Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực: Khoảng lặng sau ngòi bút
Ngô Nguyên - 21/06/2022 16:13
 
Quyết liệt, đeo bám, “chiến” tới cùng, nhưng khi chứng kiến những cái giá phải trả của nhân vật, doanh nghiệp mà cơ quan chức năng xử lý sau bài báo, tôi đã lặng lại…
Nhà báo Ngô Sơn (Ngô Nguyên) nhận Giải A - Giải Búa liềm Vàng lần thứ V

Ngày gặp lại, kể chuyện cứu người nhé, bác sĩ Vũ!

Ngày 29/4/2022, tôi bàng hoàng khi nhận thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Huy Anh Vũ, nguyên Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai trong vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Với mảng nội dung về pháp luật được giao và cũng như các nhà báo khác, tôi buộc phải viết tin thật nhanh để báo thật “nóng” với thông tin trên; rồi phải đào sâu, tìm tư liệu… để hình thành bài viết. Nhưng, ngòi bút của tôi khựng lại, khi con chữ vừa hiện ra.

Bác sĩ Vũ (Phan Huy Anh Vũ), tôi hay gọi như vậy, bởi cũng quen biết bác sĩ Vũ và quý mến từ lâu. Tôi quý bác sĩ Vũ không phải vì quan hệ báo chí (vì tôi không viết về mảng y tế), mà bởi vài năm trước, đồng nghiệp của tôi đang thử việc tại Báo Sức khỏe và Đời sống ở TP.HCM, trong chuyến đi Đồng Nai đã bị tai nạn giao thông rất nguy kịch. Anh ấy quê ở ngoài Bắc, không có người thân ở Đồng Nai, gia đình thì vô cùng khốn khó, người cha đang sống thực vật, vợ làm công nhân “ba cọc, ba đồng”, con còn nhỏ, gia đình đang phải ở trọ.

Sau tiếng nhờ cứu đứt quãng qua điện thoại của đồng nghiệp, tôi vội gọi điện cho bác sĩ Vũ.

Tôi không ngờ, bác sĩ Vũ (lúc đó đang là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) lại nhiệt tình đến thế. Nhận được điện thoại, bác sĩ Vũ lập tức đưa đồng nghiệp của tôi tới bệnh viện cấp cứu; đích thân thăm khám, miễn giảm chi phí, rồi còn móc tiền túi đóng góp để cùng giúp đồng nghiệp của tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Còn nhớ, năm 2021, lúc đại dịch Covid-19 vào giai đoạn căng thẳng nhất, các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, tôi nhận được nhiều email với những lời tâm sự của y, bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện tuyến dưới ở Đồng Nai về áp lực chữa trị Covid-19, về những ca bệnh tử vong, có cả sự hoảng sợ, lo ngại về tính mạng khi trang thiết bị bảo hộ y tế thiếu thốn.

Tôi gọi điện cho bác sĩ Vũ, nói: “Bác sĩ cố gắng giúp họ, bởi y, bác sĩ bây giờ chính là nguồn sống của bệnh nhân Covid-19”.

Ngay ngày hôm sau, email của tôi tràn ngập lời cảm ơn của y, bác sĩ, họ kể đã nhận được quần áo bảo hộ bổ sung, nhận được những lời động viên, chia sẻ của các cấp...

Chỉ mới đó thôi, vậy mà…

Không chỉ riêng tôi, nhà văn Nguyễn Một (nguyên là phóng viên Báo Tiền Phong thường trú tại Đồng Nai) cũng chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Năm 1994, Đoàn thanh niên tiên tiến miền Đông Nam bộ đi tham quan Côn Đảo, chàng bác sĩ trẻ Phan Huy Anh Vũ chạy ngược, chạy xuôi lo cho những anh chị em say sóng nằm bẹp trên sàn tàu. Chúng tôi quen nhau từ đó, khi tôi làm ngôi nhà đầu tiên trên mảnh đất bé xíu, Vũ đến thăm và tặng 2 ngàn viên gạch bằng tiền lương của bác sĩ. Khi tôi nằm viện, Vũ đến tận giường để thăm khám. Vũ yêu văn học, tôi ra cuốn sách nào Vũ cũng đọc và nhận xét tinh tế. Là bác sĩ giỏi, phòng mạch của Vũ nườm nượp bệnh nhân, Vũ đâu có quá nghèo! Khi Vũ lên chức Giám đốc, tôi có lần ghé thăm tặng sách và đọc cho Vũ nghe câu: “Cây càng cao, gió càng lay. Càng cao danh vọng càng dày gian nan”. Vũ cười! Nghe tin Vũ bị bắt, tôi bất ngờ! Lẽ nào, chức vụ và đồng tiền lại dễ dàng làm hại con người đến như vậy? Tiếc và buồn lắm Vũ à!”.

Dẫu biết rằng, bàn tay có mặt trái, mặt phải; dẫu biết rằng “nhân vô thập toàn”, nhưng lòng tôi vẫn nhói lên, khi những ngôn từ lạnh lẽo hiện dần: “cơ quan điều tra cáo buộc Phan Huy Anh Vũ…”. Bấm nút “send” để gửi bài, tôi chỉ còn biết nhủ thầm: “Ngày gặp lại, ôm nhau mà uống, mà ôn lại cùng nhau những khoảnh khắc cứu người nhé, bác sĩ Vũ!”.

Nhà báo Ngô Sơn trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu về những khe hở của pháp luật 

Cứu sống mà vẫn… “chết”

“Cà phê anh nhé, lâu quá rồi” - điện thoại của tôi hiện lên tin nhắn của N.X.T., giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp lốp xe cũ ở TP.HCM, từng được tôi “giải cứu” nhiều năm trước khi bị vài nhân viên hải quan ở Bà Rịa - Vũng Tàu “hành”.

Gặp nhau ở quán cà phê, tôi hào hứng hỏi thăm T. chuyện gia đình, công việc. T. thở hắt ra: “Em xóa sổ công ty lâu lắm rồi, sau vụ ấy. Giờ gặp anh để chào, để ‘bỏ phố về quê’ nè. Đi làm thuê mãi, mệt rồi”.

Tôi khựng lại, ly cà phê bỗng đắng ngoét.

Hơn 10 năm trước, thông qua người bạn, T. gặp tôi “kêu cứu”, bởi tàu hàng chở lốp cao su của Công ty bị hải quan ách lại. Rà soát hồ sơ, điều tra, chất vấn các bên liên quan, đối chiếu hành vi với quy định pháp luật, tôi phát hiện, những cá nhân của cơ quan hải quan đã sai phạm khi ngăn chặn, giữ tàu hàng, dễ đẩy Công ty của T. vào thế phá sản bởi vỡ hợp đồng và thiệt hại lớn khi hàng hóa bị thu.

Hàng loạt cú điện thoại, khi thì phản ứng gay gắt, khi thì “năn nỉ” gặp để “hiểu nhau”, để “đừng nỡ hất chén cơm của người khác”... từ những người liên quan không hề làm tôi và T. chùn bước.

Sau thời gian điều tra, tôi tính viết tắt tên doanh nghiệp, giám đốc, chỉ nêu chi tiết hành vi sai phạm của nhân viên hải quan nhằm an toàn cho doanh nghiệp trong trường hợp cơ quan chức năng không xử lý, bởi báo chí không phải là tòa án.

Nhưng T. ập đến, đưa tôi xem bản sao “huyết tâm thư” tố cáo sự việc gửi tới người đầu các bộ, ngành liên quan, xưng rõ tên tuổi, công ty, thậm chí cả số chứng minh nhân dân, mã số thuế doanh nghiệp. “Em quyết rồi, họ vào cuộc công tâm thì công ty em ‘sống’, không thì ‘chết’ em cũng chấp nhận!”, T. nói như đinh đóng cột. Tôi không cản nổi, bởi bản chính lá thư đã được gửi đi.

Bộ, ngành liên quan đã yêu cầu phải làm rõ vụ việc, sau khi nhận được “huyết tâm thư” của T. và vệt bài điều tra của tôi được đăng tải. Hàng loạt cú điện thoại, khi thì phản ứng gay gắt, khi thì “năn nỉ” gặp để “hiểu nhau”, để “đừng nỡ hất chén cơm của người khác”... từ những người liên quan không hề làm tôi và T. chùn bước.

Kết quả, sau 2 tháng, hàng hóa thuộc công ty của T. được trả lại, nhiều cán bộ liên quan bị xử lý.

“Sau đó, em duy trì công ty thêm 1 năm nữa, rồi quyết định xóa sổ, bởi lại cảm nhận được những dấu hiệu ‘bão tố’ khác, có thể do vẫn còn người ‘hận’! Mà như thế, khó lắm, nguy cơ đốt tiền đầu tư...”, T. kể.

Tôi nghe câu chuyện mà lòng day dứt. Có lẽ, chỉ doanh nghiệp mới thấu rõ “thái độ” của những người thực thi nhiệm vụ ở cơ quan chức năng?

Cái giá không ai muốn

Mới đây, đi công tác Đồng Nai, tôi ghé vào quán nước nhỏ ven đường đối diện Khu công nghiệp (KCN) Amata và sững lại khi bắt gặp khuôn mặt khắc khổ, trầm uất của người chủ quán và thân thể gày gò, ốm yếu với mái tóc hoa râm xác xơ của người vợ.

Họ từng là nhân vật trong vệt bài điều tra của tôi năm nào, nhưng thời gian cùng những thăng trầm của cuộc sống đã khiến họ quên mất kẻ từng chất vấn mình ngày đó.

Khoảng 10 năm trước, họ từng là chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho công nhân trong KCN ở Đồng Nai. Đồng Nai có thế mạnh về công nghiệp, với nhiều KCN quy mô, đơn vị nào được thầu cung cấp suất ăn công nghiệp thì “lợi” rất lớn.

Một ngày, công nhân của Công ty X. (xin không nêu tên) bức xúc hất đổ khay cơm vì cho rằng thức ăn bốc mùi, hư hỏng. Lập tức, nhân viên của doanh nghiệp cung cấp suất ăn lao vào tấn công người công nhân. Chưa hết, chiếc xe ô tô chở cơm của doanh nghiệp này quay về chở thêm người ập tới Công ty X., gậy, dao sáng loáng vung lên khiến công nhân Công ty X. tán loạn.

Tôi vào cuộc, quyết liệt, truy tận gốc đối tượng, bởi hành vi sai phạm này không chỉ làm mất an ninh trật tự trong KCN, mà còn gây hoang mang cho doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư.

Vệt bài đó gây chấn động đến mức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ, xử nghiêm. Cơ quan công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc và kết quả là, sự việc xuất phát từ sự nóng nảy bùng phát của nhân viên doanh nghiệp cung cấp suất ăn, chứ người chủ không “ra lệnh”.

Ai gây hậu quả thì phải trả giá, nhưng lại có cái giá gián tiếp là uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp cung cấp suất ăn mất hết. Đồng nghĩa, các hợp đồng cung cấp bị hủy, các công ty đi tìm nơi cung cấp khác. Đó là thời cơ để hàng loạt “đối thủ” nhanh chóng nhảy vào chiếm thị phần, đẩy doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp kia phá sản. Người giám đốc hôm nao trở thành chủ quán nước nghèo kiếm từng đồng lẻ qua ngày đoạn tháng.

Tôi khẽ nhấp ly nước mát lạnh, rồi thở dài. Hơi thở làm nhòe mắt kính, nhưng vẫn còn kịp bắt gặp đôi bàn tay gày guộc chằng chịt gân xanh của người chủ quán...

Nhà báo, doanh nghiệp, doanh nhân - Những người lính xung kích
Trong các bức thư gửi Báo Đầu tư nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2021), nhiều lời tri ân đặc biệt được gửi tới những nhà báo -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư