Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu với tài chính xanh
Thanh Vũ - 22/11/2023 14:02
 
Với ưu đãi tín dụng xanh, lãi suất sẽ giảm 0,5 - 2% so với mức thông thường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại đang bỏ lỡ cơ hội quý giá này.

“ESG và tài chính xanh là một xu hướng lâu dài. Đến một thời điểm nào đó, đây sẽ là một yếu tố sống còn và là một yêu cầu bắt buộc”, đây là lời khẳng định của ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), tại diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty với chủ đề "Khơi nguồn Tài chính Xanh và Quản trị Xanh", do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức.

Các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính xanh đã được các chuyên gia bóc tách tại diễn đàn. Ảnh: Dũng Minh

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết đa phần doanh nghiệp hiện không nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh và họ gặp rất nhiều gặp áp lực về nguồn vốn đặc biệt này.

Trong gần 2 năm qua, nhóm các doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh là rất ít. Còn lại phần lớn công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu để làm.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).

“Trong gần 2 năm qua, nhóm các doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh là rất ít. Còn lại phần lớn công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu để làm”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ.

Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Ông Phạm Như Ánh cho biết danh mục phân loại xanh quốc gia hiện vẫn chưa có khung pháp lý để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn và cấp tín dụng xanh.

“Ngoài ra, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay. Trong khi đó, chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn dài hạn, ưu đãi”, ông Phạm Như Ánh cho biết thêm.

Vào năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập cao. 5 năm sau đó, Việt Nam hướng đến việc đưa phát thải ròng bằng 0. Đây đều là những mục tiêu rất lớn và đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ để thực hiện. 

Theo ước tính của IFC, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD. Trong đó, một nửa khoản đầu tư này dự kiến do khu vực tư nhân gánh vác.

“Để tài trợ cho một tương lai ít cacbon như vậy, chúng ta cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu và các công cụ trung gian. Các tiêu chuẩn ESG sẽ là đồng tiền quốc tế để thu hút nguồn vốn đó”, ông Darryl James Dong, Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam, kêu gọi các doanh nghiệp hành động.

Tầm quan trọng của sự ổn định tài chính: Mở khóa tài chính xanh cho ngành nhựa Việt Nam
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến ngành nhựa Việt Nam, khiến ngành này trở thành triển vọng hấp dẫn cho nhiều giao dịch mua bán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư