Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh
Nguyễn Lê - 06/05/2024 16:31
 
Ô nhiễm không khí chủ yếu vẫn là do thông số bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 và có biểu hiện mùa rõ rệt, điển hình vào các tháng mùa đông ở miền Bắc và có xu hướng tăng so với trung bình năm 2022.
.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.

Đó là những nhận định được nêu tại báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2023 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Báo cáo nêu, kết quả quan trắc cho thấy, trong năm 2023, ô nhiễm không khí ở nước ta vẫn xảy ra vào một số thời điểm trong năm, tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM,... nơi có mật độ giao thông cao và quá trình công nghiệp phát triển mạnh. Ô nhiễm chủ yếu vẫn là do thông số bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 và có biểu hiện mùa rõ rệt, điển hình vào các tháng mùa đông ở miền Bắc và có xu hướng tăng so với trung bình năm 2022.

Ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội, TP.HCM tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân, báo cáo nêu nhận định.

Hạn chế tiếp theo được chỉ ra là nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Cả nước mới có 30,3% cụm công nghiệp và 16,1% làng nghề đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp, đạt khoảng 17%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng môi trường một số lưu vực sông trong thời gian qua tiếp tục bị ô nhiễm. Yêu cầu đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt đặt ra cấp bách trong khi nguồn vốn còn hạn chế, các chính sách xã hội hóa chưa hiệu quả, Chính phủ đánh giá.

Báo cáo cũng cho biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 61/63 tỉnh/thành phố là khoảng 67.877 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày).

Tổng lượng rác thải từ khách du lịch khoảng 508.000 tấn (tăng 108.000 tấn so với năm 2022); trung bình 1,2 kg/ngày đêm/người.

Trong khi đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 77,69%. Tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%. Vẫn còn một số loại chất thải nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chất thải y tế nguy hại…chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.

Về nguyên nhân, báo cáo nêu, các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường. Cả nước hiện có 297 khu công nghiệp, 706 cụm công nghiệp đang hoạt động; 902 đô thị; 4.575 làng nghề, 19.660 trang trại trồng trọt, chăn nuôi; hơn 5 triệu xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành; 13.674 cơ sở y tế; gần 151.092 cơ sở sản xuất công nghiệp ; 29 nhà máy nhiệt điện than ; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực.

Hạn chế nữa là còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu nhiều mặt lên môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường với chi phí xử lý cao. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, chế biến, chế tạo gia tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua. Nguy cơ dịch chuyển, hình thành mới các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ đô thị về các khu vực nông thôn.

Theo báo cáo, tổng chi ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 là 18.849 tỷ đồng (trung ương là 1.920 tỷ đồng; địa phương là 16.929 tỷ đồng). Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng nguồn vốn của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam đạt 1.402,88 tỷ đồng (tăng 32,09 tỷ đồng so với năm 2022).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư