Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 09 năm 2024,
Nỗi lo trẻ hóa bệnh nhân ung thư và "nghèo hóa" vì gánh nặng bệnh ung thư
D.Ngân - 03/09/2024 22:35
 
Tại Việt Nam, gánh nặng do bệnh ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa.

Các kỹ thuật mới cứu bệnh nhân ung thu

Ung thư là nhóm bệnh lý không lây nhiễm mà toàn xã hội rất quan tâm. Theo Globocan (thuộc Tổ chức Y tế thế giới WHO), năm 2022 có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới, tăng so với 18 triệu ca so với năm 2020.

Tại Việt Nam, gánh nặng do bệnh ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa.

Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) dự đoán rằng từ nay đến năm 2050, tỷ lệ ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển và tăng 99% ở các quốc gia có mức phát triển trung bình.

Tại Việt Nam, gánh nặng do bệnh ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa.

Theo Globocan, năm 2022, tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Ước tính đã có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Hiện nay, Việt Nam có hơn 350.000 người đang sống với bệnh ung thư.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu - cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.

Cùng với những tiến bộ y học, việc chẩn đoán và điều trị ung thư thời gian qua đã có những bước phát triển mới, nhiều thành tựu đáng khích lệ. Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi hoàn toàn. Việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới.

Theo thống kê của Bệnh viện Trung ương Huế, năm 2023 Trung tâm Ung bướu của bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị nội trú hơn 18.370 lượt bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh gần 85%.

GS-TS.Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: bên cạnh đội ngũ nhân lực chất lượng cao, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, những liệu pháp và kỹ thuật điều trị tiên tiến.

Triển khai thường quy các kỹ thuật xạ trị tiên tiến ngang tầm các nước trong khu vực, như xạ trị điều biến liều IMRT, xạ trị điều biến theo thể tích VMAT, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh IGRT, xạ phẫu định vị SRS/SBRT…

Đồng thời, đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam triển khai xạ trị ở trẻ em, đặc biệt là xạ trị có gây mê. Các phương pháp điều trị cao cấp như điều trị trúng đích, miễn dịch, hóa trị liều cao, ghép tế bào gốc đã được triển khai thành công ở cả ung thư người lớn và ung thư nhi…

Nỗi lo "nghèo hóa" do bệnh ung thư

Dù đạt được nhiều thành tựu như vậy nhưng theo các chuyên gia, căn bệnh này đang là nỗi ám ảnh và làm nghèo hóa nhiều gia đình Việt.

Theo thống kê của ngành Y tế, độ tuổi mắc ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa. Dẫn số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu, trung bình mỗi năm Việt Nam có 105,6 ca tử vong do ung thư trong tổng số 100.000 dân.

Hiện Việt Nam đứng thứ 91/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới và đứng thứ 50/185 quốc gia về tỷ suất tử vong do ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4% (tương đương 291.000 ca), số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3% (tương đương 209.000 ca).

Tại Việt Nam, nếu như trước đây các bệnh ung thư gan, phổi, vú thường gặp ở độ tuổi trung niên thì nay đã xuất hiện ở lứa tuổi thanh niên. Như vậy, nếu đúng như dự báo thì tình hình bệnh ung thư tại Việt Nam sẽ ngày một căng thẳng, cho dù những tiến bộ trong điều trị là rất đáng ghi nhận.

Cũng thật đáng chú ý khi giới chuyên gia bệnh học cho biết, do gánh nặng chi phí điều trị nên nhiều bệnh nhân ung thư sau một thời gian chữa chạy đã dừng lại, trong số đó có nhiều người đã tìm tới các phương pháp chữa chạy thiếu khoa học, chỉ vì ít tốn kém.

Bác sỹ Ngô Xuân Quý, Bệnh viện K Hà Nội nhận xét, nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm áp dụng thực dưỡng có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là suy nghĩ sai lầm.

Cách đây chưa lâu, bệnh viện tiếp nhận một phụ nữ 64 tuổi, khi phát hiện một khối u dưới môi thay vì đến bệnh viện để điều trị thì người này lại áp dụng chế độ thực dưỡng để ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Qua nhiều năm ăn thực dưỡng, cơ thể ngày càng suy kiệt, tình trạng khối u không thuyên giảm mà ngày càng to, hết sức nguy hiểm.

Trở lại vấn đề, gánh nặng tài chính quá lớn nên người bệnh ung thư rất cần được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm y tế, trong đó cần sớm đưa thêm các loại thuốc đặc trị vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế.

Mặt khác, người dân cần thăm khám sức khỏe thường xuyên và thực hiện tầm soát để có thể sớm phát hiện ung thư (nếu có), từ đó việc tiến hành điều trị sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Có nghĩa là trong khi chờ đợi có thêm hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm y tế, người dân cần chủ động để tránh bị “nghèo hóa” khi phải đương đầu với căn bệnh này và khi “gánh nợ” thuốc men đè nặng một cách dai dẳng.

Thông tin từ Bệnh viện K Hà Nội, chi phí điều trị ung thư hiện nay rất cao, trung bình gần 180 triệu đồng mỗi bệnh nhân một năm.

Còn theo lãnh đạo Bộ Y tế, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/ năm, trong đó bảo hiểm y tế chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị).

Với các trường hợp bệnh nặng và phức tạp, số tiền này có thể tăng lên nhiều lần. Vì thế, mặc dù đã có sự hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, nhiều gia đình bệnh nhân vẫn phải đối mặt với khó khăn tài chính đặc biệt nghiêm trọng.

Tính toán cụ thể cho thấy, nếu với người người lao động có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng thì cũng chỉ vừa đủ chi phí điều trị nếu người đó không may mắc ung thư.

Còn lại tiền ăn uống và các chi phí sinh hoạt phải trông chờ ở những nguồn giúp đỡ khác. Chính vì thế, trong điều kiện chi phí y tế gia tăng và sự thiếu hụt tài chính dự phòng của rất nhiều gia đình thì mối lo về bệnh ung thư càng nặng nề hơn.

Trên thực tế, cùng với đột quỵ thì ung thư là mối lo ngại hàng đầu của người Việt về sức khỏe. Nếu so với châu Á, mối lo về ung thư của người Việt là 39% so với 34% (trong tổng số các loại bệnh); mối lo về đột quỵ là 39% so với 31%.

Đáng chú ý, có tới gần 80% người bệnh ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh và buộc phải điều trị thì bệnh đã trở nặng, đòi hỏi chi phí rất cao cùng việc điều trị phức tạp trong khi khả năng kéo dài cuộc sống bị rút ngắn lại.

Một khảo sát cũng cho thấy 72% số người được hỏi cho rằng chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính.

Trong khi đó, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRAC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gánh nặng ung thư ngày càng lớn khi mà tại Việt Nam hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với căn bệnh này.

Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần 2, Bộ Y tế đề xuất quy định nhiều quy định hỗ trợ cho người bệnh mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo.

Mức hưởng đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định này giúp tiết kiệm chi cho Quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp cơ sở và khám lại ở cấp trên.

Từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám chữa bệnh vượt cấp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư