Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
“Nóng” dự án BOT ngành điện
Hà Nguyễn - 26/08/2013 15:22
 
Thêm một nhà đầu tư nước ngoài nữa được Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư phát triển dự án BOT nhiệt điện ở Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Đó là Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATI) và dự án được lựa chọn là Nhiệt điện Quảng Trị (tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị), công suất 1.200 MW, bao gồm 2 tổ máy 600 MW.

Thông tin này vừa được ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị công bố vào giữa tuần qua, khi ông Somboon Arayaskul, quyền Chủ tịch EGATI tới Quảng Trị để thảo luận về các bước đi tiếp theo đối với dự án trên.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,26 tỷ USD, Nhiệt điện Quảng Trị sẽ được xây dựng trên diện tích 450 ha (50 ha nằm ngoài biển). Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ tạo sản lượng điện thương phẩm khoảng 7,25 tỷ kWh/năm.

Được đầu tư theo hình thức BOT, nên sau sự chấp thuận của Chính phủ, sẽ còn một loạt công việc cần tiếp tục được triển khai. Chẳng hạn, ký biên bản ghi nhớ về phát triển dự án; thỏa thuận nguyên tắc dự án; lập nghiên cứu khả thi trình Bộ Công thương thẩm định; thỏa thuận phương án đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia; đàm phán hợp đồng BOT…

Trong số này, đàm phán hợp đồng BOT là một trong những khâu quan trọng nhất và cũng gặp nhiều trắc trở nhất hiện nay, có thể kéo dài tới vài ba năm. Chính vì vậy, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ông Somboon Arayaskul bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Quảng Trị để có thể triển khai Dự án đúng kế hoạch đề ra.

Cũng phải nói thêm rằng, thời gian gần đây, Chính phủ đã cho phép không ít nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án BOT nhiệt điện ở Việt Nam. Mới đây nhất, đầu tháng 8/2013, Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia) và Tổng cục Năng lượng đã ký biên bản phát triển Dự án BOT Nhiệt điện sông Hậu 2.

Dự án này có công suất dự kiến 2.000 MW, bao gồm hai tổ máy 1.000 MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3,5 tỷ USD, được xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Theo kế hoạch, tổ máy thứ nhất của Nhiệt điện sông Hậu 2 sẽ được vận hành vào quý IV/2021 và toàn bộ Nhà máy sẽ đi vào vận hành thương mại trong quý II/2022.

Sau khi ký biên bản ghi nhớ, phần việc quan trọng của Toyo là đàm phán hợp đồng mua bán điện, hợp đồng BOT, hợp đồng thuê đất, cũng như việc thu xếp vốn với các bên cho vay. Kỳ vọng của Toyo là sang năm 2014 có thể đàm phán hợp đồng BOT, đồng thời nhanh chóng triển khai xây dựng Nhà máy trong vòng 2 năm tới.

Trong khi đó, cách đây chưa lâu, Tata Power, một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng đã được phép nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW, ở Sóc Trăng. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,8 tỷ USD.

Ngoài ra, Nhiệt điện Vân Phong 1 của liên doanh nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và Hanoinco (Việt Nam) cũng đang trong quá trình đàm phán hợp đồng BOT.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư