Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
"Ông lớn" ngành hàng hải đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 944 tỷ đồng trong năm 2021
Anh Minh - 22/04/2021 14:01
 
Cảng biển và dịch vụ hàng hải vẫn là 2 trụ đỡ mang lại dòng lợi nhuận dương cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC trong năm 2021.
VIMC hiện đang sở hữu đội tàu vận tải biển có tổng trọng tải lên tới gần 1,5 triệu tấn, thỏa mãn được các công ước quốc tế, hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
VIMC hiện đang sở hữu đội tàu vận tải biển có tổng trọng tải lên tới gần 1,5 triệu tấn, thỏa mãn được các công ước quốc tế, hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

Trong sáng nay (22/2), Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của VIMC đã thông qua toàn bộ các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2021 do HĐQT Tổng công ty đệ trình.

Theo đó, trong năm 2021, VIMC đặt mục tiêu đạt sản lượng hàng thông qua các cảng là 113 triệu tấn, trong đó sản lượng xếp dỡ container đạt hơn 5,1 triệu Teus, vận tải biển đạt hơn 18,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất đạt 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 944 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả kinh doanh năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, VIMC xây dựng kế hoạch hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ trên cơ sở giảm lỗ tại các đơn vị phụ thuộc, đặc biệt là Công ty Vận tải biển VIMC; tập trung quản trị tiết kiệm chi phí, quản trị tăng doanh thu từ nguồn đầu tư tài chính và doanh thu khai thác tòa nhà Ocean Park để đảm bảo hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ không bị lỗ. Nếu các kế hoạch này được triển khai suôn sẻ, trong năm 2021, Công ty mẹ sẽ đạt doanh thu 1.384 tỷ đồng, cân bằng được thu chi.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, trong năm 2021, VIMC sẽ triển khai thực hiện một loạt các dự án cảng biển lớn, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2021-2025 của đơn vị như: Dự án Bến số 4, 5 Cảng cửa ngõ Lạch Huyện, nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn, các dự án đầu tư của Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu.

Bên cạnh đó, VICM cũng sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ (11 tàu với tổng tải trọng 295.000 tấn) và triển khai đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của VIMC đã thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty. Theo đó,tTrong năm 2020, doanh thu hợp nhất của VIMC là 11.127 tỷ đồng, đạt 107,88% kế hoạch đề ra; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 499,5 tỷ đồng, bằng 53,2% so với kế hoạch đề ra và bằng 72,7% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, Công ty mẹ đạt doanh thu 1.483 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là – 824 tỷ đồng.

Nếu tính trong vòng 4 tháng cuối năm 2020, thời điểm VIMC chính thức chuyển đổi sang mô hình hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Công ty mẹ lỗ 1.117,26 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do điều chỉnh bổ sung phân bổ, trích lập các chi phí từ các tồn tại về tài sản công nợ trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước trước đây khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

Do lợi nhuận trước thuế của năm tài chính đầu tiên của VIMC (giai đoạn 18/8/2020 – 31/12/2020) bị âm nên Tổng công ty  sẽ không phân phối lợi nhuận năm 2020.

Cũng trong năm 2020, khối vận tải biển (bao gồm các công ty con và công ty liên kết) tiếp tục là “hố đen” của VIMC với khoản lỗ toàn khối là 684 tỷ đồng, chủ yếu là do tác động của đại dịch Covid-19 và giá cước chưa có nhiều cải thiện. Trong khi đó, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng khối cảng biển và dịch vụ hãng hải vẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận chính cho VIMC.

Trong khi đó, nhờ đẩy mạnh phát triển thị trường, quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị và quyết tâm hướng đến xây dựng hệ thống cảng thông minh, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, khối cảng biển của VIMC vẫn tăng trưởng và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2020. Tổng sản lượng của khối cảng biển đạt 110,6 triệu tấn, tăng so với thực hiện năm 2019 và kế hoạch năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế toàn khối đạt 1.402 tỷ đồng, tăng 9,8% so với kế hoạch. Cảng biển của VIMC đã thu hút được thêm 12 tuyến dịch vụ mới cập cảng từ các hãng tàu container lớn trên thế giới.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics của VIMC có những suy giảm rõ rệt trong tất cả các hoạt động như dịch vụ đại lý tàu, hoạt động vận tải, kho bãi, tạm nhập tái xuất và hoạt động của các ICD. Trước các khó khăn, VIMC đã thực hiện tái cơ cấu quản trị, triệt để tiết giảm chi phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lao động hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh; phát huy vai trò kết nối, điều phối của Công ty mẹ. Kết quả, năm 2020, khối dịch vụ logistíc đã vượt kế hoạch được giao về doanh thu và lợi nhuận (doanh thu đạt 1.716 tỷ đồng, tăng 12% so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 60 tỷ đồng, tăng 7,9% so với kế hoạch).

“Dự báo, trong năm 2021, cảng biển và dịch vụ vận tải sẽ vẫn là những trụ đỡ quan trong của VIMC trước khi thị trường vận tải biển quốc tế có những tín hiệu phục hồi rõ nét hơn”, ông Tĩnh chia sẻ.

Điều đáng nói là trong lĩnh vực vận tải biển, vấn đề thuyền viên đang là vấn đề khủng hoảng và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề đối với lực lượng thuyền viên và gia đình.

Lãnh đạo VIMC cho biết là hiện việc thay thuyền viên gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thực hiện được và cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp đối với vấn đề này. Ngoài ra, việc áp dụng công ước mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp cũng dẫn đến tăng thêm chi phí cho các công ty vận tải biển.

“Mặc dù toàn khối vận tải biển năm 2020 vẫn đang chịu khoản thua lỗ gần 684 tỷ đồng nhưng việc duy trì hoạt động đều đặn của toàn bộ đội tàu vận tải biển và đội ngũ thuyền viên là một thành công rất lớn của VIMC trong bối cảnh đại dịch”, ông Tĩnh nhấn mạnh.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, các cổ đông đã thông qua nhiều nội dung quan trọng khác như: sửa đổi Điều lệ VIMC nhằm tuân theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14; ban hành các quy chế quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng bộ quy tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, khuyến cáo áp dụng đối với các công ty đại chúng.

Công ty mẹ VIMC hiện có tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2020 là 24.482 tỷ đồng, nắm giữ cổ phần chi phối tại 19 công ty con và có vốn góp tại 15 công ty liên kết. Với việc sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm gần 25% tổng số m cầu bến quốc gia), khả năng thông qua hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước), trong số đó có các cảng trọng điểm của cả nước như Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng container hiện đại tại khu vực Cái Mép - Thị Vải; đội tàu vận tải biển có tổng trọng tải lên tới gần 1,5 triệu tấn, thỏa mãn được các công ước quốc tế, hoạt động trên phạm vi toàn cầu; các công ty dịch vụ logistics có hệ thống kho bãi quy mô lớn.

Vinalines đổi tên, mong vận đen buông bỏ
Đổi tên viết tắt từ Vinalines sang VIMC để mong bỏ vận đen, nhưng Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn sẽ rất khó khăn khi chuyển sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư