Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Nhiều doanh nghiệp đầu mối vi phạm Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Hải Yến - 29/09/2023 13:07
 
Bộ Tài chính cho rằng, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định và không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà. Đến nay, Hải Hà nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế.
Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (tính đến ngày 15/9), Bộ Tài chính đã phát hiện một số doanh nghiệp đầu mối vi phạm về quy định của Quỹ bình ổn xăng dầu.

Trong đó, Công ty CP Dầu khí Đông Phương và Công ty TNHH Trung Linh Phát vi phạm cả về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo Nghị định 95 và không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ.

Các công ty như, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty CP tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo Nghị định 95.

Theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83) thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá.

Việc trích lập, chi sử dụng quản lý Quỹ bình ổn giá được gắn với thương nhân đầu mối được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối  kinh doanh xăng dầu.

Thông tư 103/2021/TT-BTC về quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu quy định, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư quỹ.

Bộ Tài chính đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) rà soát tình hình hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có việc sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành của Bộ Công thương.

Trường hợp phát sinh những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương rà soát theo thẩm quyền và thông tin để Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị phát hiện trong tình trạng bi đát, nợ nần thuế chồng chất, bị cưỡng chế thuế, thậm chí, Giám đốc, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã bị khởi tố.

Xuyên Việt Oil  bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ ngày 11/8 nhưng vẫn chưa nộp lại hàng trăm tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách Nhà nước.

Căn cứ Sổ theo dõi tình hình nợ thuế, đến kỳ tháng 1/2020, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil chỉ nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, 3 năm sau, số thuế của công ty này tăng lên nhanh chóng, gấp gần 20 lần. Sổ theo dõi tình hình nợ thuế đến kỳ tháng 8/2023 ghi nhận Xuyên Việt Oil còn nợ ngân sách nhà nước trên 1.528 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.

Một "ông lớn" xăng dầu khác cũng nợ thuế khủng là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà. Đến nay, Hải Hà nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế. Trong khi đó, năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng.

Tháng 8/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, hiện là bà Trần Tuyết Mai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư