Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nhìn lại 8 năm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
TL - 06/01/2016 19:39
 
Trung tâm Nghiên cứu (BIDV) vừa đưa ra báo cáo đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành kinh tế của Chính phủ 8 năm qua (2008-2015). Điểm nhấn lớn nhất của chính sách sách giai đoạn này, theo nhóm nghiên cứu, là những nỗ lực hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, NHNN với doanh nghiệp.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho rằng, giai đoạn 2008-2015 về cơ bản Chính phủ đã thành công trong điều hành phát triển KT-XH.

Cụ thể, giai đoạn 2008-2010 là thời kỳ nỗ lực đương đầu và vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu với các chính sách kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế quyết liệt, kịp thời, thích ứng với tình hình, Việt Nam đã nhanh chóng thoát khỏi suy thoái (từ Quý I/2009) với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong khu vực Châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Giai đoạn 2011-2015 là sự kịp thời và kiên định chuyển sang thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô song song với việc khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế thông qua các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm hướng đến tăng trưởng một cách bền vững, tạo đà cho sự phát triển nhanh ở giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, trong giai đoạn này, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế phục hồi vững chắc.  

Bên cạnh đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu các lĩnh vực ưu tiên gắn với 3 đột phá chiến lược đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Trong đó, tái cơ cấu tổ chức tín dụng là lĩnh vực hiệu quả nhất, góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô: đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9% so với mức 17,43% tháng 9/2012 và  đã giảm 17 tổ chức tín dụng; năng lực tài chính, thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm, cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế.

Về tái cơ cấu đầu tư công, tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản từng bước được khắc phục. Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

Về tái cơ cấu DNNN, tính đến năm 2015 đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp.Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 thu về gần 12,8 nghìn tỷ đồng, bằng 1,47 lần giá trị sổ sách, tăng 149% so với cùng kỳ năm 2014. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN sau CPH được nâng lên rõ rệt.

Không chỉ có thế, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ cũng đẩy mạnh  hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu và thu hút đầu tư đạt kết quả cao, vị thế Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế. Tính đến năm 2015, Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hơn 60 hiệp định kinh tế và thương mại song phương và thiết lập quan hệ đầu tư với trên 84 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm. Thị trường xuất khẩu được mở rộng lên trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ năm 2008-2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp FDI đăng ký vào Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 200 tỷ USD, giải ngân đạt 90 tỷ USD...

Nhìn lại cả 8 năm qua, báo cáo BIDV cho rằng, xuyên suốt cả chặng đường 2008-2015 nổi lên là những nỗ lực hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và NHNN tháo gỡ khó khăn cho DN, dù bối cảnh và năng lực nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội trong giai đoạn này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo tiền đề vững chắc để phát triển nền kinh tế bền vững theo hướng hiện đại đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đội ngũ kế thừa cho doanh nghiệp Việt: Con cháu hay tài năng?
Xây dựng đội ngũ kế thừa là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư