Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Nhờ chuyển đổi số, xuất khẩu phần mềm sẽ chiếm 50% tổng doanh thu của FPT
Nhã Nam - 05/04/2018 18:55
 
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã say sưa nói về chiến lược chuyển đổi số. Đây là chiến lược được cho là sẽ giúp FPT tăng tốc phát triển trong tương lai, trong đó xuất khẩu phần mềm sẽ chiếm 50% tổng doanh thu FPT.
TIN LIÊN QUAN

Đại hội cổ đông FPT ngày 5/4 đã chính thức thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018, trong đó bức tranh tài chính của Tập đoàn này thay đổi đáng kể với gam màu chủ đạo của khối Công nghệ.

Dự kiến, năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của khối Công nghệ đạt 12.149 tỷ đồng và 1.460 tỷ đồng, tăng trưởng 10% và 29% so với cùng kỳ, chiếm 55% tổng doanh thu và 42% lợi nhuận của toàn Tập đoàn. Trong đó, xuất khẩu phần mềm được FPT xác định là động lực chính cho tăng trưởng.

Chủ tịch Trương Gia Bình say sưa nói về chiến lược chuyển đổi số của FPT.
Chủ tịch Trương Gia Bình say sưa nói về chiến lược chuyển đổi số của FPT.

Dễ hiểu vì sao FPT đã lựa chọn như vậy. Bởi theo dự báo của Gartner, thị trường ủy thác dịch vụ phần mềm sẽ chiếm 60% thị phần ngành công nghệ thông tin toàn cầu, đạt 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2021.

“Công nghiệp phần mềm sẽ trở thành ngành có giá trị nhất, có cơ hội lớn nhất. Dự kiến với quy mô doanh thu của ngành này trong 10 năm tới sẽ đạt con số 6,8 nghìn tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghiệp chắc chắn sẽ phải tìm cách để làm chủ các hoạt động của họ thông qua việc sử dụng các giải pháp công nghệ để phân tích và sử dụng hiệu quả những dữ liệu mà họ đang sở hữu. Những công ty phần mềm quy mô lớn và chuyên nghiệp sẽ là những công ty có cơ hội phát triển tốt nhất trên thế giới. Giờ là thời điểm thống trị của phần mềm”, ông Bill Ruh, Giám đốc chuyển đổi số của GE kiêm Tổng giám đốc GE Digital, cũng đã từng nhận định như vậy trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm nay.

Phân tích thêm về nhận định của người đứng đầu GE Digital, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tiết lộ, cho đến năm 2016, số khách hàng trong top 500 công ty có doanh thu lớn nhất toàn cầu của FPT mới đạt con số 24. Nhưng riêng năm 2017, con số này đã tăng lên 64.

“Điều đó cho thấy, nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp lớn trên thế giới tăng cao chưa từng có. Thậm chí, trước đây có Tập đoàn lớn mất tới 2-3 năm để tuyển chọn đối tác cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, nhưng gần đây chọn FPT để ký hợp đồng chỉ trong 2 tháng”, Chủ tịch Trương Gia Bình say sưa nói về chuyển đổi số như vậy tại Đại hội cổ đông 2018.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, cơ hội tham gia vào chuyển đổi số của FPT là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn FPT là đối tác trong hành trình chuyển đổi số của mình. Chẳng hạn, là Starhub.

“Hiện tại, chúng tôi không chỉ sử dụng dịch vụ ủy thác phần mềm của FPT mà đã lựa chọn FPT là một trong những đối tác chính để triển khai dịch vụ chuyển đổi số. Starhub và FPT đang phối hợp để triển khai hệ thống chatbot cho Starhub”, CEO Starhub Tan Tong Hai tiết lộ.

Ngoài Starhub, các “ông lớn” như GE, Airbus, Coca Cola Việt Nam… đều chọn FPT là đối tác để thực hiện việc chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất. Với ông lớn hàng không  Airbus, FPT sẽ cung cấp 500 lập trình viên để phát triển các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành hàng không dựa trên nền tảng Skywise. Hoặc với Coca-Cola, FPT sẽ đưa ra các giải pháp số hóa phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất của Coca- Cola Việt Nam.

“Số hóa các hoạt động vận hành nhà máy và kinh doanh là một trong những ưu tiên của Coca-Cola trong tiến trình xây dựng nhà máy thông minh, bên cạnh các chú trọng về năng lượng xanh, tự động hóa, phát triển năng lực đối tác doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng, và xây dựng môi trường làm việc chất lượng cao. FPT là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số. Chúng tôi tin rằng, bằng những kinh nghiệm đã triển khai và năng lực công nghệ tốt, FPT sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi số của Coca-Cola Việt Nam diễn ra nhanh chóng và hiệu quả”, bà Tiffani Sassei, Giám đốc Công nghệ thông tin của Coca-Cola toàn cầu nhận định.

Trước thời cơ có một không hai mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này mang lại, FPT đặt tham vọng sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu toàn cầu về dịch vụ chuyển đổi số và trở thành đối tác cấp cao nhất của các tập đoàn sở hữu nền tảng công nghệ IoT. Mục tiêu của FPT là tăng trưởng doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số đạt bình quân 50 - 70%/năm.

Cơ sở để FPT đặt ra con số “như mơ” này dựa trên thực tế của năm 2017, khi doanh thu chuyển đổi số cao gấp 6 lần tăng trưởng doanh thu của toàn Tập đoàn, đạt trên 50% và chiếm 21% tổng doanh thu của khối Công nghệ.

Nhờ việc tăng trưởng lĩnh vực chuyển đổi số mà mảng xuất khẩu phần mềm sẽ liên tục giữ được tốc độ tăng trưởng 25-35% trong 5 năm tới và chiếm tỷ trọng 50% doanh thu toàn Tập đoàn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư