Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 07 năm 2025,
Stavian đầu tư Dự án Tổ hợp Tái chế nhựa ở Thanh Hóa
Hà Nguyễn - 25/07/2025 08:51
 
Tổ hợp tái chế nhựa Stavian sẽ được xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, công suất giai đoạn I 17.000 tấn/năm. Dự án sẽ tái chế chai nhựa PET sau tiêu dùng thành hạt nhựa rPET chất lượng cao, sử dụng được trong ngành đóng chai thực phẩm.

Công ty cổ phần Nhựa tái chế Stavian (thuộc Tập đoàn Stavian) vừa chính thức nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp Tái chế nhựa Stavian tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Đây là dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng một trong những tổ hợp tái chế nhựa hiện đại, quy mô hàng đầu Việt Nam, hướng đến mục tiêu phát triển ngành nhựa tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững cho quốc gia.

Dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ và máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nguồn nước, có mức độ tự động hóa rất cao, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thương hiệu tiêu dùng nhanh (FMCG) hàng đầu tại Mỹ và châu Âu.

Stavian nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Tổ hợp Tái chế nhựa ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Trong giai đoạn I, Dự án có công suất dự kiến khoảng 17.000 tấn/năm, với mục tiêu tái chế chai nhựa PET sau tiêu dùng thành hạt nhựa rPET chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn sử dụng trong ngành đóng chai thực phẩm. Sản phẩm sẽ được cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia và thương hiệu lớn trong ngành nước giải khát, bao bì, góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Dự kiến khi đi vào vận hành vào quý I/2027, Tổ hợp sẽ tạo nguồn nguyên liệu ổn định, góp phần thay thế nhựa nguyên sinh nhập khẩu, đồng thời khuyến khích hành vi tái chế trong cộng đồng và hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái phân loại - thu gom - xử lý rác thải nhựa theo chuẩn quốc tế.

Cùng với việc nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Stavian cũng đã ký kết biên bản bàn giao đất với Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - đơn vị phát triển hạ tầng công nghiệp uy tín tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Lô đất dành cho Dự án Tổ hợp Tái chế nhựa Stavian nằm tại trục giao thông lớn của Khu kinh tế Nghi Sơn, cách cao tốc CT01 hơn 6km và cảng nước sâu Nghi Sơn khoảng 10km, mang lại lợi thế vượt trội trong vận chuyển nguyên liệu đầu vào và phân phối sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu.

Song song với việc nhận bàn giao đất, Công ty cổ phần Nhựa tái chế Stavian cũng đang xúc tiến triển khai các bước tiếp theo trong lộ trình phát triển Dự án, bao gồm thuê đơn vị tư vấn thiết kế và xây dựng nhà máy. Dự kiến, Tổ hợp sẽ được khởi công trong quý IV/2025, hướng đến mục tiêu hoàn thành và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ cam kết.

Stavian nhận bàn giao đất từ Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát.

Với định hướng phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn ESG và chính sách EPR tại Việt Nam, Dự án Tổ hợp Tái chế nhựa Stavian được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực và lâu dài về môi trường, xã hội và kinh tế.

Về môi trường, Tổ hợp sẽ góp phần xử lý hàng trăm triệu chai nhựa sau tiêu dùng tại Việt Nam mỗi năm, giảm phát thải hơn 30.000 tấn CO₂ tương đương/năm so với việc sử dụng nhựa nguyên sinh, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ra môi trường - bao gồm cả cả các rác thải tại các hệ sinh thái sông ngòi và đại dương.

Về mặt xã hội, Tổ hợp sẽ thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái thu gom và phân loại rác thải nhựa, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp cho lao động địa phương, từ đó góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Không chỉ có vậy, Tổ hợp Tái chế nhựa Stavian sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia thông qua việc cung cấp nguồn hạt nhựa tái chế chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các thương hiệu hàng đầu trong nước và khu vực, đồng thời gia tăng giá trị cho chuỗi ngành nhựa, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường nguyên liệu xanh tại Việt Nam.

“Việc nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Tổ hợp Tái chế nhựa Stavian là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình xây dựng một tổ hợp tái chế hiện đại, đồng bộ và bền vững tại Việt Nam”, ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Stavian nói.

Theo ông Đinh Đức Thắng, đây không chỉ là một dự án công nghiệp, mà còn là cam kết lâu dài của Tập đoàn Stavian trong việc đồng hành cùng chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và mục tiêu Net Zero của Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng, Dự án sẽ góp phần thay đổi tư duy về nguyên liệu, gia tăng giá trị cho ngành nhựa và lan tỏa tinh thần tái chế, tái sinh trong cộng đồng và doanh nghiệp”, ông Đinh Đức Thắng nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư