Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất
Ngọc Tân - 05/10/2021 08:12
 
Trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng những biện pháp mạnh để chống Covid-19, các doanh nghiệp buộc phải tìm phương án khả thi nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ảnh minh họa.

Tránh bị mất bạn hàng

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29-3 (Đà Nẵng) cho biết, từ hơn 2 tháng nay, Công ty đã triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng cho các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu.

“Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm đồ bảo hộ y tế, áo quần thể thao từ các thị trường Mỹ, châu Âu tăng mạnh. Chúng tôi duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm này không chỉ vì doanh thu, mà còn vì uy tín của doanh nghiệp trên thương trường”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, nếu vì dịch bệnh mà dừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất bạn hàng vào tay đối tác khác và sẽ bị đánh bật khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tham gia.

Tương tự, theo ông Lê Văn Thơ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh (Quảng Bình), giữa tháng 9, ngay sau khi có Quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình về việc lưu thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Nhà máy Tinh bột Long Giang thuộc Công ty đã triển khai đồng bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”.

“Sau thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, rồi sau đó là Chỉ thị 15/CT-TTg, mới đây, tỉnh Quảng Bình đã quyết định chuyển trạng thái mới sang áp dụng Chỉ thị 19/CT-TTg cho phần lớn địa bàn tỉnh. Ngay khi các hoạt động được nới lỏng, chúng tôi đã khẩn trương tập trung thu mua sắn nguyên liệu của bà con 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh để giải quyết vấn đề nguyên liệu sản xuất cho nhà máy trong thời gian tới, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến gần. Hiện nay, nhà máy áp dụng tăng 3 ca liên tục nhằm bảo đảm công suất chế biến 350 tấn nguyên liệu/ngày đêm”, ông Thơ thông tin.

Cũng theo ông Thơ, thị trường xuất khẩu sản phẩm tinh bột sắn của Công ty Long Giang Thịnh hiện nay chủ yếu là Trung Quốc. Nhờ việc lưu thông hàng hóa và thông quan được đảm bảo ngay cả trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên Long Giang Thịnh vẫn đáp ứng được các đơn hàng từ phía đối tác.

Cần hỗ trợ thiết thực

Hiện nay, vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm không chỉ là việc nới lỏng các biện pháp chống dịch, mà còn mong muốn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương.

Ông Lê Văn Thơ cho rằng, tình hình doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, do vậy nếu được hỗ trợ về chi phí phòng chống dịch, hỗ trợ về thuế, về các chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, ưu đãi vốn vay… thì doanh nghiệp mới có cơ hội để tiếp tục duy trì hoạt động và vượt qua khó khăn.

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình diễn ra mới đây, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chính quyền địa phương cần xem xét việc áp dụng các mức độ phòng chống dịch phù hợp. Trong đó, nên hạn chế phong tỏa, hoặc phong tỏa thì ở phạm vi hẹp nhất, nhỏ nhất. Đặc biệt, đối với người đã tiêm 2 mũi vắc-xin thì khi đến các địa phương khác không phải cách ly tập trung, có như vậy doanh nghiệp mới có thể gặp gỡ đối tác, đàm phán và làm việc.

Theo ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty TNHH MTV Oxalis, Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành du lịch, do vậy, chính quyền địa phương cần lập kế hoạch khởi động du lịch theo từng giai đoạn, quy định luồng xanh, “hộ chiếu vắc-xin” đối với du khách đã tiêm đủ 2 mũi, tiếp đó tăng cường kết nối để mở cửa dần hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo cách tiếp cận mới, không thực hiện các hoạt động phong tỏa diện rộng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống nhân dân, mà sẽ khoanh vùng nhỏ, xét nghiệm nhanh, không kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Có giải pháp chống dịch hợp lý, hạn chế tối đa việc đóng của toàn khu công nghiệp, toàn nhà máy, nhưng vẫn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan khi xuất hiện F0. Tỉnh cũng sẽ xem xét hỗ trợ một phần chi phí liên quan đến dịch tễ như xét nghiệm, hóa chất; xem xét giảm phí sử dụng các kết cấu hạ tầng như phí tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, phí ra vào các khu du lịch; giảm giá tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Còn theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, ngay trong tháng 10 này, Đà Nẵng sẽ mở lại nhiều hoạt động với những điều kiện cụ thể. Đồng thời, khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo hiệu quả, khả thi, với quy trình, thủ tục đơn giản, cân đối được nguồn lực của Thành phố; ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế.

“Trước mắt, trong tháng 10 đảm bảo người lao động được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc-xin phòng ngừa Covid-19, hướng đến tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021; hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, hướng dẫn rõ đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi phát hiện ca bệnh tại doanh nghiệp”, ông Quảng cho biết.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Áp lực khôi phục sản xuất quý cuối năm
Việc GDP quý III/2021 tăng trưởng âm tới 6,17%, và 9 tháng chỉ tăng trưởng 1,42% đã đặt ra rất nhiều áp lực cho việc khôi phục sản xuất - kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư