tiêm thuốc kháng sinh hàng ngày. Khi xuất viện, chị được khuyên đến bệnh viện chuyên khoa tim mạch để phẫu thuật sửa chữa van tim.

Theo bác sĩ Thủy, chị H. từ thời niên thiếu không ghi nhận đau khớp, chỉ thỉnh thoảng viêm họng, cũng không bị chấn thương hay đập ngực vào vật cứng.

Sau khi hỏi thăm về tình trạng bệnh trong 6 tháng qua kết hợp thăm khám và siêu âm tim, bác sĩ chỉ định chị khám nha khoa. Kết quả cho thấy chị bị sâu răng rất nhiều, có đến 4 chiếc răng cần nhổ ngay, các răng khác cần trám.

Bác sĩ Thủy giải thích, nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là do vi khuẩn theo đường máu đi đến nội mạc tim, thành mạch, các van tim “ăn” dần lá van tạo thành lỗ thủng. Trường hợp của chị H., lỗ thủng trên van 2 lá kích thước 3.5 mm, gây hở van 2 lá, diễn tiến đến hiện tại gây tăng áp phổi, giãn buồng tim.

Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn về phương pháp điều trị hiệu quả cho chị H.. Trước tiên chị phải nhổ những chiếc răng sâu nặng nhất, trám những chiếc sâu nhẹ hơn.

Chị cũng được dùng kháng sinh trước khi điều trị răng và theo dõi sau nhổ răng. Khi tình trạng răng miệng tạm ổn, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật tim nhằm sửa lỗ thủng trên van 2 lá.

ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch cho biết, rất may khi vi khuẩn mới “ăn” một phần nhỏ lá van gây thủng van, toàn bộ lá van chưa tổn thương quá nhiều, có thể bảo tồn được. Hơn nữa, chị H. còn trẻ, chưa sinh con, nếu phẫu thuật thay van sẽ phải uống thuốc kháng đông liên tục.

Nếu chị có thai ngoài dự kiến, uống thuốc trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, việc thay đổi thuốc kháng đông, theo dõi sát trong quá trình mang thai và sinh con cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, ê kíp quyết định mổ sửa van 2 lá. Phương pháp này vừa giúp bảo tồn van tự nhiên, vừa phù hợp với tình trạng bệnh của chị H.

Trong ca phẫu thuật kéo dài ba giờ, bác sĩ Viên và ê kíp tiến hành khâu lỗ thủng trên van 2 lá. Nhờ phương pháp gây mê vô cảm kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống, bệnh nhân ít đau sau mổ, hạn chế dùng morphin sau mổ. Hậu phẫu, chị H. hồi phục nhanh, được cai máy thở sớm, sinh hoạt bình thường và xuất viện sau một tuần.

Bác sĩ Thủy thông tin, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, di chuyển theo dòng máu và bám vào màng trong của tim (nội tâm mạc) hoặc van tim gây nhiễm trùng.

Đây là tình trạng ít gặp với tỷ lệ mắc bệnh ước tính 3 -10/100.000. Ở các nước như Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn vì vấn đề vệ sinh răng miệng chưa được chú ý.

Phần lớn các trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn đều xuất phát từ nhiễm liên cầu khuẩn gram dương, tụ cầu và cầu khuẩn, chiếm 80-90% tổng số ca bệnh.

Ngoài ra, các loài ký sinh ở vùng hầu họng như nhóm HACEK (Haemophilus, Actinobacillus, Cardiobacteria, Eikenella, Kingella) cũng là tác nhân gây nên 6% ca viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Cuối cùng, viêm nội tâm mạc do nấm chỉ chiếm khoảng 1% trường hợp nhưng nguy cơ biến chứng gây tử vong rất cao vì nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm việc điều trị khó vì kháng nấm khó đến được mô nhiễm trùng và việc chẩn đoán cấy xác định cũng khó khăn hơn.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, 1/3 trường hợp bị suy tim cấp do hở van cấp tính. Hở van mạn tính sẽ gây giãn buồng tim, rung nhĩ cũng như các rối loạn nhịp trên thất khác.

Ít phổ biến hơn là xuất hiện áp xe trong tim (14%) và block nhĩ thất (8%). Ngoài ra, một số bệnh nhân đến bệnh viện phát hiện viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trong hoàn cảnh đột quỵ não.

Các mảnh sùi lớn di chuyển gây tắc mạch máu não. Biểu hiện triệu chứng tương tự như các trường hợp đột quỵ não khác như nói khó, nói đớ, liệt, yếu hoặc tê một bên người. Song song đó, khi bác sĩ hỏi lại, phát hiện người bệnh có kèm triệu chứng sốt và các xét nghiệm có gợi ý nhiễm trùng máu.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gặp khi người bệnh bị nhiễm trùng ở một bộ phận khác của cơ thể ngoài răng miệng như khớp, da.

Vi khuẩn từ đó di chuyển theo dòng máu, đi đến các cấu trúc của tim và gây nhiễm trùng tại tim. Một số trường hợp đặt đường truyền tĩnh mạch không an toàn vô trùng, vi khuẩn cũng dễ dàng theo dòng máu đến tim.

Sở dĩ vi trùng tấn công nội mạc tim và mạch máu là vì người bệnh đã có sẵn bất thường ở tim, chẳng hạn như bệnh tim bẩm sinh (tim bẩm sinh tím, thông liên thất, còn ống động mạch, van động mạch chủ hai mảnh…), hẹp hở van tim (hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ…) hoặc từng can thiệp sửa/thay van tim.

Nhân trường hợp của chị Hoài, bác sĩ Thủy nhấn mạnh việc vệ sinh răng miệng tốt và khám nha khoa định kỳ rất quan trọng. Đây là biện pháp giúp giảm nguy cơ vi khuẩn theo máu vào trong cơ thể gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Khi phát hiện các răng bị sâu, nha sĩ sẽ có hướng xử lý tốt nhất, tránh hiện tượng viêm nha chu, sâu răng ảnh hưởng tủy xương…

Đồng thời, nếu bệnh nhân có vấn đề ở cấu trúc tim như van tim, tim bẩm sinh, bác sĩ cũng yêu cầu khám răng định kỳ, ghi chú với nha sĩ việc sử dụng kháng sinh phòng ngừa trước khi can thiệp nhổ răng hoặc làm các thủ thuật khác.

Những người có tiền sử bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, từng phẫu thuật hay can thiệp ở tim, đặc biệt có đặt ống ghép nhân tạo, van nhân tạo cần theo dõi dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn như sốt kéo dài, mệt mỏi, xanh xao không rõ nguyên nhân… để đi khám kịp thời.

Bác sĩ Việt Nam tham gia can thiệp tim tại Hội nghị quốc tế
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa thực hiện thông tim can thiệp cho hai bệnh nhân tại Hội nghị Tim bẩm sinh lớn thứ 3 thế giới vào ngày 19/1.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư