Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2020)
Những cặp nữ tướng đi đầu thương trường Việt Nam
Như Loan - 19/10/2020 15:15
 
Nổi tiếng trên thương trường, những cặp nữ doanh nhân đã cùng nhau dẫn dắt, quản trị, điều hành các doanh nghiệp lớn trở thành hình mẫu của những người phụ nữ hiện đại, thành công trong sự nghiệp.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), cùng điểm qua một số cặp đôi này.

“Song kiếm hợp bích” Băng Tâm - Kiều Liên

Năm 2015 đã gây xôn xao giới kinh doanh khi bà Mai Kiều Liên, người được coi là linh hồn của Vinamilk với hơn 3 thập kỷ gây dựng và phát triển doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam, không còn làm Chủ tịch HĐQT tập đoàn. Người nhận vị trí này không phải ai xa lạ mà là một gương mặt kỳ cựu trong giới tài chính, bà Lê Thị Băng Tâm.

Những lo lắng Vinamilk sẽ bị “mất chất” sau lần thay đổi lãnh đạo cấp cao này đã bị đập tan khi Vinamilk tiếp tục phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả khu vực với việc liên tiếp lọt danh sách các thương hiệu Việt Nam được nhận diện nhiều nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm qua.

Vinamilk: Hai nữ doanh nhân Mai Kiều Liên và Lê Thị Băng Tâm
Vinamilk: Hai nữ doanh nhân Mai Kiều Liên và Lê Thị Băng Tâm

Bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953 tại Paris (Pháp), được đào tạo ở Nga về chuyên ngành sữa và gắn bó với Vinamilk từ thời bao cấp cho đến khi cổ phần hóa và trở thành một doanh nghiệp lớn như hiện nay. Ở Vinamilk, bà Kiều Liên là người có những quyết định mạnh mẽ như: tái cấu trúc Vinamilk, đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê.

Bà Lê Thị Băng Tâm, sinh năm 1947, là tiến sỹ kinh tế, có 40 năm kinh nghiệm quản lý tài chính và từng giữ nhiều chức vụ cao trong bộ máy nhà nước như Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, thứ trưởng Bộ tài chính. Hiện bà cũng đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank, nơi nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cùng bà dẫn dắt hành trình đổi mới thành công tại ngân hàng này.

“Cặp bài trùng” Kiều Liên - Băng Tâm vốn đã có thời gian làm việc cùng nhau khi bà Tâm giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), là công ty mẹ của Vinamilk. Trong khoảng thời gian này, bà đã cùng bà Kiều Liên đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp nhà nước nhỏ lên vị trí thống lĩnh thị trường, vượt qua nhiều thương hiệu nước ngoài, tự tin bước tới mục tiêu công ty sữa nổi tiếng thế giới.

Cặp nữ tướng “trấn giữ” bầu trời: Thanh Hà - Phương Thảo

Sự ra đời của hãng hàng không chí phí thấp Vietjet như một “quả bom” làm bùng nổ nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân Việt Nam. Với đội máy bay mới, mức giá vé tiết kiệm, nhiều đường bay đa dạng, dịch vụ thân thiện, Vietjet đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần hàng không Việt Nam và trở thành hãng bay tư nhân lớn nhất quốc gia.

Hai nữ doanh nhân Nguyễn Thanh Hà và Nguyễn Thị Phương Thảo
Vietjet: Hai nữ doanh nhân Nguyễn Thanh Hà và Nguyễn Thị Phương Thảo

Thành công của Vietjet gắn liền với nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Nếu bà Thảo có tài năng thiên bẩm về kinh doanh thì bên cạnh bà là bề dày kinh nghiệm và kiến thức hàng không của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà. Bà Thanh Hà từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, là chuyên gia, nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm trong ngành hàng không.

Ít ai biết rằng màu đỏ cùng ngôi sao vàng năm cánh biểu tượng cho Vietjet xuất phát từ ý tưởng của bà Hà, thể hiện tình yêu nước và tiếp nối truyền thống của một gia đình quân nhân truyền thống.

Chủ tịch HĐQT Vietjet từng khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng có một tương lai tốt đẹp ở trên không trung, trên những cánh bay và chúng tôi luôn nỗ lực để tương lai ấy đến gần hơn”.

Một nửa còn lại của “cặp đôi hoàn hảo” nghĩ lớn, làm lớn, thắng lớn ở cả trong và ngoài nước, theo như nhận xét của PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chính là Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên lập hãng máy bay. Đến nay, bà đã bốn lần liên tiếp được Tạp chí Forbes bầu chọn vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới và là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này.

Bà Thảo, người đã chinh chiến nhiều năm trong ngành tài chính ngân hàng, đã nhanh nhạy nhận ra tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường hàng không Việt Nam.

Dù lúc đó các kiến thức về ngành hàng không vẫn còn vô cùng lạ lẫm với bà Phương Thảo, nữ tỷ phú vẫn quyết định dấn thân để cùng bà Thanh Hà sáng lập Vietjet. Thông minh, ham học hỏi, ý chí quyết tâm thành công cùng tài năng kinh doanh bẩm sinh đã giúp bà Thảo nhanh chóng bắt nhịp được với thị trường và đưa ra chiến lược đúng đắn để Vietjet bứt phá.

“Tôi chưa bao giờ ngồi tính toán cụ thể xem mình có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty phát triển tốt, thu nhập của nhân viên tăng lên và Vietjet đóng góp gì cho sự đổi mới, tiềm lực chung”, bà Phương Thảo từng nói trong một cuộc phỏng vấn của Tạp chí Forbes.

“Đế chế” ngân hàng Nguyễn Thị Nga - Lê Thu Thủy

Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank Nguyễn Thị Nga và Tổng giám đốc điều hành Lê Thu Thủy có ba điểm chung. Một là cả hai đều là những người doanh nhân tài năng trong ngành tài chính ngân hàng, đều vô cùng kín tiếng với giới truyền thông, và điều cuối cùng là cả hai cùng chung gia đình.

Seabank: Hai mẹ con doanh nhân Nguyễn Thị Nga và Lê Thu Thủy
Seabank: Hai mẹ con doanh nhân Nguyễn Thị Nga và Lê Thu Thủy

Bà Nga, sinh năm 1950, đã giữ vai trò lèo lái ngân hàng SeABank trong suốt 11 năm trước khi thôi chức Chủ tịch HDQT ngân hàng này vào năm 2018. Hiện bà vẫn tham gia điều hành một loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn BRG mà bà và chồng cùng sáng lập.

Dưới sự dẫn dắt của bà Nga, BRG Group đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như golf, khách sạn, bất động sản. Ngoài ra, bà còn đầu tư trải rộng trên các lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, bán lẻ, du lịch và cả nông nghiệp.

Bà Nga được xem là người truyền cảm hứng cho những nữ doanh nhân thế hệ sau, rằng phụ nữ có thể tự tin xây dựng doanh nghiệp, vượt qua những khó khăn để đưa doanh nghiệp của mình vươn xa, đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước.

“Hãy kiên trì theo đuổi đam mê và khát vọng của mình. Hãy chinh phục khát vọng bằng cả khối óc và trái tim - Tôi làm được và phụ nữ chúng ta làm được”, bà Nga phát biểu tại Hội nghị Doanh nhân nữ ASEAN.

Bà Nga làm được và con gái bà, Lê Thu Thủy cũng đang làm tốt. Nữ CEO trẻ tuổi nhất của SeABank sinh năm 1983 từng được coi là người quyền lực thứ 2 tại SeABank sau mẹ là bà Nga.

Tuy nhiên, nhiều người nói rằng Thu Thủy không được hưởng bất cứ đặc quyền nào khi bắt đầu làm việc tại SeABank. Thực tế đã chứng minh cô được bầu làm Tổng giám đốc ngân hàng này vì chính tài năng của bản thân.

Thu Thủy tốt nghiệp đại học George Mason, Mỹ và từ đó đến nay đã ẵm hàng chục giải thưởng, bình chọn danh giá như nhà lãnh đạo ngân hàng trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2014; doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN; doanh nhân biểu tượng tại mỗi quốc gia trong khối ASEAN…

Forbes tôn vinh các nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2019 với danh sách 25 doanh nhân nổi bật nhất châu Á, những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư