Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Oằn lưng đối phó với chủ nợ
Vũ Anh - 13/12/2013 09:41
 
Nguồn lực cạn kiệt, doanh nghiệp đang đau đầu tìm giải pháp đối phó với chủ nợ.  

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, chỉ riêng năm 2013, nợ xấu trên địa bàn Thành phố đã tăng thêm 8.000 tỷ đồng.

Oằn lưng đối phó với chủ nợ
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thương mại
Nội Thất Trẻ (Hà Nội) sẽ thử sức với chủ đề tuần này

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TP.HCM, nợ xấu của TP.HCM vẫn ở mức cao, chiếm 6,13% tổng dư nợ tín dụng (hơn 56.000 tỷ đồng). Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lên tới hơn 39.000 tỷ đồng (chiếm 70,3% tổng số nợ xấu).

Thông tin trên cho thấy, tình hình trả nợ của các doanh nghiệp đang ngày càng bí bách.

Trong khi các doanh nghiệp như Công ty Thủy sản Bianfishco, Tập đoàn Thái Hòa, Thủy sản Phương Nam, Tập đoàn Mai Linh, Hoàng Anh Gia Lai… vẫn đang ngày đêm tìm giải pháp cho các khoản nợ khổng lồ, thì những “con nợ” mới vẫn không ngừng xuất hiện.

Trong công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang giảm 58,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính bị đội lên tới 55 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái và công ty này đã phải đặt chỉ tiêu giảm số dư vay nợ ngắn hạn từ 160,4 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 127,5 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm từ 74,8 tỷ đồng xuống còn 47,7 tỷ đồng.

Tại những doanh nghiệp khác, nợ nần cũng đang đẩy họ vào những tình cảnh hết sức bi đát, thậm chí, các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị khởi kiện. Không ít doanh nghiệp còn bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen, do chủ nợ bán nợ cho các công ty thu mua nợ. Uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trầm trọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh rơi vào bất ổn.

Đi tìm giải pháp cho các doanh nghiệp trong vấn đề này quả thật không đơn giản. Nhất là vào thời điểm cuối năm, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều liên quan đến tiền. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, đã có một số doanh nghiệp tìm được giải pháp cho các khoản nợ phải trả của mình.

Trong đó, một số doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ, như trường hợp của Tập đoàn Mai Linh. Theo đó, vừa qua, HĐQT Tập đoàn Mai Linh đã bất ngờ đề xuất với cổ đông phát hành 100 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược để thanh toán nợ vay ngắn hạn và dùng cho đầu tư phát triển.

Tương tự, gần đây nhất, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, sắp chào bán 120 triệu cổ phiếu cho Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tất toán và cấn trừ nợ dài hạn cho Vicem, theo nghị quyết đại hội cổ đông bất thường thông qua từ cuối tháng 8/2013.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác lựa chọn giải pháp bán bớt tài sản để trả nợ, như Công ty cổ phần Đá ốp lát Vinaconex (Vicostone) đã quyết định phê duyệt 3 đối tác nhận chuyển nhượng 9 triệu cổ phần đang sở hữu tại Công ty cổ phần Bất động sản Tân Phước, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Hay như một số doanh nghiệp khác bán nhà xưởng, máy móc, đất đai để gom tiền trả nợ.

Nhưng ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp do cùng đường, mất hẳn khả năng thanh toán, nên phải chấp nhận bị khởi kiện, siết nợ và biến mất khỏi thị trường. Điều này để lại rất nhiều tổn thất cho các bên, cũng như ảnh hưởng đến đời sống hàng loạt người lao động.

Rõ ràng, rơi vào cảnh nợ nần là điều không một doanh nghiệp nào mong muốn và luôn nỗ lực để tìm giải pháp thoát khỏi nó. Nhưng với tình hình kinh doanh khó khăn trong suốt thời gian qua, nguồn lực cạn kiệt, thì việc cầm cự để tồn tại trước những món nợ lớn, chắc chắn không dễ dàng.

Do đó, để giải quyết êm thấm phần nào vấn đề liên quan đến nợ nần, doanh nghiệp có thể theo dõi Chương trình Chìa khóa thành công - CEO phiên bản 2013, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình tuần này sẽ được phát sóng vào 10 giờ sáng Chủ nhật (15/12) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (16/12).

Điểm tên 7 bài học thất bại đắt giá
Chúng ta đang sống trong môi trường liên tục có những biến động, thay đổi rất nhanh, khó lường trước. Phân tích nhiều nguyên nhân chủ quan và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư